Tesla đã 'mua dây buộc mình' như thế nào khi tự động hóa hết cỡ các nhà máy sản xuất?
Robot không linh hoạt như con người, chúng không giỏi thích ứng với những biến đổi của sản phẩm và cũng không thể nắm bắt được nhiều vận động phức tạp như con người.
Các nhà đầu tư cùng những người ủng hộ Tesla đang rất lo lắng khi biết về sự sụt giảm trong tiến trình sản xuất Model 3, mẫu xe chủ lực đem lại lợi nhuận và dòng tiền mặt trong tương lai, khi công ty này đưa ra kết quả quý 1 vào ngày 2/5 vừa qua.
Các nhà phân tích ở Bernstein và UBS gần đây đã đưa ra các báo cáo tập trung vào vấn đề "tự động hóa thái quá" của dây chuyền sản xuất Model 3, với sản lượng khoảng 2000 xe mỗi tuần – cách quá xa mục tiêu 5000 xe mỗi tuần của công ty.
CEO Elon Musk, trong nhiều năm là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất ý tưởng về một tương lai không có bóng dáng con người trong quy trình sản xuất và cả nhà máy trông như một con tàu vũ trụ ngoài trái đất, giờ đây thấy rằng mức độ tự động hóa tối ưu là sự kết hợp cân bằng giữa thiết kế, sản xuất, chất lượng, cùng kỹ năng của con người và máy móc.
Gần đây ông còn chỉ rõ một quy trình sản xuất tự động hóa thái quá chính là nguyên nhân khiến Tesla không đạt được sản lượng mục tiêu. "Con người bị coi nhẹ", và "Chúng tôi có một mạng lưới băng chuyền phức tạp và điên rồ… nhưng không có hiệu quả, và vì thế chúng tôi phải loại bỏ toàn bộ mạng lưới đó."
Trong phân tích của Bernstein, Toni Sacconaghi và Max Warburton giải thích tại sao rất khó tăng sản lượng trên một dây chuyền tự động hóa cao độ. "Tự động hóa không thể giải quyết được sự phức tạp, thiếu nhất quán và biến đổi liên tục, và ‘những sự cố ngoài ý muốn’ mà con người dễ dàng xử lý, nó thậm chí còn tạo ra những vấn đề về chất lượng sau này nữa," họ nói.
Các nhà phân tích của Bernstein cho rằng những vấn đề mà Tesla gặp phải đều là do sự phức tạp khi tự động hóa bước lắp ráp cuối cùng. Đây là khâu đã được nhiều nhà sản xuất thử nghiệm trước đây – như Fiat, Volkswagen, và GM – nhưng đều thất bại.
Trong khâu lắp ráp cuối cùng, các robot có thể vặn ốc chính xác – nhưng chúng không phát hiện và thấy được những đường ren không thẳng, những ốc vít không khớp, những đai chốt không phù hợp hay những vòng đệm bị lỗi. Trong khi đó con người rất giỏi việc này.
Các nhà phân tích của Bernstein chỉ ra rằng khâu lắp ráp cuối cùng về cơ bản là một cuộc tập dượt về tính linh hoạt vì cả quá trình bị hạn chế bởi khả năng lắp đúng bộ phận vào đúng thời điểm. Con người có khả năng phát hiện những điểm không đúng, dừng quy trình và cố gắng giải quyết những điểm đó. Robot không linh hoạt như con người, chúng không giỏi thích ứng với những biến đổi của sản phẩm và cũng không thể nắm bắt được nhiều vận động phức tạp như con người.
Điều này có nghĩa là, vượt quá một điểm nào đó, tự động hóa có thể tăng chi phí (trái với những gì bạn mong đợi), và không giúp cải thiện chất lượng hoặc năng suất. Quan trọng hơn, tự động hóa cần phải được đặt dưới một quy trình ổn định để đảm bảo rằng các lỗi sẽ không bị tự động hóa. Điều này đặc biệt quan trọng khi máy móc tự học hỏi, bởi sẽ chẳng cần đến con người mới nhận ra một lỗi đang được sản sinh và nhân lên gấp bội.
Khi ta bước vào kỷ nguyên của máy móc với khả năng học trực tiếp từ dữ liệu chứ không phải được lập trình bởi con người, kinh nghiệm của Tesla về một quy trình tự động hóa cao độ là rất đáng chú ý. Trong một tương lai được tự động hóa nhiều hơn, chúng ta vẫn cần phải coi trọng những gì con người có thể làm tốt hơn máy móc.