Test dị ứng trước khi tiêm vắc xin Covid-19: Các chuyên gia nói gì?

28/08/2021 13:35 PM | Xã hội

Theo các bác sĩ, việc test dị ứng trước khi tiêm vắc xin không có tác dụng gì, thậm chí nếu bạn có nguy cơ dị ứng thì khi test vẫn có nguy cơ phản ứng.

Nguy cơ dị ứng ngay lúc test

theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về tiêm vắc xin Covid-19, việc tiêm vắc xin chống chỉ định cho những người từng có phản ứng lần 1 khi tiêm vắc xin Covid-19 và người dị ứng với các thành phần vắc xin.

Các đối tượng bị dị ứng, sốc phản vệ với các thành phần dị nguyên khác hoàn toàn tiêm được vắc xin. Trước tình trạng đó, có nhiều người đã đi test khả năng mình có bị dị ứng với vắc xin hay không.

Về vấn đề này, theo GS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, vắc xin giống như thuốc, thực phẩm, vẫn có nguy cơ gặp phản ứng, nhưng tỷ lệ này vô cùng ít.

Với những người có tiền sử dị ứng bình thường hoàn toàn tiêm được ở cộng đồng. Những người từng sốc phản vệ độ 2 trở lên tiêm trong cơ sở y tế có thể hỗ trợ cấp cứu.

Các phản ứng xảy ra sau tiêm thường xuất hiện ở 30 phút đầu nên người tiêm chỉ cần theo dõi ở cơ sở tiêm 30 phút. Còn những người dị ứng mà không rõ tác nhân cũng không cần phải test dị ứng trước, GS Kính nói.

 Test dị ứng trước khi tiêm vắc xin Covid-19: Các chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Quận Tân Bình, TP HCM.

Theo TS Nguyễn Huy Luân – Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, người có cơ địa dị ứng không chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19.

Không phải bất cứ ai dị ứng với thuốc sẽ dị ứng với các thành phần trong thuốc đó. BS Luân ví dụ có bệnh nhân của ông dị ứng với thuốc Paracetamol, nhưng uống viên sủi, viên nén thì không sao, chỉ uống viên con nhộng là dị ứng. BS lý giải không phải bệnh nhân dị ứng với Paracetamol mà phản ứng với vỏ con nhộng.

Cũng giống với khi bạn bị dị ứng với mỹ phẩm, có thể bạn chỉ dị ứng với 1 thành phần trong đó, không phải hoàn toàn là dị ứng với mỹ phẩm. Với vắc xin cũng có nhiều thành phần, nên việc test trước khi tiêm không cần thiết.

Trong thành phần của vắc xin Covid-19 có các chất kháng nguyên là các protein của virus và người tiêm hầu như không bị dị ứng với thành phần này. Các thành phần có thể gây dị ứng đó là các chất Polyrthylene Glycol có trong vắc xin của Pfizer, Modera. Thành phần này cũng có trong các thuốc nhuận tràng, kem đánh răng, kem bôi da.

Theo TS Luân, người dị ứng khi đi tiêm vắc xin nên khai báo tiền sử của mình. Các bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng sẽ cần hỏi cụ thể thêm nhiều thông tin như:

1. Mức độ dị ứng như thế nào?

2. Loại dị nguyên mà bạn gặp phải?

3. Những lần dị ứng trước đây, bạn đã được điều trị như thế nào?

4. Cơ địa dị ứng có liên quan đến yếu tố gia đình hay không?

5. Tình trạng dị ứng có liên quan trực tiếp đến vắc xin Covid-19 lần này tiêm hay không?

Thành phần Polysorbate 80 trong vắc xin Astrazeneca và Janssen có trong các vitamin dạng dầu, thuốc chống ung thư, mỹ phẩm.

Ngoài ra, theo bác sĩ Luân, người bị dị ứng khi test có thể xảy ra phản ứng như tiêm vắc xin. Thay vì bỏ tiền đi test, bác sĩ Luân khuyến cáo người dân nên tranh thủ tiêm vắc xin nếu đến lượt tiêm.

Không có giá trị

Theo bác sĩ Trần Nam Trung – công tác tại Hoa Kỳ,  theo y văn, khoảng 6-10% trẻ em và khoảng 5% người trưởng thành dị ứng với một loại thực phẩm nào đó (sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản, đậu tương…). Nếu cộng thêm dị ứng với thuốc (kháng sinh…), latex, nọc côn trùng, thời tiết (phấn hoa)…thì tỉ lệ người có cơ địa dị ứng còn cao hơn nữa.

Có cơ địa, tiền sử dị ứng với thực phẩm, thời tiết, latex, kháng sinh… không phải là lý do để không tiêm vắc xin Covid-19.

BS Trung đưa ra 3 lý do để không test dị ứng trước khi tiêm vắc xin:

Thứ nhất là không có bằng chứng cho thấy người có cơ địa dị ứng tăng nguy cơ dị ứng với vắc xin Covid-19. Điều này dễ hiểu khi ta thấy số lượng người có cơ địa di ứng là rất lớn và tỷ lệ dị ứng với vắc xin Covid-19 rất nhỏ - 20/1 triệu mũi tiêm trở xuống.

Thứ hai là không rõ giá trị chẩn đoán của các test này: test dị ứng dương tính hay âm tính không dự đoán được nguy cơ sẽ bị dị ứng hay không dị ứng với vắc xin.

Thứ ba là không rõ mức độ an toàn của các test dị ứng kiểu này: quá ít số liệu để đánh giá mức an toàn của các test lẩy da dùng vắc xin Covid-19 hoặc thành phần vắc xin để thử.

Chính vì vậy, tất cả các hiệp hội chính thống có uy tín về miễn dịch dị ứng lâm sàng trên thế giới đều không khuyến cáo test dị ứng với chính vắc xin Covid-19 hay với thành phần của vắc xin.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM