Thảm họa "dân nghèo tự tử" hàng loạt tại Ấn Độ: Phận góa phụ mất chồng, tuyệt vọng giữa nạn lạm dụng tình dục mà không được bảo vệ
Hơn 200.000 nông dân đã tự tay kết liễu mạng sống của mình. Nhưng các quả phụ ở lại, tấn bi kịch của họ mới chỉ bắt đầu.
Manisha Uke ngồi ngắm mình qua chiếc gương nhỏ treo trên tường. Một cách chậm rãi, cô dặm lên đuôi mắt một chút phấn, nhằm che đi vết bầm tím đen mới hình thành thời gian gần đây.
"Cần phải thể hiện bản thân đủ mạnh mẽ, dù bạn có đau lòng đến nhường nào," - cô nói bằng một chất giọng đều đều.
Chỉ trong vòng 2 năm, Uke (29 tuổi) đã phải chịu đựng quá nhiều mất mát. Chồng cô - Manoj - đã treo cổ tự tử ngay trong chính ngôi nhà cô đang ở. Manoj vốn là một nông dân hiền lành chất phác, nhưng nạn mất mùa cùng cái chân bị thương vì tai nạn đã khiến anh không thể lao động. Manoj chọn cái chết, để lại Uke với khoản nợ $1122 (khoảng 26 triệu đồng).
Manisha Uke cùng con gái
Vài tháng sau, khi nỗi đau mất chồng còn chưa nguôi ngoai, Uke bị đánh thức ngay trong đêm. Gã anh rể dựng cô dậy, ánh mắt hiện lên vẻ thù hằn.
"Hắn bảo tôi đã phải ngủ với đàn ông trong làng nên mới có thể tồn tại một mình," - Uke hồi tưởng.
Gã giật tóc cô, quăng mạnh xuống đất rồi lao vào đấm đá, giật cùi chỏ... giống như cách đối xử với một kẻ thù. Mặt Uke như biến dạng sau trận đòn hôm ấy, với những vết bầm tím lớn khiến chẳng ai có thể nhận ra cô nữa.
Ngôi làng với "thảm họa tự tử"
Uke đến từ làng Amravati thuộc vùng Vidarbha của tiểu bang Maharashtra phía tây Ấn Độ. Ngôi làng này là tâm chấn của cơn khủng hoảng nông nghiệp kéo dài suốt 2 thập kỷ vừa qua.
Khủng hoảng nông nghiệp của Ấn Độ đã kéo theo một cơn khủng hoảng khác, mang tên "thảm họa tự tử". Trong giai đoạn này, đã có hơn 200.000 nông dân tại Ấn Độ đã tự tay kết liễu mạng sống của chính mình, chủ yếu do áp lực từ một vòng tròn luẩn quẩn: mất mùa liên miên khiến nợ nần ngày càng lớn, đến mức không thể trả nổi.
Maharashtra có đến 60.000 trường hợp tự sát, đa số xảy ra tại làng Vidarbha. Hoạt động canh tác nông nghiệp tại làng phụ thuộc rất nhiều vào lượng mưa, và hệ quả từ biến đổi khí hậu đã khiến người dân rơi vào cảnh cùng quẫn. Chẳng có cây trồng nào có thể ra sản phẩm khi hạn hán và lũ lụt cứ xen kẽ cả.
Khủng hoảng nông nghiệp đã kéo theo một cơn khủng hoảng khác: nông dân tự tử
Những gì Uke phải chịu đựng chỉ là một ví dụ điển hình của vô số góa phụ tại làng. Khi chồng không còn nữa, họ trở thành nạn nhân cho một xã hội đầy gia trưởng và bất công. Bạo hành và lạm dụng tình dục xảy ra như cơm bữa. Một số góa phụ thậm chí bị đẩy ra đường, nhà cửa gia sản bị tịch thu triệt thể bởi gia đình bên chồng.
Chính phủ và phương tiện truyền thông đại chúng hầu như chỉ tập trung vào những người đã tử tự. Nhưng với vợ của họ, bi kịch chỉ mới bắt đầu. Khi lao động chính trong nhà mất đi, họ không chỉ phải đối mặt với áp lực nuôi dạy con cái một mình với khoản thu nhập nhỏ giọt, mà còn "thừa hưởng" luôn khoản nợ mà chồng mình để lại.
Uke cùng con gái nhỏ - người ở lại phải chịu đựng đau thương
Hệ thống an sinh xã hội có quy định trợ cấp cho các quả phụ là nạn nhân của cơn khủng hoảng nông nghiệp một khoản tiền khoảng... 8,4 USD (chưa đến 200.000 đồng tiền Việt) cùng một chút lương thực. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp này cũng rất nhỏ giọt, không được nhận thường xuyên.
Mất chồng, là mất tất cả
Tại Wardha - quận bên cạnh làng Amravati, góa phụ Jyoti Jagtap (30 tuổi) cũng đang phải chịu đựng hoàn cảnh tương tự như Uke. Chồng cô đã tự vẫn, còn cô thì oằn mình gánh trên vai khoản nợ lên tới $4000 (hơn 90 triệu VNĐ).
Chỉ vài ngày sau cái chết của chồng, gia đình thông gia thậm chí còn không cho cô được đặt chân vào bếp. Thông điệp họ đưa ra rất rõ ràng: Jagtap phải ra khỏi nhà, nhưng cô từ chối. Với một người không thể kiếm ra tiền, cô chẳng còn lựa chọn nào khác.
"Sau đó thì tôi cũng làm một shet mazdoor (từ chỉ những người làm việc tại nông trại). Tôi bắt đầu kiếm được tiền, dù là rất ít thôi." - Jagtap chia sẻ.
Tuy nhiên, ý định kiếm tiền của Jagtab khiến gia đình chồng cảm thấy giận dữ. Người phụ nữ đáng thương đã cố gắng tảng lờ tất cả, cho đến khi bị bố chồng hành hung. Ông ta quá khó chịu vì sự hiện diện của cô trong nhà.
Hài cốt của những nông dân đã treo cổ tự tử
Theo một khảo sát vào năm 2018 do Makaam (Diễn đàn quyền lợi của nông dân nữ) thực hiện, 40% góa phụ đã bị tước mất quyền canh tác trên mảnh đất của gia đình chồng, và chỉ 35% được phép ở lại nhà mà thôi.
Thực tế mà các quả phụ Ấn Độ đang gặp phải một phần đến từ văn hóa xã hội vốn đã rất phức tạp. Về cơ bản, gia đình nhà chồng không bao giờ tin vào các quả phụ cả.
"Các gia đình chồng không muốn chuyển quyền sở hữu đất và nhà, vì họ nghĩ rằng sẽ mất trắng tất cả." - trích lời Aarti Bais, đồng sáng lập Swarajya Mitra - tổ chức đấu tranh vì quyền lợi cho các góa phụ và nông dân nữ tại Ấn Độ.
"Họ không hiểu rằng những người phụ nữ ấy gặp khó khăn đến nhường nào khi phải nuôi dạy con một mình mà không có thứ gì làm nền tảng,"
Khi người chủ gia đình mất đi, người phụ nữ phải đối mặt với tấn bi kịch
Nuôi con? Khỏi đi
Aarti Dandane đã phải đối mặt với câu chuyện này một cách cực kỳ khó khăn. Vishal - chồng cô - đã tự tử hồi tháng 4/2018 sau những năm tháng mất mùa triền miên cùng những căng thẳng với gia đình, qua đó biến cô thành một quả phụ khi mới ở tuổi 23.
Góa phụ trẻ đã thực sự suy sụp. 3 năm trước đó, họ có một đám cưới ngập tràn hạnh phúc, bất chấp những lời dị nghị từ xã hội và sự phản đối từ gia đình về tính môn đăng hộ đối. Vậy mà giờ đây, cô mất đi tất cả.
Cùng quẫn, người phụ nữ tội nghiệp đã uống luôn chai nước tẩy rửa để quyên sinh theo chồng, không dừng lại đến một giây để nghĩ về đứa con mới 5 tháng tuổi của cả 2. Cô may mắn không chết, nhưng phải chịu đựng sự ghẻ lạnh của gia đình chồng ngay sau đó.
"Họ chỉ yêu cầu tôi ngưng cho con bú," - Dandane cho biết. Ban đầu, cô không hiểu lý do. Nhưng chỉ vài ngày sau, mọi thứ đã được làm sáng tỏ.
"Họ bảo tôi nên về lại nhà mẹ đẻ, để con trai lại thôi. Họ không thể lo cho tôi, nhưng muốn chăm sóc đứa trẻ. Vậy nên đầu tiên, họ phải tách thằng bé khỏi mẹ nó."
Dandane lập tức từ chối, sau đó bế con rời khỏi ngôi nhà tại quận Wardha, Vidarbha. Nhưng khi về nhà cha mẹ đẻ, cô cảm thấy cực kỳ tội lỗi vì trở thành một gánh nặng cho gia đình khi bản thân không thể kiếm ra tiền. Còn về gia đình nhà chồng, họ lập tức tước đi quyền thừa kế của cô đối với mảnh ruộng và ngôi nhà người chồng quá cố đã để lại.
"Họ nói sẽ trao chúng lại cho con trai tôi khi nó trưởng thành," - Dandane cho biết.
Những người thừa trong xã hội
Câu chuyện mà những góa phụ Ấn Độ gặp phải đến từ các chính sách đầy bất cập của bang Maharashtra.
Trước năm 2019, chính quyền Maharashtra đã luôn chối bỏ việc xem phụ nữ là nông dân, là người lao động, bởi đất đai hiếm khi đứng tên họ. Chính sách chỉ rõ rằng chỉ những nông dân sở hữu đất đai hợp pháp mới được công nhận về mặt pháp lý.
Hệ quả là phụ nữ - đặc biệt là những quả phụ bị tước đi quyền thừa kế đất đai từ chồng - đã như biến thành người thừa trong xã hội. Họ không đủ điều kiện để vay vốn trợ cấp từ ngân hàng và chính phủ, nên buộc phải tìm đến các tổ chức tín dụng đen với các khoản lãi cao đến kinh khủng.
Nhiều phụ nữ làm việc mà không thể sở hữu đất đai cho riêng mình, kể cả từ người chồng quá cố
Dưới áp lực của diễn đàn Makaam, chính quyền Maharashtra đã buộc phải đưa ra cam kết sẽ ưu tiên quyền thừa kế cho các góa phụ. Tuy nhiên thực tế, vẫn chưa có hành động cụ thể nào được đưa ra.
"Những luật lệ này chủ yếu chỉ tồn tại trên giấy tờ. Tại các vùng nông thôn, thông tin về chính sách hoàn toàn không được phổ biến, hoặc có biết cũng chẳng ai quan tâm," - Bais chia sẻ.
Bais cho biết cô đã chứng kiến một quả phụ tại Amravati nộp đơn xin quyền sở hữu tài sản của người chồng quá cố, nhưng đổi lại là thái độ coi thường của chính quyền. Viên quan chức thậm chí đã đề nghị cô phải đánh đổi bằng việc ngủ với gã một đêm.
Dẫu vậy thì bất chấp những khó khăn, các quả phụ vẫn không bỏ cuộc. Họ đứng lên, đấu tranh bằng mọi cách. Như Uke, cô vẫn đang theo đuổi vụ kiện anh rể vì đã hành hung cô, bất chấp việc bản thân giờ đây đang phải ở trong một căn "nhà tranh vách đất" theo đúng nghĩa đen cùng 3 cô con gái. Còn Jagtap, cô tự tay xây lên một ngôi nhà trên mảnh đất đáng ra mình được thừa hưởng, ngay sát cạnh nhà chồng.
"Tôi vẫn luôn cho rằng chồng đã nghĩ về tôi trước khi anh tự tử. Anh hẳn tin tưởng rằng tôi sẽ lo lắng chu toàn mọi thứ cho bản thân cùng các con, và giờ tôi đang làm điều đó đây." - người phụ nữ khẳng định một cách mạnh mẽ.
Tham khảo: SCMP