Tesla đang bị Trung Quốc điều tra, phải vội vàng tuyển 'nhân viên quan hệ chính phủ'
Tesla đang vội vàng tuyển nhân viên quan hệ với chính phủ tại trung Quốc dù trước đó Elon Musk thẳng tay xóa bỏ phòng PR.
Tờ Reuters đưa nguồn tin riêng cho biết Tesla đang đối mặt với một cuộc điều tra của chính phủ Trung Quốc về vấn đề an toàn và những phàn nàn về dịch vụ khách hàng. Phía Tesla hiện đang tăng cường gắn kết với các quan chức ở Trung Quốc và thiết lập đội ngũ nhân viên phụ trách quan hệ với chính phủ.
Thay đổi trong chiến lược của Tesla cho thấy công ty này đang bắt đầu tương tác nhiều hơn sau hậu trường với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, khác hẳn với thái độ của họ với các nhà chức trách Mỹ.
Động thái này cũng xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực chỉnh đốn lại những công ty tư nhân lớn và quyền lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ do lo ngại việc thống trị thị trường của các doanh nghiệp này.
Tesla hiện chưa phản hồi về vấn đề này.
Giống như ở các nơi khác, cơ quan quản lý ở Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới thường thảo luận về các chính sách và tiêu chuẩn ngành với các công ty toàn cầu và địa phương, hiệp hội ngành.
Các nhà sản xuất thường tham gia cuộc họp tại Trung Quốc nhưng không giống các đối thủ cạnh tranh như Toyota, GM, các quan chức Tesla phần lớn vắng mặt ở những cuộc họp này.
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Tesla thường trò chuyện tại những cuộc hội thảo trong ngành. Bên ngoài Trung Quốc, CEO của Tesla là Elon Musk thường xuyên dùng Twitter để bình luận hoặc chỉ trích những quy định.
Tuy nhiên trong vài tuần qua, Tesla đã tham dự ít nhất 4 cuộc thảo luận về chính sách gồm lưu trữ dữ liệu ô tô, công nghệ V2X, tái chế xe hơi và khí thải carbon.
Nguồn tin cho biết Tesla không đưa ra cam kết chính nào tại các cuộc họp nhưng đã tham gia vào một vài cuộc thảo luận.
Tesla cũng đang mở rộng đội ngũ nhân viên quan hệ với chính phủ tại Trung Quốc. Theo 2 quảng cáo tuyển dụng vào tháng 4 trên tài khoản WeChat của Tesla, họ đang tuyển các quản lý để cập nhập dữ liệu chính sách, duy trì mối quan hệ với chính phủ và hiệp hội ngành công nghiệp để "xây dựng môi trường bên ngoài hài hòa nhằm hỗ trợ phát triển hoạt động kinh doanh của Tesla trong thị trường khu vực".
Hiện không rõ Tesla cần tuyển số lượng bao nhiêu người.
Chiếm 30% tổng doanh thu toàn cầu của Tesla, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của công ty, chỉ sau Mỹ. Đây cũng là thị trường giúp họ công bố lượng giao hàng cao kỷ lục vào quý đầu tiên.
Áp lực lên mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa Tesla và Bắc Kinh bắt đầu dâng cao từ một vài tháng trước.
Tháng 1, các nhà làm luật Trung Quốc đã lên tiếng về những báo cáo của người tiêu dùng về việc cháy pin, và những lỗi cập nhập phần mềm ở xe Tesla.
Đến tháng 3, Tesla chịu sự soi xét kỹ lưỡng khi quân đội Trung Quốc cấm sử dụng xe của họ do lo ngại an toàn. Vài ngày sau, Musk xuất hiện trong một video nói rằng nếu Tesla sử dụng xe ô tô để làm điệp viên tại Trung Quốc hay bất kỳ đâu, Tesla nên bị đóng cửa.
Tháng trước, Tesla đã trở thành mục tiêu của truyền thông nhà nước và các nhà chức trách Trung Quốc sau khi 1 khách hàng đã tức giận phàn nàn về việc phanh không hoạt động. Cụ thể, 1 người phụ nữ đã trèo lên một chiếc xe Tesla trong triển lãm ô tô ở Thượng Hải để nói về vấn đề này.
Grace Tao - Phó chủ tịch Tesla hiện đang đứng đầu đội quan hệ với chỉnh phủ tại Trung Quốc đã bị chỉ trích trên truyền thông vào tháng trước sau khi nói trong một bài phỏng vấn rằng liệu người khách hàng giận giữ kể trên có hành động 1 mình hay không.
Phản hồi lại những phàn nàn khác, Tesla nói họ sẽ thiết lập một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để cải thiện dịch vụ và làm việc cùng nhà chức trách.
Nguồn: Reuters