TGĐ Homag Việt Nam: Ngăn nắp, chu đáo là tiết kiệm thời gian

18/01/2017 10:37 AM | Kinh doanh

Còn khá trẻ và sống gần 30 năm tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông Hà Văn Toàn trở về nước với nhiệm vụ "định vị” một thương hiệu tuổi đời gần gấp đôi tuổi mình ở thị trường Việt Nam. Tại sao một người có quốc tịch Đức từ thuở thiếu thời như ông lại chấp nhận trở về nước lập nghiệp? Cuộc trò chuyện sau đây chắc hẳn hé lộ vài điều thú vị về "thắc mắc" ấy...

- Tôi quê ở Bình Định, sang Đức năm 7 tuổi. Sau khi học hết đại học, tôi làm việc cho một công ty chuyên về mũi khoan kim loại. Có một may mắn là tôi sống cùng hai người bác vốn là giáo viên khi còn ở Việt Nam, vì vậy được dạy tiếng Việt từ lúc nhỏ. Rất nhiều người khi nói chuyện với tôi không hề nghĩ tôi là Việt kiều vì tôi nói tiếng Việt rất sõi với chất giọng Sài Gòn.

Là người Việt sống ở Đức, tôi có hiểu biết nhất định về văn hóa cũng như môi trường sống giữa hai nước. Cách đây 6 năm tôi bắt đầu có ý định trở về nước vì nhận thấy kinh tế Việt Nam ngày càng khá lên với một thị trường vô cùng năng động. Trong thâm tâm tôi chỉ mong muốn được làm việc cho một công ty Đức ở Việt Nam, vì tôi nói được tiếng Đức lẫn tiếng Việt, lại hiểu cả hai đất nước.

Thời điểm đó, Homag chuẩn bị mở văn phòng tại Việt Nam, có nhu cầu tìm một người đáp ứng những tiêu chuẩn ấy. Tôi cũng cảm thấy hào hứng với cơ hội được "đặt một cột mốc" của Homag tại thị trường Việt Nam. Hai bên đã gặp nhau và tôi gắn bó với Homag từ đó đến nay.

* Ở vào cảnh "chân ướt chân ráo" như vậy, ông đã làm gì để định vị thương hiệu Homag tại Việt Nam?

- Máy móc, thiết bị chế biến gỗ ở Việt Nam đã có nhiều thương hiệu nước ngoài. Mình vào sau đương nhiên gặp phải nhiều thách thức. Thuận lợi cho tôi là Homag vốn là một thương hiệu lớn, uy tín lâu năm về máy móc, thiết bị cho ngành chế biến gỗ mà ai cũng biết. Nhắc đến gỗ là nhắc đến Homag như nhắc đến xe là nhớ đến Mercedes -Benz, Porsche vậy.

Nhưng khó ở chỗ dù rất muốn mua máy Homag nhưng các doanh nghiệp trong nước lại không biết mua ở đâu, khi trục trặc không biết sửa ở chỗ nào, muốn phàn nàn cũng không biết tìm ai. Nhưng từ khi biết ở Việt Nam đã có Homag với đội ngũ tư vấn trực tiếp, sửa chữa và cung cấp phụ tùng chính hãng thì doanh nghiệp yên tâm và tìm đến với Homag ngày càng nhiều.

Làm việc ở đâu cũng có những rào cản. Ban đầu khó nhất là tôi chưa quen với cách thức thảo luận và thương thuyết trong giao dịch tại Việt Nam. Tôi chọn cách đến gần và cởi mở với khách hàng để hiểu họ. Ngược lại, càng ngày khách hàng càng hiểu chúng tôi đang có cái gì để họ tin tưởng. Trong kinh doanh, khi doanh nghiệp và khách hàng tin tưởng nhau thì mọi thứ đều thuận lợi.

* Có những bài học nào từ Đức để ông áp dụng vào Việt Nam, và ngược lại?

- Người Đức làm gì là đâu ra đó. Tính kỷ luật trong công việc của họ rất cao, năng suất lao động luôn đảm bảo. Một ví dụ nhỏ là chuyện đúng giờ, rất ít khi họ đến trễ trong một cuộc hẹn. Họ cũng có sự chính xác trong công việc như là một phẩm chất nổi trội. Đức có rất nhiều thành tựu về khoa học, kỹ thuật tôi nghĩ cũng một phần do những đặc tính đó. Họ rất mạnh về chế tạo máy móc, dụng cụ cơ khí.

Thời gian đầu về Việt Nam, thú thực tôi hơi khó chịu vì thói quen không đúng giờ của nhiều người, nhưng dần dần... cũng quen. Tôi thích thành ngữ "Nhập gia tùy tục" của người Việt. Sống ở đâu thì phải theo đó. Một cá nhân không thể bắt tập thể phải theo mình. Nếu hiểu được đúng ý nghĩa của câu nói đó, thả vào đâu mình cũng hòa nhập được. Môi trường kinh doanh cũng vậy, làm ăn ở đâu thì phải theo thói quen và luật lệ chung ở đó. Ở Việt Nam thích nhất là sự thoải mái và đồ ăn ngon.

* Sau 6 năm có mặt tại Việt Nam, ông có hài lòng với những kết quả có được?

- Tôi nhớ khi có mặt tại Việt Nam vào tháng 5/2010, trong năm đầu tiên chúng tôi chỉ bán được vỏn vẹn ba máy. Hiện tại, trung bình mỗi năm chúng tôi bán được hơn 30 máy. Đó là một kết quả khả quan. Sự có mặt "chính danh" của Homag đã góp phần tạo sự an tâm cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian đó cũng giúp chúng tôi tìm được nhiều khách hàng hơn.

* Còn điều gì khác ngoài yếu tố thương hiệu để làm nên thế mạnh của Homag, thưa ông?

- Ngoài thương hiệu, giá trị mà chúng tôi tự hào là cung cấp giải pháp cho khách hàng. Homag không cung cấp chỉ một chiếc máy mà còn bán cả giải pháp sản xuất. Chúng tôi luôn hỏi khách hàng cần gì, gặp vấn đề gì cần giúp. Ví dụ doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công nhưng vẫn giữ được năng suất, chúng tôi tổ chức một bộ phận tư vấn để khảo sát và đưa ra giải pháp, cách thức sắp xếp nhân sự, đầu tư máy móc. Homag còn có ưu thế phần mềm kết nối thông minh giữa máy móc cho từng công đoạn làm ra sản phẩm.

* Yếu tố công nghệ đóng vai trò như thế nào trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm?

- Đòi hỏi của khách hàng với đồ gỗ ngày càng cao. Qua internet, họ có thể so sánh, đánh giá về mẫu mã, độ hoàn hảo và chất lượng giữa các sản phẩm, giữa sản phẩm của doanh nghiệp trong nước với nước ngoài. Điều này đặt doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là khi phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

Công nghệ sản xuất là chìa khóa giải quyết áp lực này và nó chiếm hơn 50% sự thành bại của một sản phẩm. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trang bị những thiết bị hiện đại.

Ngành chế biến gỗ trên thế giới từ lâu đã nhận ra sự quan trọng của thiết bị, máy móc để tăng năng suất, giảm chi phí nhân công, nhất là độ chính xác và thẩm mỹ. Tôi có tìm hiểu ở nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ châu Âu, khoản chi phí mà nhà sản xuất đổ vào công nghệ là rất cao, lại luôn được ưu tiên hàng đầu.

Nhiều năm làm việc với các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, tôi nhận thấy có nhiều nơi vẫn "cam chịu" với máy móc cũ nên chỉ đáp ứng được mức độ nhất định về chất lượng sản phẩm. Điều này khiến họ gặp nhiều bất lợi trước những doanh nghiệp được trang bị tốt về công nghệ luôn có ưu thế về mẫu mã, chi phí nhân công, thời gian giao hàng, giá và chất lượng sản phẩm. Nhất là những sản phẩm từ châu Âu.

* Theo ông, để cạnh tranh thắng lợi, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cần ưu tiên phát triển công nghệ hay thiết kế?

- Không có máy móc nào làm được hết các bản vẽ nhưng nó sẽ cho người chủ biết có thể làm được những gì. Tôi nghĩ công nghệ có vị trí quan trọng hơn. Bất kể anh vẽ đẹp đến mấy, thiết kế hoàn hảo ra sao mà không có công nghệ, máy móc đáp ứng được bản thiết kế đó thì cũng như không.

* Để đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường, ngành chế biến gỗ phải làm những gì?

- Trước đây chúng tôi nhận thấy thế mạnh của thị trường Việt Nam là chế biến đồ gỗ, sau đó nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất ván để kịp với sự phát triển của thị trường bất động sản, nhất là chung cư, căn hộ cao cấp. Homag tập trung phát triển mạnh về dịch vụ chứ không chỉ bán máy móc đơn thuần để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Khi quyết định đổi mới công nghệ, khách hàng phải biết mình muốn gì, khả năng đến đâu. Giai đoạn chuẩn bị là rất quan trọng với một doanh nghiệp. Người Đức có một câu thành ngữ, dịch sang tiếng Việt đại ý là "Sự ngăn nắp và chu đáo sẽ tiết kiệm được một nửa thời gian". Nghĩa là sự chuẩn bị nghiêm túc và kỷ luật trong công việc sẽ giúp mình không phải mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm giải pháp khắc phục sai sót có thể xảy ra. Chúng tôi làm việc với tinh thần đó.

* Nghe ông nói như vậy, có thể thấy chuyến trở về Việt Nam lần này của ông không hẳn là vì công việc...

- Tôi rất muốn trở về quê hương. Việt Nam có rất nhiều thứ níu kéo tôi. Ở đây tôi có tuổi thơ, bạn bè, gia đình. Ông bà mình có câu "Lá rụng về cội". Sự ra đi nào cũng là bước chuẩn bị cho cuộc trở về. Còn với tư cách doanh nhân, cũng phải tùy thuộc vào tính chất công việc, hoàn cảnh gia đình mà mình có sự cân nhắc về môi trường sống.

Người Đức rất kỷ luật, tôi học rất nhiều từ phẩm chất đó. Nhưng về Việt Nam tôi làm việc rất thoải mái, không phải lúc nào cũng nguyên tắc quá mức đến khô khan, không phải cái máy cứ bấm nút đến giờ làm, giờ về. Càng ngày công việc càng bận rộn, khách hàng nhiều hơn nên thời gian của tôi tùy thuộc vào các cuộc hẹn với họ. Có khi 9 - 10 giờ sáng tôi vẫn thoải mái uống cà phê với khách, cũng có lúc không nghỉ cả ngày chủ nhật...

Tôi thích tự mình tiếp xúc với khách hàng để hiểu họ và thị trường. Ở Việt Nam có những điều mà mình và khách hàng hiểu nhau hơn nhờ những lúc ngoài công việc, có thể là một lúc tán gẫu lại mang đến kết quả công việc rất tốt. Dần dần, tôi thích nghi được với thời gian uyển chuyển. Tôi nghĩ, sự linh hoạt cũng là một phẩm chất và triết lý trong kinh doanh. Như đã nói, ngoài sản phẩm, chúng tôi đặt mạnh dịch vụ đi kèm, vì vậy phải phục vụ khách hàng bằng chính sự linh hoạt đó.

* Nhiều doanh nhân Việt kiều khi trở về quê hương làm ăn thường đóng góp điều gì đó cho xã hội. Ông có sự ưu tiên nào với doanh nghiệp gỗ trong nước?

- Chúng tôi là nhà cung cấp máy móc, dịch vụ. Doanh nghiệp dùng công cụ đó để làm ra sản phẩm phục vụ xã hội. Mỗi người có một trách nhiệm, kết hợp lại thành lợi ích cho cộng đồng. Vì vậy với chúng tôi, mọi khách hàng là như nhau, không phân biệt sự hơn kém nào. Sòng phẳng kiểu tây quá mức cũng không hay nhưng xuề xòa ưu ái riêng cũng không được. Mọi thứ bình đẳng, ở cùng một mức xuất phát bao giờ cũng tốt hơn.

* Cám ơn về những chia sẻ của ông!

Theo Lạc Lâm

Cùng chuyên mục
XEM