Tết xa quê của những công nhân ngoại tỉnh ở Hà Nội: "Con tôi nhớ ông bà lắm, nhưng chỉ khi nào hết dịch, khi đó mới là Tết"
“Làm cả năm rồi Tết ai ai cũng muốn về với quê hương, gia đình sum vầy bên nhau. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cả gia đình phải ở lại, quyết định không về quê nữa”, anh Kỳ, công nhân làm việc tại khu CN Bắc Thăng Long chia sẻ.
29 Tết, hầu hết mọi người giờ cũng đã về đến bên gia đình, tất bật chuẩn bị cho cái Tết đoàn viên. Tuy nhiên, vì cái lo mang tên COVID-19, nhiều người đành phải lựa chọn ở lại, ăn Tết Hà Nội. Với những người công nhân nghèo, cái nỗi buồn xa quê hương cứ như nhân lên gấp bội phần.
"Bao giờ hết dịch thì là Tết"
Mặc dù rất nhớ quê hương sau 1 năm xa cách, thế nhưng vợ chồng anh Trình Cao Kỳ (quê Nghệ An) cùng nhiều công nhân khác vẫn quyết định ở lại Hà Nội đón Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Xóm trọ của những công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long những ngày cuối năm.
Sau nhiều ngày suy nghĩ đắn đo, trăn trở cả gia đình anh Kỳ quyết định việc không trở về quê nhà ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đón Tết như mọi năm mà ở lại xóm trọ ăn Tết. Khi nhìn thấy mọi người ai nấy rục rịch chuẩn bị đồ đạc về quê lòng anh Kỳ cùng vợ con có chút bùi ngùi.
“Làm cả năm rồi Tết ai ai cũng muốn về với quê hương, gia đình xum vầy bên nhau. Vợ chồng tôi trông chờ cả năm để về. Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cả hai phải ở lại, quyết định không về quê nữa”, anh Kỳ chia sẻ.
Vợ chồng anh Kỳ cùng hai con nhỏ quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết vì dịch Covid-19.
Hỏi vợ chồng anh Kỳ sao không về quê đón Tết, anh Kỳ cho biết nơi làm việc của hai vợ chồng ở huyện Đông Anh nên về quê anh sợ làng xóm ở quê “dị nghị”. Hơn nữa, quãng đường đi xe khách gần 400km vợ chồng anh lo cho hai con nhỏ.
“Gần Tết rồi mà dịch căng thẳng quá nên năm nay gia đình tôi quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết. Mặc dù rất nhớ gia đình, nhưng vì sự an toàn của cộng đồng. Gia đình tôi về cũng sợ hàng xóm ở quê lo ngại vì ở khu vực có dịch. Tôi nghĩ ai ở đâu thì hãy ở yên ở đấy chứ về quê tầm này vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy lo nên năm nay đành thất hứa với hai bên nội ngoại”, anh Kỳ cho biết.
"Gia đình tôi về cũng sợ hàng xóm ở quê lo ngại vì ở khu vực có dịch. Tôi nghĩ ai ở đâu thì hãy ở yên ở đấy chứ về quê tầm này vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy lo nên năm nay đành thất hứa với hai bên nội ngoại”, anh Kỳ chia sẻ.
Nói về cái vất vả của nghề công nhân, anh Kỳ cho biết, hiện tại anh và vợ làm khác ca nhau. Bởi thế, nhiều khi cứ anh về thì vợ đã đi làm và ngược lại, vào tháng nào bận rộn 2 vợ chồng thậm chí không gặp nhau ngày nào.
“Ở khu trọ nhiều lúc vợ chồng đi làm không có thời gian đón con phải nhờ mọi người trông giúp. Có lúc tôi bị phân công làm ca ngày còn vợ làm ca đêm, cuối tuần tăng ca nên cả tháng chẳng gặp nhau. Có lúc nhớ nhau nhưng vì cuộc sống, con cái nên cả hai động viên nhau cùng cố gắng”, anh Kỳ nói tự động viên mình rồi nhìn vợ cười.
Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người thân và cộng đồng nên đôi vợ chồng trẻ quyết định không về quê ăn Tết.
Tiếp lời chồng, chị Phan Thị Ngọc (27 tuổi) chia sẻ, hai bên nội ngoại luôn trông chờ ngày Tết để được đón con cháu về quê. Tuy nhiên tới "phút thứ 89", vì dịch bệnh bất ngờ có những diễn biến khó lường nên vợ chồng chị đành ở lại. Chỉ biết động viên, chúc Tết người thân qua chiếc điện thoại. Năm nay, khu nhà trọ chỉ còn nhà chị cùng một nam thanh niên ở Đại Từ, Thái Nguyên ở lại.
“Xa quê nên ngày Tết hai vợ chồng cũng sắm cành đào để cho có không khí. Vợ chồng cũng đèo các con đi mua cân giò, bánh chưng… Hai con tôi cũng nhớ ông bà nội ngoại lắm nhưng không còn cách nào. Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì lúc đó mới là Tết thật sự”, chị Ngọc tâm sự.
Chị Ngọc cho biết, mấy ngày Tết, gia đình cũng chỉ quanh quẩn tại nhà trọ, không đi đâu xa, không tụ tập đông người…
“Vợ chồng tôi tính Tết năm nay chắc chỉ có cùng các con ăn, ngủ, nghỉ tại phòng chứ dịch bệnh vẫn có nguy cơ bất cứ lúc nào cũng không yên tâm khi ra ngoài. Đây cũng là lúc hai vợ chồng có thời gian chăm lo, quan tâm các con hơn”, chị Ngọc nói.
Không về quê, anh Kỳ chỉ mua một ành đào về để ở xóm trọ cho có không khí ngày Tết.
Làm công nhân công việc bận rộn với mức lương không cao nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn, không có công ăn việc làm nên vợ chồng anh Kỳ cùng hàng vạn lao động khác vẫn đổ về Khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm.
“Đợt dịch trước đó có tuần chồng tôi chỉ làm có 2,3 ngày rồi lại nghỉ. Tháng nhận 70% trợ cấp thất nghiệp. Chi phí gửi hai con cũng mất hơn 3 triệu/tháng, tiền nhà trọ có tháng hơn 2 triệu đồng. Có lúc anh nhà chạy thêm Grab để kiếm thêm thu nhập lo cho hai con.
3 năm gần nhất thì có tới 2 năm vợ chồng anh Kỳ ăn Tết xa quê.
Làm công nhân cuộc sống đôi lúc cũng khó khăn nên vợ chồng cứ phải động viên nhau cố gắng rồi mong dịch bệnh đẩy lùi để vợ chồng có thêm công việc, tăng ca”, chị Ngọc cho biết thêm.
"Hẹn ngày đoàn viên vào dịp khác"
Cạnh phòng trọ vợ chồng anh Kỳ, anh Tuân (23 tuổi, ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) cũng quyết định ở lại phòng trọ đón Tết một mình. Cái Tết đầu tiên Tuân xa quê nên anh không sắm sửa gì và cũng chưa có dự định sẽ làm gì mấy ngày Tết.
“Tôi sinh sống ở Đông Anh nên khi ở đó có ca bệnh thì tôi quyết định năm nay ở lại đây đón Tết một mình. Mặc dù rất nhớ con nhưng khi nói về việc sợ mọi người ở quê lo lắng khi mình trở về nên bố mẹ tôi cùng đành chấp thuận.
Mọi năm ở nhà bố mẹ lo sắm sửa từng đồ đạc, vật dụng ngày Tết. Tôi cũng chẳng phải đụng tay làm việc gì. Năm nay ở đây đón Tết một mình có chút bùi ngùi nhưng tôi nghĩ việc ở lại cũng là cách tốt để phòng tránh dịch bệnh.
Nhiều người anh chị, bạn bè làm cùng tôi họ cũng quyết định ở lại đón Tết xa quê”, Tuân cho hay.
Cũng như vợ chồng anh Kỳ, anh Tuân năm nay đón Tết một mình ở Hà Nội vì dịch Covid-19.
Theo Tuân, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng hướng về nguồn cội, hướng về đoàn viên. Đối với những người tha hương, Tết càng khiến ai ai cũng khao khát được sum họp với gia đình.
"Năm nay những công nhân lao động ở nước ngoài hay những người đang làm việc ở trong nước như mình việc về quê đón Tết thật sự không dễ dàng gì. Năm nay có thể không về quê ăn Tết, nhưng mình cũng tự động viên bản thân giữ gìn sức khỏe, hẹn ngày đoàn viên vào dịp khác.
"Chỉ khi nào mọi thứ thật bình ổn, dịch bệnh được kiểm soát thì lúc đó mới là Tết thật sự", anh Tuân chia sẻ.
Xa quê hương những ngày này thật sự rất buồn, nhưng mọi người hãy tạm thời quên Tết đi. Chỉ khi nào mọi thứ thật bình ổn, dịch bệnh được kiểm soát thì lúc đó mới là Tết thật sự. Dù có thể xuân này con không về, dù có thể Tết này không đoàn viên với người thân ở quê, nhưng Tết vui hay buồn là do lòng người cảm nhận”, Tuân chia sẻ thêm.