TGĐ BHD Ngô Thị Bích Hạnh: Với phim Việt, kịch bản vẫn là yếu tố đau đầu nhất
"Kịch bản hay vào tay đạo diễn sản xuất không tốt lắm vẫn có thể có một bộ phim xem được. Nếu kịch bản dở mà đạo diễn, diễn viên giỏi thì vẫn không ổn."
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, TGĐ công ty THHH BHD, đơn vị sản xuất một loạt các bộ phim gây được tiếng vang như “Tấm Cám chuyện chưa kể”, “Hotboy nổi loạn”, “Cánh đồng bất tận”,… đã chia sẻ nhiều quan điểm thú vị liên quan đến vấn đề làm phim tại Việt Nam trong chương trình livestream Cafe8 độc quyền trên fanpage CafeBiz.
- Theo chị, những yếu tố nào làm nên thành công cho một bộ phim?
Nếu các nhà sản xuất biết yếu tố thành công của một bộ phim và chắc chắn về việc ấy thì phim nào cũng thành công rồi. Ở đây cần chú ý là thị hiếu khán giả thay đổi thường xuyên. Với khán giả, có thời điểm họ thích xem phim hài thì dòng phim hài phát triển mạnh. Tuy nhiên khi xem nhiều quá thì họ ngấy. Lúc ấy dù một bộ phim hài hay đến mấy cũng không thành công nữa.
Thực ra các nhà sản xuất phải tin những gì mình đang làm là cái thị trường muốn, thị trường cần. Nhưng quan trọng nhất là khán giả. Bài toán khán giả là ẩn số mà nhà sản xuất phim dù có kinh nghiệm đến đâu cũng không tính hết được.
- Vậy là thành công phụ thuộc phần lớn vào khán giả?
Tôi nghĩ nhiều hơn khán giả một chút. Khán giả vẫn quan trọng nhất, nhưng còn phải kể đến vị trí của những người sản xuất, làm marketing, phát hành. Khán giả sẽ là người quyết định nhưng nên phát hành bộ phim ở thời điểm nào, lúc nào, tiếp cận dưới góc độ nào thì cần phải tính đến. Nhiều khi phải có một chút may mắn nữa thì bô phim mới thành công.
- Từ góc độ một người trong nghề, chị thấy phim Việt đang gặp khó ở đâu: kịch bản, đạo cụ hay vốn đầu tư?
Thực ra khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng tôi nghĩ kịch bản vẫn là yếu tố đau đầu nhất. Tôi không nhớ ở đâu đó người ta nói rằng kịch bản hay vào tay đạo diễn sản xuất không tốt lắm vẫn có thể có một bộ phim xem được. Nếu kịch bản dở mà đạo diễn, diễn viên giỏi thì vẫn không ổn. Chúng ta thấy nhiều đạo diễn nổi tiếng vẫn không tạo ra một bộ phim thành công vì kịch bản không hay.
Ngoài ra ở Việt Nam hiện nay, chưa có trường chuyên đào tạo viết kịch bản, kể cả phim điện ảnh lần phim truyền hình. Chúng ta có nhiều nhà văn giỏi nhưng không phải viết văn giỏi là viết kịch bản giỏi. Ví dụ tiểu thuyết, truyện ngắn chỉ cần cảm xúc tốt, câu chuyện hay nhưng một kịch bản phim muốn hay phải có chương hồi, các sự kiện liên kết với nhau nên cần khoa học hơn, logic hơn chứ không chỉ dừng lại ở câu chuyện nữa.
- BHD đã giải quyết bài toán kịch bản thế nào?
Giống nhiều công ty sản xuất khác, BHD thực hiện theo 2 phương án: vừa phát triển kịch bản trong nước vừa mua kịch bản nước ngoài. Phim điện ảnh mua kịch bản nước ngoài ít hơn so với phim truyền hình vì thời gian ngắn, khoảng 90-100 phút nên tự viết cũng dễ hơn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ hoàn toàn sản xuất phim từ kịch bản nước ngoài thì không bao giờ có những bộ phim mang màu sắc quốc gia, nên phải đi bằng cả 2 chân: Lấy những cái tinh hoa nhất của thế giới và tự học hỏi để xây dựng nền công nghiệp viết kịch bản tốt hơn cho người Việt.
- Khi sản xuất một bộ phim, thường chi phí đầu tư quá lớn thì khả năng sinh lãi sẽ khó. Ở BHD đã có phim nào đầu tư lớn nhưng doanh thu không tốt chưa?
Có chứ, rất nhiều phim đầu tư lớn mà doanh thu không tốt. “Lửa Phật” là một bộ phim như vậy. Sản phẩm bán tốt cho thị trường nước ngoài như Mỹ, Đức và hơn 20 quốc gia khác, nhưng trong nước mọi người lại không thích, không đón nhận lắm. Có lẽ vì đây là thể loại giả tưởng.
Tuy nhiên không vì thất bại của “Lửa Phật” mà BHD dừng sản xuất loại hình này. Về sau BHD có hợp tác với Ngô Thanh Vân sản xuất phim “Ngày nảy ngày nay”, đem về doanh thu hơn 40 tỷ trong dịp Tết. Phim “Tấm Cám chuyện chưa kể” cũng có thành công lớn về doanh thu và hiệu ứng xã hội.
Đối với việc đầu tư phim lớn, thất bại là chuyện bình thường. Mỗi nhà sản xuất phải dám chấp nhận rủi ro, tin những việc mình làm là đúng. Lần này không thắng có thể do mình mình chưa làm đúng, chưa ra mắt đúng thời điểm nên mình phải tiếp tục, phải làm nữa.
- Nhiều phim Việt hiện nay có chất lượng chưa tốt, khiến nhiều khản giả mặc định cứ phim Việt là phim nhảm. Theo chị, làm sao để giải quyết vấn đề này?
Tôi nghĩ vấn đề này không dễ thay đổi. Tuy nhiên bản thân thị trường sản xuất phim điện ảnh rất lớn, nhiều người cùng làm thì thị trường sẽ dần dần tự đào thải. Những bộ phim không có doanh thu tốt ở rạp, không được khán giả đón nhận sẽ bị dừng sản xuất.
Ở một đất nước điện ảnh đang phát triển thì mình phải đi qua đầy đủ các bước. Nếu mọi người cùng nhau làm tốt thì các bước có thể rút ngắn lại.
- Trong năm 2016 và nửa đầu 2017, BHD sản xuất bao nhiêu bộ phim rồi?
Năm ngoái là năm phim điện ảnh "chết" đồng loạt. Rất nhiều nhà sản xuất lo lắng, sợ hãi vì một loạt phim lớn đều không thành công. Vậy nên, BHD cũng dừng lại để suy nghĩ xem thị trường cần gì, tại sao công thức thành công ngày trước giờ không còn đúng nữa?
Đầu năm nay, BHD phát hành một số phim ra rạp như “Ngôi nhà nằm nghe nắng mưa” hay “Đảo của dân ngụ cư”. Cuối tháng 7 này cũng phát hành phim mới là “Đời cho ta bao lần đôi mươi”.
Trong năm nay, BHD dự định phát hành nhiều phim hơn. Bên cạnh đó cũng sẽ mang phim Việt ra nước ngoài, không chỉ phim mình tự sản xuất mà còn phim của các đối tác khác. Dĩ nhiên việc phát hành phim Việt Nam ra nước ngoài là hoạt động rất đắt, doanh thu chưa chắc đủ bù vào chi phí nhưng đấy là hoạt động cần thiết để đưa những câu chuyện Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
- Định hướng phát triển của BHD trong vòng 5 năm tới là gì?
Trọng tâm của BHD vẫn là sản xuất những nội dung hấp dẫn cho khán giả. Nội dung ấy có thể phát hành ở nhiều nền tảng khác nhau, từ truyền hình, rạp chiếu phim cho đến các kênh online.
BHD muốn làm những thứ mình thích nhưng phải truyền tải được câu chuyện của người Việt đến cho khan giả Việt Nam cũng như khán giả trên toàn thế giới. Đó là mục tiêu công ty thành lập, 5-10 năm nữa cũng vẫn thế.
- Xin cảm ơn chị. Chúc chị và BHD tiếp tục thành công trong thời gian sắp tới.