Chuyện “thâm cung bí sử” nhà Sơn Kim: “Nữ cường nhân” 70 tuổi vẫn đam mê chơi Facebook, không có chức vụ cụ thể nhưng nói gì 5 Chủ tịch/Giám đốc kiêm con cái phải nghe theo răm rắp
Dù đã ở độ tuổi 70 và không nắm bất cứ chức vụ gì cụ thể, nhưng bà Nguyễn Thị Sơn đích thực người phụ nữ quyền lực nhất trong gia đình nhà Sơn Kim. Như Nguyễn Hồng Trang – người con thứ 3 đồng thời là CEO Sơn Kim Mode – GS25 cho biết, cả cuộc đời chị đều nghe theo mẹ Sơn.
Có thể nói, bà Nguyễn Thị Sơn – Nhà sáng lập Sơn Kim Group là một nữ cường nhân thực sự của giới kinh doanh Việt Nam. Mất chồng từ rất sớm, 1 nách nuôi 5 người con, nhưng bà không chỉ nuôi dạy con khôn lớn thành người mà còn hỗ trợ chúng rất tích cực từ kinh nghiệm, tri thức cho đến tài chính; để cả 5 người đã và đang trở thành những doanh nhân hàng đầu tại TP. HCM.
Năm 1987, ở độ tuổi trên 30, bà được Nhà nước giao trọng trách về quản lý Công ty Legamex. Trong thời điểm hoàng kim, công ty may mặc quốc doanh này có 4.000 nhân viên chính thức, 10.000 nhân viên của các công ty vệ tinh, xuất khẩu qua các nước như Liên Xô, Ba Lan, Nhật Pháp…; và là công ty may mặc lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.
Gia đình toàn Chủ tịch và Giám đốc, kinh doanh đủ mọi lĩnh vực: may mặc, bất động sản, bán lẻ, dược phẩm, đầu tư, cà phê, nội thất….
Trong Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam vài năm trước, bà Nguyễn Thị Sơn tiết lộ, hiện 5 người con của mình đang làm chủ/quản lý rất nhiều công ty khác nhau, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề.
Con gái đầu Hồng Vân và chồng là Hồ Nhân đang nắm công ty dược phẩm Nanogen – Bio, con trai thứ hai là Hoàng Tuấn đang ở vị trí Chủ tịch Sơn Kim Group và Sơn Kim Land, con trai thứ ba Hoàng Anh là ông chủ công ty sản xuất trà - cà phê Golden Mountain, con gái thứ tư Hồng Trang hiện là CEO Sơn Kim Mode – GS25 Việt Nam, con trai cuối cùng Hoàng Lâm đã ra riêng thành lập công ty thiết kế nội thất Duy Quân.
Bên cạnh đó, Hoàng Việt – cháu nội của bà Sơn cũng đang tham gia vào công việc quản lý của công ty đầu tư giáo dục SEAEDI của gia đình ở bên thị trường Bắc Mỹ. Hiện bà Nguyễn Thị Sơn đang là Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Chủ tịch HĐQT – CEO của SEAEDI. SEAEDI là một công ty khá đặc biệt, do các thành viên 3 thế hệ trong gia đình bà góp vốn và cùng điều hành.
"Sở dĩ con cháu nhà tôi ai cũng theo nghiệp kinh doanh là bởi chúng được huấn luyện từ nhỏ, khi theo tôi học quản lý từ thời tôi còn ở Legamex. Sau khi có Sơn Kim Group, thì các con lại có một môi trường khác để học tập việc kinh doanh", bà Nguyễn Thị Sơn kể.
Cũng như những gia đình khác, con cái của bà không phải khi nào cũng đồng thuận, thế nên mới có chuyện bây giờ mỗi người đi phát triển sự nghiệp một mảng khác nhau và hiện chỉ có đúng 2/5 người là đang phục vụ cho Sơn Kim.
"Đầu tiên là Hồng Vân quản lý SEAEDI, nhưng sau đó chồng Hồng Vân là anh Hồ Nhân khởi nghiệp với công ty Nanogen – Bio, thì Hồng Vân về phụ và giao nó lại cho tôi. Hồng Trang không phải dân kinh doanh, Trang là Thạc sỹ Sử học của trường Đại học Sư Phạm TP. HCM, ra trường thì đi dạy ở trường Đại học Sài Gòn.
Tới năm 2000, một đối tác Nhật về đầu tư vào Công ty xuất nhập khẩu may mặc Hồng Vân, sau đó liên doanh với gia đình chúng tôi để thành lập liên doanh Quadrille – Vera và chỉ định Hồng Trang làm CEO. Lúc đó, con bé phải kiêm nhiệm cùng lúc 2 vị trí nhưng đã làm rất tốt. Sau này, khi Sơn Kim hợp tác với GS25 đến từ Hàn Quốc, Trang phải quản lý thêm thương hiệu này tại Việt nam", bà Sơn tiết lộ.
Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Sơn Kim Group và phụ trách mảng bất động sản cho gia đình.
Theo bà, 5 người con của bà ai cũng cứng đầu và tự cho là mình giỏi nhất? Trong tất cả, người con trai thứ ba – Hoàng Anh khiến bà đau đầu nhất. Con đường học vấn của anh vô cùng rực rỡ: học thạc sỹ ở Úc, có bằng tiến sỹ quản lý công nghệ tại Mỹ. Ra trường về Việt Nam, đầu tiên anh làm việc ở Hội Luật gia, sau nữa là Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng KENT Coledge liên doanh với Australia.
Nhưng đột nhiên người con trai này của bà nghỉ ngang, không đi theo con đường học thuật nữa mà đòi ra mở quán cà phê và sau đó là công ty sản xuất trà – cà phê sạch.
"Bây giờ thì Hoàng Anh đã ổn, Golden Mountain sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Golden Mountain không chỉ cung cấp trà – cà phê cho chuỗi GS25 tại Việt Nam mà còn thông qua đối tác này, xuất khẩu được cà phê qua thị trường Hàn Quốc.
Đứa con này của tôi tuy rằng tính cách khác người, nhưng đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, tôi phải chiều nó", bà Sơn tâm sự.
"Hiện tại, gia đình tôi chỉ sở hữu 51% cổ phần của Sơn Kim Land, 49% còn lại là nằm trong tay các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi có nói với con trai mình, nếu như mình chỉ còn 30% cổ phần cũng tốt, bởi các đối tác nước ngoài họ giỏi về quản lý – quản trị hơn mình.
Cũng như thế, tôi không hề chi phối các quyết định của con cái, chỉ có điều Tuấn rất hay, luôn kể hết với mẹ vào mỗi buổi ăn sáng thứ hai hàng tuần. Tôi không áp đặt con cái, nếu khuyên không nghe thì tôi vẫn cố gắng hỗ trợ những gì có thể để con thuận lợi hơn trong kinh doanh, như: kinh nghiệm, vốn, mặt bằng", bà Sơn chia sẻ.
Bà kể thêm, hiện tại bà có việc ở Viện Khoa học Pháp lý và SEAEDI cùng đam mê với Facebook – mục tiêu là mỗi ngày nhất định phải có 1 status trên nền tảng mạng xã hội này, nên bà không còn thời gian để can thiệp vào chuyện kinh doanh của con cái. Khi có chuyện khẩn cấp, bà mới gọi điện cho con, nếu không khẩn cấp cứ tới thông lệ sáng thứ hai thì bàn bạc.
Dù người con thứ hai Hoàng Tuấn làm việc rất quyết đoán nhưng khi nào cũng báo cáo với mẹ đầy đủ. Thêm nữa, theo bà, trong thời buổi như thế này, muốn giữ an toàn cho doanh nghiệp gia đình, thì các chủ doanh nghiệp đừng nên thể hiện nhiều quá, vì "sống và tồn tại đã khó khăn".
Người phụ nữ không nắm bất cứ chức vụ gì, nhưng chi phối rất nhiều quyết định của 5 chủ tịch/giám đốc kiêm luôn con cái
"Như mẹ tôi nói, sau khi mẹ tôi rời Legamex bà chẳng có tài sản gì hết, mẹ chỉ truyền cho chúng tôi cái gen đam mê kinh doanh", bà Hồng Trang khẳng định.
Theo vị nữ CEO này, đầu những năm 1990, lúc gia đình chị gặp sự cố, chị đang là sinh viên năm nhất. Trước đó, điều kiện gia đình đang rất tốt, nên lúc đó ý nghĩ đầu tiên là: mình sẽ phải sống như thế nào?, ai sẽ người trả tiền cho mình học đại học?. Dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị Trang vẫn cho rằng, chuyện học là quan trọng.
Trước đó nữa, chị đậu rất nhiều trường đại học, nhưng mẹ Sơn không ép chị theo ngành kinh doanh mà khuyên chị nên chọn ngành mình thích, vì bà biết làm nghề này cực nhọc như thế nào; thế là chị Hồng Trang chọn trường Sư Phạm. Tuy nhiên, bà Sơn cũng nói thêm, dù chọn cái gì đi nữa, thì chị Trang cũng phải học hành nghiêm túc, học và làm giỏi nhất trong ngành của mình. Thế nên, để không phụ lòng mẹ, cả 5 anh em phải phải tự nuôi sống bản thân và không ngừng học tập.
"Để làm gì đó cho mẹ, bằng những kinh nghiệm và kiến thức học được từ mẹ cùng những người khác, anh em chúng tôi đã đứng ra thành lập công ty Sơn Kim. Cũng từ những mối quan hệ thân tình có sẵn của gia đình trong ngành may mặc, chúng tôi đã được nhiều đối tác hỗ trợ kỹ thuật – chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, công ty mới phát triển thuận lợi và có được thành tựu như ngày hôm nay.
Có thể nói, cả cuộc đời tôi luôn nghe theo mẹ. Bây giờ, thỉnh thoảng những kiến thức – nhận định của mẹ có lạc hậu một chút, nhưng một khi mẹ đã nói hoặc quyết định cái gì, thì chúng tôi đều làm theo. Nhiều khi có thể không đồng thuận hoàn toàn với những quyết định của mẹ, nhưng chúng tôi luôn nghe theo, sau đó tự điều chỉnh bản thân hoặc sự việc để phù hợp", chị Hồng Vân tiếp tục kể.
Mặc dù bà Sơn đã lớn tuổi, nhưng với kinh nghiệm dày dạng trên thương trường cộng với sự nhạy bén cùng thời cuộc, theo chị Hồng Trang, thì thường những lời khuyên của mẹ mình khá xác đáng và đúng thời điểm. Và đây có thể là nguyên do chính khiến bà Nguyễn Thị Sơn có tầm ảnh hưởng lớn đến con cái như vậy.