Thảm cảnh của 1 startup từng trị giá 22 tỷ USD: Founder thế chấp nhà vay tiền trả lương nhân viên, cạn kiệt tiền mặt, trên bờ vực phá sản

05/12/2023 08:34 AM | Kinh doanh

Startup này từng được tung hô một thời, là kỳ lân trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Byju Raveendran, người sáng lập của công ty công nghệ giáo dục khổng lồ Byju's của Ấn Độ, đã thế chấp ngôi nhà của mình cũng như những ngôi nhà thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình anh để lấy tiền trả lương cho nhân viên. Điều này đang diễn ra trong bối cảnh Byju’s phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng tiền mặt.

Được biết, 2 ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình Byju nằm ở Bengaluru, miền nam Ấn Độ và 1 biệt thự đang xây dựng của anh ở Epsilon đã được dùng làm tài sản thế chấp để vay 12 triệu USD. Nguồn tin cho biết, công ty khởi nghiệp này đã sử dụng số tiền vay được kể trên để trả lương cho 15.000 nhân viên tại công ty mẹ của Byju’s có tên Think & Learn.

Đại diện của Raveendran và Byju's đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Bloomberg.

Dường như nhà sáng lập của công ty đã nỗ lực hết sức để giữ cho công ty tồn tại và giảm bớt áp lực tài chính. Từng là công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị nhất Ấn Độ, công ty này đang trong quá trình bán nền tảng đọc kỹ thuật số dành cho trẻ em có trụ sở tại Mỹ với giá khoảng 400 triệu USD. Họ cũng đang vướng vào cuộc chiến pháp lý với các chủ nợ về việc không trả được lãi cho khoản vay có kỳ hạn trị giá 1,2 tỷ USD.

Thảm cảnh của 1 startup từng trị giá 22 tỷ USD: Founder thế chấp nhà vay tiền trả lương nhân viên, cạn kiệt tiền mặt, trên bờ vực phá sản - Ảnh 1.

Theo nguồn tin, Raveendran, từng có tài sản gần 5 tỷ USD, hiện đang gánh trên vai khoản nợ cá nhân khoảng 400 triệu USD, cầm cố toàn bộ cổ phần của mình trong công ty mẹ. Nguồn tin này cũng tiết lộ anh Raveendran cũng đã rót lại vào công ty số tiền 800 triệu USD mà anh đã huy động được thông qua việc bán cổ phiếu trong vài năm qua. Điều đó khiến anh rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng.

Tháng trước, Byju’s đã công bố kết quả kinh doanh đầu tiên sau nhiều năm, cho thấy khoản lỗ tại Think & Learn đã giảm nhẹ trong bối cảnh kinh doanh bùng nổ thời kỳ đại dịch. Một cơ quan liên bang Ấn Độ cũng đã kết thúc cuộc điều tra về hoạt động gây quỹ ở nước ngoài của công ty khởi nghiệp này và công ty cho biết các hình phạt, nếu có, dự kiến sẽ không đáng kể.

Vì đâu nên nỗi?

Byju Raveendran không phải là kẻ lừa đảo. Anh ấy cũng không phải là người ảo tưởng. Anh ấy là người tiên phong mở đường trong thế giới công nghệ giáo dục đang phát triển, người đã tìm thấy cơ hội phát triển trong thời kỳ đại dịch. Từng là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất ở Ấn Độ và thế giới, được định giá 22 tỷ USD, Raveendran ngày nay đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất của cuộc đời mình.

Startup từng chiến thắng trong cuộc đua giáo dục trực tuyến đã chứng kiến công việc kinh doanh sa sút, các nhà đầu tư rút lui, các giám đốc rời khỏi hội đồng quản trị, sa thải, nhân viên rời đi với lý do văn hóa nơi làm việc độc hại. Chưa kể đến việc, các cơ quan điều tra đã khám xét văn phòng tại Bengaluru của Raveendran vì nghi ngờ vi phạm các quy tắc ngoại hối.

Ngôi sao Bollywood Shah Rukh Khan, người đã được ký hợp đồng làm đại sứ thương hiệu với mức phí hàng năm khoảng 4 tỷ Rupee, khó có thể tiếp tục hợp tác với Byju’s. Prosus NV, nhà đầu tư và cổ đông lớn nhất của Byju’s, đã giảm mức định giá công ty xuống còn 5,1 tỷ USD.

Điều đáng nói là, Byju’s từng được rót vốn bởi các nhà đầu tư xuất sắc bao gồm General Atlantic, BlackRock và Sequoia Capital. Hiện công ty đang bị cáo buộc vỡ nợ. Đơn vị kiểm toán riêng của Byju’s là Deloitte Haskins và Sells Llp đã từ chức, nói rằng công ty đã trì hoãn việc nộp báo cáo tài chính, khiến họ không thể đánh giá tài chính của công ty. Các chủ nợ thì từ chối cơ cấu lại khoản vay hàng tỷ USD. Hiện chỉ có CEO Raveendran, vợ anh là Divya Gokulnath và anh trai Riju Raveendran còn lại trong hội đồng quản trị.

Raveendran đang nỗ lực hết mình để cứu lấy giấc mơ trị giá hàng tỷ USD mà anh đã biến thành hiện thực. Anh nhanh chóng thay thế Deloitte bằng BDO làm công ty kiểm toán mới để "duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về giám sát tài chính và trách nhiệm giải trình". Anh nhanh chóng đưa cựu chủ tịch SBI Rajnish Kumar và cựu giám đốc tài chính của Infosys TV Mohandas Pai trở thành thành viên của Hội đồng cố vấn mới thành lập.

Giám đốc tài chính mới của công ty, Ajay Goel đã hứa với các cổ đông rằng cuộc kiểm toán cho năm tài chính 2022 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9 và cho năm tài chính 2023 vào cuối tháng 12. Kết quả năm 2020-2021 cho thấy công ty đã lỗ nặng, nhiều gấp đôi doanh thu. Raveendran đang đàm phán nâng cao với các cổ đông mới tiềm năng để huy động 1 tỷ USD, một phần trong số đó có thể dùng để trả khoản vay có kỳ hạn 1,2 tỷ USD.

Năm 2019, Raveendran đã trả 120 triệu USD bằng cổ phiếu và tiền mặt để mua công ty trò chơi giáo dục Osmo có trụ sở tại Mỹ. Riju là giám đốc của Think and Learn Private Limited, công ty sở hữu Osmo. Glas Trust Company và nhà đầu tư Timothy R Pohl đang kiện Byju's Alpha, Tangible Play, Inc. và Riju sau khi các cuộc đàm phán về việc hoàn trả 1,2 tỷ USD không thành công.

Một người bạn thân và đồng nghiệp thời trẻ của Raveendran nhớ lại thiên hướng giải quyết vấn đề của anh. Anh yêu thích toán học và giải các phương trình phức tạp. Người bạn nói: “Anh ấy có năng khiếu và sự tự tin của một thiên tài. Không có vấn đề gì là quá lớn đối với anh ấy”. Bây giờ anh ấy có vấn đề lớn nhất của cuộc đời mình cần giải quyết.

“Vấn đề của Byju’s nằm ở việc, họ đã chuyển từ sản phẩm sang việc không ngừng theo đuổi lợi nhuận được thúc đẩy bởi nhu cầu thu lợi nhuận nhanh chóng của các nhà đầu tư mạo hiểm. Sau đó, trọng tâm chuyển sang chỉ đơn thuần là một đợt tăng giá để gây quỹ”, một chuyên gia nhận định.

“Byju's là trường hợp kinh điển về một người đàn ông cố ôm đồm quá nhiều việc, vượt sức của mình. Đó là câu chuyện về lòng tham lam và cuộc đua giành ngôi đầu trong cuộc đua định giá bị hủy hoại bởi sự cạnh tranh khốc liệt đang tàn phá không gian khởi nghiệp ngày nay”, Tiến sĩ Aniruddha Malpani, một nhà đầu tư thiên thần và là người chỉ trích mô hình kinh doanh của Byju’s nói.

Cuộc khủng hoảng lãnh đạo cũng là 1 phần nguyên nhân đẩy công ty rơi vào vực sâu cùng với các bên liên quan, nhân viên, phụ huynh và cộng đồng sinh viên. Cổ phần của người sáng lập trong công ty đã giảm từ 71,6% trong năm 2015-16 xuống còn 21,2% vào năm 2023. "Những người sáng lập dường như đã mất niềm tin vào sản phẩm của chính họ. Quyết định này sẽ có tác động sâu sắc đến mối quan hệ với các bên liên quan và tinh thần của nhân viên, nhưng điều tồi tệ nhất là hành động của họ có tác động đến toàn ngành, đặt ra câu hỏi về tiềm năng chung của ngành", Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ giáo dục nổi tiếng có trụ sở tại Mumbai cho biết.

Theo: Bloomberg

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM