Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh: Từ sai lầm sơ đẳng của thủ môn Bùi Tiến Dũng, giật mình với thói quen LUÔN PHẢI ĐÚNG trong giáo dục

04/12/2019 08:34 AM | Xã hội

Rất nhiều những thái độ ứng xử như thế, trước một sai lầm cực kỳ đơn giản - tưởng như không thể xảy ra - của một học sinh nào đó, đã làm tắt đi sự tin vào chính bản thân của các em.

Trong trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Indonesia tối ngày 1/12, từ một quả tạt không có gì nguy hiểm của một cầu thủ Indonesia, thủ môn Bùi Tiến Dũng phạm một sai lầm rất sơ đẳng tạo điều kiện cho đội bạn dẫn trước 1 - 0.

Ngay lập tức, trên các trang mạng xã hội, trên các bài báo đang tường thuật trực tiếp, vô vàn bình luận xuất hiện lên án dữ dội sai lầm này của Bùi Tiến Dũng.

Thậm chí, tại buổi bình luận sau trận đấu trên VTV6, các bình luận viên và khách mời đã có một hành vi đùa hết sức thiếu văn hóa là giả bộ gọi điện cho thủ môn Đặng Văn Lâm, yêu cầu sang Indonesia gấp để thay thế cho Bùi Tiến Dũng. Một hành động làm tổn thương nghiêm trọng đến danh dự Bùi Tiến Dũng và những người thân của bạn ấy.

Có lẽ, họ đang giữ quan niệm mặc định là tuyển thủ thì không thể có những sai lầm "vớ vẩn" như thế.

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh: Từ sai lầm sơ đẳng của thủ môn Bùi Tiến Dũng, giật mình với thói quen LUÔN PHẢI ĐÚNG trong giáo dục - Ảnh 1.

Trong giáo dục, kiểu tư duy "Tuyển thủ không thể sai vớ vẩn" này thể hiện khá rõ.

Rất nhiều thầy cô giáo không chấp nhận những học sinh ưu tú của mình vấp phải lỗi sơ đẳng như 2 + 2 = 5.

Rất nhiều bố mẹ không chấp nhận con mình chỉ đạt điểm 9 chỉ vì đạo hàm của x^2 (x bình phương) lại là (x^3)/3 chứ không phải là 2x.

Rất nhiều "người lớn" đã buông lời rất nhanh "Sao con ngu thế, dễ ợt vậy mà cũng làm sai,  nhìn con nhà người ta kìa "...

Và rất rất nhiều những thái độ ứng xử như thế, trước một sai lầm cực kỳ đơn giản - tưởng như không thể xảy ra - của một học sinh nào đó, đã làm tắt đi sự tin vào chính bản thân của các em.

Để rồi - thay vì bình tĩnh sửa sai - các em buông xuôi, chấp nhận rằng "tôi là kẻ tệ hại" và chấm hết.

Khoa học máy tính hôm nay sẽ phát triển thế nào nếu ngay từ đầu người ta coi rằng: 1 + 1 = 10 là sự ngu dốt chưa từng thấy.

Khoa học vũ trụ sẽ phát triển thế nào nếu người ta cười cợt mỉa mai tư duy "Tổng 3 góc trong tam giác không hẳn là 180 độ".

Và chợt nhớ đến thông tin sáng qua mình được học "Sự sáng tạo trong cách nhìn tỷ lệ nghịch với độ tuổi của học sinh từ mẫu giáo đến THPT".

Coi xong trận Việt Nam và Indonesia tối qua, mình vẫn "lẩm cẩm tự hỏi", nếu tối qua Bùi Tiến Dũng không phạm sai lầm bắt hụt bóng, liệu Việt Nam có quyết tâm bùng nổ lội ngược dòng chiến thắng như đã xảy ra trong hiệp 2 của trận đấu hay không?

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh: Từ sai lầm sơ đẳng của thủ môn Bùi Tiến Dũng, giật mình với thói quen LUÔN PHẢI ĐÚNG trong giáo dục - Ảnh 2.

Mình thì tin rằng, đôi lúc những sai lầm ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một động lực mạnh mẽ để làm bùng nổ những điều tuyệt vời mà không ai có thể lường trước được.

Vấn đề còn lại chính là thái độ ứng xử của mọi người trước sai lầm ngớ ngẩn đó như thế nào?

Làm bùng nổ điều tuyệt vời hay dội nước lạnh dập tắt lụi tàn một năng lực tiềm tàng của học sinh mình, điều đó chắc hẳn sẽ phụ thuộc rất lớn vào những "người đồng hành cùng các em".

Rất mong sao, các em học sinh của mình vẫn được phép có những sai lầm ngớ ngẩn nhất chứ không phải là cỗ máy quá hoàn hảo.

Đơn giản có như thế các em mới thực sự là CON NGƯỜI.

Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh là cái tên quen thuộc trong các chương trình tư vấn về giáo dục và kỹ năng sống cho giới trẻ. Anh hiện là hiệu trưởng của một hệ thống trường quốc tế tại TP.HCM.

Trên trang cá nhân của mình, anh thường xuyên chia sẻ những bài viết quan điểm về cách dạy con, định hướng giáo dục cho các em học sinh, nhất là lứa tuổi teen.

Theo THS.PHẠM PHÚC THỊNH

Cùng chuyên mục
XEM