Sau chuyện Bí thư Thăng và ông Hạnh Nguyễn: Phát đại bác bắn vào môi trường đầu tư

16/05/2016 16:53 PM | Kinh tế vĩ mô

Một tuần sau cuộc gặp gỡ của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, chuyện ba Tập đoàn lớn của Mỹ cùng ông trùm hàng hiệu nổi tiếng Johnathan Hạnh Nguyễn quyết định rót vốn từ vài trăm triệu lên cả tỷ đô vẫn còn nhiều dư âm với giới đầu tư.

Không dễ gì để nhà đầu tư có thể rót vốn vào một nước, đặc biệt với những dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD. Nhìn vào bức tranh thu hút vốn FDI trong 4 tháng đầu năm, mới chỉ có một dự án tỷ đô được rót vào Việt Nam, đến từ nhà đầu tư của Hàn Quốc.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng khá tốt. Năm 2016, mặc dù nhiều tổ chức quốc tế nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể không đạt được như mục tiêu đề ra là 6,7%, song so với nhiều nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng GDP ấn tượng nhất.

Tại sao Việt Nam vẫn vắng bóng dự án tỷ đô?

Sự ổn định kinh tế vĩ mô, cùng sự phục hồi của nền kinh tế, với mức tăng trưởng tốt được xem là nền tảng cần cho các nhà đầu tư lựa chọn rót vốn vào Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi rõ nét, dòng vốn FDI trước đây chảy vào nhiều nước như Trung Quốc, đang có xu hướng chuyển dịch.

Thêm vào đó, ngay từ khi có những thông tin về việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, với nhiều đối tác lớn như EU, Mỹ... hàng loạt các dự án đã đổ vốn vào Việt Nam để đón đầu tư hội này. Dòng vốn đầu tư cũng bắt đầu có sự chuyển dịch, khi nhiều nhà đầu tư đến từ các nước phát triển như EU, Mỹ... đến thăm dò thị trường, khảo sát cơ hội đầu tư.

Thế nhưng có lẽ, từ việc có ý định đến chuyện thăm dò môi trường đầu tư và quyết định rót vốn lại là cả một chặng đường dài. Nhìn vào thực tế thu hút vốn FDI của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, mặc dù số lượng dự án và vốn FDI rót vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, song vẫn chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là vốn giải ngân và các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao, có những thời điểm "vắng bóng".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư trực tiếp nước ngoài cho rằng những nút thắt trong thu hút vốn FDI đó là thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là tạo niềm tin cho nhà đầu tư là những yếu tố rất quan trọng.

Trong khi đó, vẫn còn không ít nhà đầu tư vẫn còn chưa yên tâm, hay thậm chí là băn khoăn khi đặt các câu hỏi về sự ổn định của chính sách, những bất cập trong thể chế. Theo ông Toàn, nhiều nhà đầu tư đã vào Việt Nam thăm dò thị trường, khảo sát môi trường kinh doanh song vẫn còn không ít băn khoăn và lưỡng lự.

Thực tế, những vấn đề còn tồn tại trong thể chế, pháp luật hay thậm chí là thái độ, quan điểm của chính quyền địa phương, khiến cho không ít nhà đầu tư nản lòng và chưa quyết tâm rót vốn. Ông Toàn nói, tạo niềm tin cho nhà đầu tư là yếu tố rất quan trọng để biến ý định đầu tư thành hiện thực, để rút ngắn khoảng cách và rào cản trong môi trường đầu tư.

Chìa khóa: Niềm tin cho nhà đầu tư

Trở lại câu chuyện ông Johnathan Hạnh Nguyễn - ông chủ Tập đoàn IPP cùng ba người bạn đầu tư lâu năm, vốn là những nhà đầu tư lớn, sở hữu các tập đoàn có quy mô của Mỹ đến gặp gỡ Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

Một cuộc gặp gỡ ngắn gọn, nhưng chứa đựng đủ mong muốn, kiến nghị mà những nhà đầu tư muốn thể hiện, cũng như quan điểm và thông điệp của người đứng đầu thành phố.

Điều quan trọng nhất không phải là những lời hứa hẹn nghe quen thuộc như "tạo thuận lợi nhất", "tạo điều kiện tốt nhất", mà hơn cả chính là niềm tin giữa nhà đầu tư và chính quyền. Người đứng đầu thành phố đã tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn, mạnh dạn ra quyết định đầu tư cả tỷ đô vào Việt Nam.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, niềm tin mà người đứng đầu thành phố tạo ra, đã khiến cho các nhà đầu tư không thể nghĩ "nhỏ" hay làm nhỏ, mà phải đầu tư lớn. Bởi vậy, thay vì dự án ban đầu chỉ vài trăm triệu đô, ông chủ IPP cùng ba người bạn đầu tư đến từ Mỹ quyết định rót hẳn 4 tỷ USD vào Thủ Thiêm, xây dựng dự án trọng điểm biến Việt Nam là trung tâm tài chính - chứng khoán của khu vực.

Như một chuyên gia đã nói với chúng tôi, khi đưa ra so sánh ví von rằng câu chuyện đầu tư rất lý thú của ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn như một phát đại bác bắn vào môi trường đầu tư.

Điều quan trọng đối với nhà đầu tư không phải chỉ là môi trường kinh tế ổn định, phát triển tốt, là tiềm năng thị trường hay những lời hứa tạo thuận lợi, mà đó là việc gây dựng niềm tin để nhà đầu tư dám rót cả tiền tỷ và tạo hiệu quả, lan tỏa từ chính dự án tỷ đô ấy.

Theo Cẩm An

Cùng chuyên mục
XEM