Tết này quyết tiêu không dưới 30 triệu

10/01/2025 08:48 AM | Sống

Cả năm có 1 cái Tết, ngại gì mà không chi tiền, miễn sao bản thân thấy hợp lý là được!

Càng gần Tết, câu chuyện "Tết này định tiêu bao nhiêu?" càng trở thành chủ đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm lẫn tranh cãi của cộng đồng mạng. Dễ hiểu thôi, Tết mà, cả năm mới có 1 lần, rất nhiều thứ phải chi phải lo, nên cũng chẳng thể thờ ơ với việc lên kế hoạch.

Quyết chi không dưới 30 triệu, nhiều khoản "cứ phiên phiến đi thôi"

Không khó để bắt gặp những bài tâm sự, chia sẻ về số tiền tiêu Tết lên tới mấy chục triệu đồng, dù gia đình không quá đông thành viên. Nhiều người đồng ý rằng việc lên kế hoạch tiêu Tết là cần thiết, nhưng cũng không nên quá chi li, có những khoản "cứ phiên phiến thôi".

Tết này quyết tiêu không dưới 30 triệu- Ảnh 1.

Gia đình 3 người, tiêu Tết hết gần 39 triệu, nhiều khoản “có qua có lại”

Tết này quyết tiêu không dưới 30 triệu- Ảnh 2.

Một gia đình khác cũng dự định tiêu Tết hơn 30 triệu, chung quan điểm không nên quá chi li

"Mấy năm gần đây, vợ chồng mình đều chi khoảng 40 triệu cho dịp Tết, trong đó đã bao gồm tất cả các khoản cần thiết như tiền biếu ông bà 2 bên, mua sắm quần áo, thực phẩm, cũng như tiền lì xì.

Con số cụ thể thì mỗi năm một khác, nhưng nhìn chung có vài khoản cố định dưới đây:

- Biếu ông bà nội, ngoại: 10 triệu (mỗi bên 5 triệu)

- Thực phẩm mua cho 2 bên nội, ngoại: 6 triệu

- Quần áo Tết cho bố mẹ và con: 3 triệu

- Lì xì: 11 triệu. Với bố mẹ, và các cháu trong nhà, vợ chồng mình đều lì xì 1 triệu/ người. Con mình cũng sẽ được lì xì lại nên khoản này, mình không tính chi li.

- Mua sắm trong nhà mình: 5 triệu

- Du xuân đi lại: 3 triệu" - Một cô vợ khác chia sẻ.

Tựu trung lại, khá nhiều "tay hòm chìa khóa" đều đồng tình: Cả năm đi làm kiếm tiền, Tết chi tiêu phung phí quá thì cũng không nên, nhưng cũng không thể quá tiết kiệm hay cắt giảm tiền tiêu Tết. Một phần vì tiết kiệm là việc nên làm hàng tháng, chứ không phải đến Tết mới nghĩ đến việc cắt giảm tiền tiêu để tiết kiệm, một phần vì đây là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ, chi tiền sắm Tết cho tươm tất là hợp lý.

Chủ động làm 3 việc để không bị động tài chính khi đón Tết

Tết năm nào cũng có, vậy nhưng với không ít người, cứ đến Tết là thấy… hết tiền, là lo lắng, sợ không đủ tiền tiêu Tết. Đành rằng vật giá mỗi năm một khác, chúng ta không thể dự trù chính xác 100% tổng chi phí đón Tết, nhưng ít nhất, có dự trù vẫn hơn.

Trạng thái đón Tết trong bị động, trong thấp thỏm âu lo cũng sẽ được giải quyết phần nào nhờ 3 việc dưới đây.

1. Tiết kiệm tiền tiêu Tết càng sớm càng tốt

Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, số tiền cần tiết kiệm để tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể.

Tết này quyết tiêu không dưới 30 triệu- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

- Tiền đi lại (cả 2 chiều)

- Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,...)

- Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,...)

- Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,...)

Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm. ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục "Tiền chăm sóc bản thân" chẳng hạn.

Khi đã chốt được mức ngân sách cuối cùng, bạn đem chia cho 12, là sẽ biết số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng để đón Tết chủ động, đỡ áp lực tài chính.

2. Canh săn vé tàu, vé máy bay thường xuyên

Với những người xa quê, việc đặt mua vé máy bay hoặc vé tàu để về quê ăn Tết từ sớm không chỉ hạn chế tình trạng hết vé, dẫn tới nhỡ dở việc cá nhân; mà còn phần nào giúp bạn tiết kiệm được tiền. Vì càng gần ngày lễ, ngày Tết, giá vé máy bay và vé tàu sẽ càng cao.

Tùy vào dự định, lịch trình cá nhân mà bạn có thể cân nhắn mua vé từ trước, không nên để tình trạng tới sát ngày khởi hành mới lật đật tìm và đặt mua.

3 - Không tiêu hết thưởng Tết

Nếu đã có sự chuẩn bị, tiết kiệm tiền tiêu Tết từ trước, khoản tiền thưởng Tết có lẽ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cả cái Tết của bạn. 

Tết này quyết tiêu không dưới 30 triệu- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Lúc này, đừng vung tay tiêu sạch tiền thưởng Tết. Thay vào đó, hãy tiết kiệm chính số tiền thưởng Tết ấy, để dành làm ngân sách tiêu Tết cho Tết sang năm, hoặc không, cũng coi như là một khoản tiền phòng thân.

Nghĩ một cách tích cực, thưởng Tết chính là phần thưởng cho cả 1 năm chúng ta đã nỗ lực làm việc, vậy mà lại tiêu hết sạch trong vòng vài ngày, vài tuần, chẳng phải là cũng có phần lãng phí hay sao?

Chưa kể, nghỉ Tết xong vẫn còn hơn 20 ngày mới tới ngày nhận lương. Chính vì vậy đừng quên để dành ra 1 khoản để trang trải cuộc sống sau Tết.

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM