Thách thức bủa vây nghề môi giới bất động sản trong năm 2020
Nhiều chuyên gia cho rằng trong năm 2020, môi giới cần phải tự tạo dựng thương hiệu riêng mới có thể trụ lạị thị trường.
Môi giới bất động sản từng được cho là nghề “hái ra tiền”. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, nghề này thu hút một lượng lớn lao động với con số lên đến hàng trăm ngàn người. Trong những năm bùng nổ về nguồn cung bất động sản từ 2015-2018, hàng trăm ngàn công ty môi giới lớn nhỏ mọc lên như nấm sau mưa tại Tp.HCM.
Theo thống kê từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, tính từ trong năm 2019 có khoảng 300.000 môi giới trên cả nước nhưng chỉ có khoảng 80.000 môi giới là đủ điều kiện hành nghề. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì sang năm 2020 có lẽ con số này sẽ giảm đi nhiều bởi những khó khăn về chính sách, khan hiếm nguồn cung dẫn đến đất sống cho nghề này cũng không còn nhiều như trước.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, hàng trăm doanh nghiệp phá sản thì nhiều chuyên gia nhận định môi giới sẽ là một nghề khó khăn trong năm 2020. Do đó, để trụ lại với nghề môi giới cần phải tự tạo dựng thương hiệu riêng bằng cách nâng cao uy tín trong các hoạt động. Môi giới muốn được khách hàng nhớ đến, muốn sống được trong môi trường đào thải cao thì phải tạo dựng được tên tuổi chứ không thể mua bán chụp giật như trước đây.
Anh Lê Minh Anh, một nhà đầu tư ở Tp.HCM nhận định rằng năm 2020 sẽ có khoảng phân nửa môi giới phải rời bỏ nghề nếu như không có trách nhiệm đối với nghề của mình. Thời gian qua, bên cạnh việc nguồn cung khan hiếm khiến thị trường lao dốc thì một phần cũng do môi giới làm mất dần niềm tin của các nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, thời gian qua hàng loạt công ty bất động sản bị phanh phui về những chiêu trò câu kéo khách hàng trái luật, hàng nghìn nhà đầu tư, khách hàng bị lừa mua phải dự án chưa được cấp phép dẫn đến tiền vốn bị chôn một chỗ.
Nhiều người thậm chí gia đình tan vỡ, nợ nần chồng chất, con cái khổ sở theo vì bố mẹ đầu tư vào những dự án không thể ra hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Thậm chí, có những dự sau 4 -5 năm mở bán vẫn chỉ là bãi đất trống, nhiều nhà đầu tư sau thời gian chờ đợi mệt mỏi muốn rút vốn cũng không được, chấp nhận chịu lỗ cũng không xong nên đành chấp nhận buông xuôi.
Do đó, môi giới đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa khách hàng với doanh nghiệp. Theo anh Lê Minh Anh, nếu ngay từ đầu môi giới nhận thức được tác hại của việc rao bán những sản phẩm không đủ đáp ứng các điều kiện ra hàng theo đúng pháp luật và kiên quyết từ chối bán hàng thì khi đó doanh nghiệp cũng sẽ phải chấn chỉnh lại các hoạt động của họ.
Bởi có vai trò quan trọng nên môi giới cần phải tự ý thức được công việc của mình sẽ gây ảnh hưởng lớn như thế nào đến khách hàng. Trong quá trình trao đổi, tư vấn cho khách hàng nếu môi giới nói không đúng sự thật thì cần phải có biện pháp xử lý để tránh gây ra những hậu quả khó lường cho nhà đầu tư.
Môi giới cần phải tự trang bị kiến thức, trang bị chứng chỉ hành nghề, tìm hiểu về các công ty đang có dự án. Nếu dự án nào chưa hoàn chỉnh pháp lý, chưa đủ điều kiện mở bán thì phải tư vấn kỹ cho khách hàng. Trong trường hợp khách hàng đồng ý chấp nhận rủi ro thì môi giới mới được phép bán ra.
Theo nhà đầu tư này, năm 2020 sẽ là một năm có sự sàng lọc cực mạnh trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Khi đó, chỉ những môi giới thật sự có thực lực, có kiến thức về bất động sản, am hiểu về nghề, có chứng chỉ và đặc biệt là phải có đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể sống được với thị trường nhiều biến động.