“Lạm dụng” công nghệ 4.0 bất ngờ khiến Tesla chật vật với sản lượng thấp
Cố quá lại thành quá cố!
Một báo cáo gần đây cho thấy, việc quá "lạm dụng" tự động hóa đã khiến dây chuyền sản xuất Model 3 dậm chân tại chỗ với sản lượng 2.000 chiếc mỗi tuần, kém xa so với mục tiêu 5.000/ tuần mà Elon Musk đã hứa với các nhà đầu tư.
Khi tự động không đồng nghĩa với hiệu quả
Sau đợt đình chỉ hoạt động toàn nhà máy gần đây để cải thiện sản lượng, cả những nhà đầu tư và người hâm mộ của Tesla đang "nín thở" chờ một lời khẳng định mới từ Elon Musk. Mẫu xe Tesla Model 3 từng là niềm hy vọng cho một tương lai không còn "lỗ" của Tesla nay đã trở thành mục tiêu bị báo chí và đối thủ công kích thường xuyên. Các chuyên gia tài chính đều tỏ ra không mấy khả quan với kết quả quý 1 năm nay của Tesla.
Từng là "biểu tượng" của tương lai, Elon Musk đã tự tin xây dựng và "khoe khoang" những dây chuyền hoàn toàn không có yếu tố con người và một tổ hợp nhà máy khổng lồ với cấu trúc hình dĩa bay người ngoài hành tinh.
Nhưng trớ trêu thay, những dây chuyền tối tân của tương lai đang ngày ngày "phá bĩnh" những hoạt động cần sự phối hợp nhịp nhàng của sản xuất, từ thiết kế, kế hoạch cho đến kiểm soát chất lượng và thậm chí là các hoạt động cơ bản của nhân công trong xưởng …
Trong một động thái gần đây, Elon Musk đã thừa nhận rằng việc "tự động quá lố" là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt sản lượng của Tesla trong thời gian vừa qua. "Con người đã quá bị coi thường" - Elon Musk đăng trên Twitter.
Không lâu sao đó, vị CEO Tesla cũng trả lời phỏng vấn trên CBS: "Chúng tôi có hẳn một hệ thống băng chuyền khổng lồ và phức tạp đến mức điên rồ, nhưng chúng lại … không hoạt động, và chúng tôi buộc phải vứt tất cả đi chỗ khác."
Theo một nghiên cứu mới của Viện Bernstein, hai chuyên gia Toni Sacconaghi và Max Warburton cho rằng việc tăng sản lượng sẽ rất khó khăn đối với những dây chuyền sản xuất có quá nhiều "yếu tố tự động". Chuyên gia Warburton đã dành một thời gian dài để so sánh dây chuyền "tối tân" của Tesla và những tập đoàn ô tô nổi tiếng khác và kết luận rằng, trong quá trình nỗ lực tự động hóa dây chuyền sản xuất Model 3 tại nhà máy Fremont bang California, Tesla "đã tự lấy súng bắn vào chân mình."
"Tự động hóa hoàn toàn không có khả năng xử lý những quy trình phức tạp, khó hoạt động trên dữ liệu không chuẩn mực, phản ứng chậm khi có các yếu tố khách quan và đặc biệt là đem lại hiệu quả rất kém khi ‘sự cố xảy ra’. Máy móc đơn giản là không thể xử lý được những sự cố phát sinh hiệu quả bằng con người, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng ở những quy trình sau."
Tự động hóa khâu lắp ráp – con dao hai lưỡi của Tesla
Báo cáo của Viện Bernstein còn nhấn mạnh quá trình lắp ráp xe thành phẩm tự động hóa cao của Tesla đang là con dao hai lưỡi khi gây sụt giảm sản lượng của chính công ty này. Không chỉ Tesla, hàng loạt các tập đoàn ô tô lớn như Fiat, Volkswagen và GM đều đã từng áp dụng thử dây chuyền lắp ráp hoàn toàn tự động và thất bại ê chề. Hai chuyên gia Sacconaghi và Warburton nói thêm:
"Trong giai đoạn cuối cùng này, robot có thể thực hiện các thao tác riêng lẻ một cách nhanh chóng và cực kỳ đều đặn. Tuy nhiên, robot hoàn toàn không phát hiện được những đường sơn không đều, những con vít chưa được siết chặt hay là những niêm phong bị lỗi. Ngược lại thì con người rất hiệu quả trong việc này." Chả trách sao những chiếc Tesla ngoài thị trường thường bị phàn nàn về kính chắn gió không được cố định, nhiều thành phần nhỏ dễ bị bung tróc và thậm chí là rớt ra trong lúc sử dụng.
Khâu lắp ráp hoàn thiện là một trong những hoạt động rất cần sự linh hoạt, đòi hỏi nhân công phải kết nối đúng bộ phận vào đúng thời điểm. Con người có thể nhanh chóng phát hiện ra những sự cố trong lúc lắp ráp, dừng hoạt động và sửa chữa ngay vấn đề phát sinh. Nhưng robot hiện nay vẫn chưa thể nào linh hoạt bằng con người, do đó sẽ tốn rất nhiều thời gian để điều chỉnh bất cứ sự thay đổi mới nào, và thậm chí là hiện có rất nhiều hoạt động phức tạp trong sản xuất ô tô vẫn chưa được tự động hóa thành công.
Điều này đồng nghĩa rằng, tự động hóa qua một ngưỡng nhất định sẽ bắt đầu đem lại hậu quả thay vì hiệu quả, như phát sinh nhiều chi phí hơn cho dây chuyền sản xuất, và đối với những trường hợp "cố quá" như Tesla, việc tự động quá trớn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng của cả quy trình. Để ứng dụng 4.0 thật sự thành công, các khâu tự động hóa cần được đưa vào một môi trường ổn định với ít phát sinh nhất có thể.
Trong thời kỳ mà ai cũng đang lo sợ một ngày ‘robots’ sẽ cướp mất việc của mình, sự cố về sản lượng của Tesla có thể cho chúng ta phần nào an tâm hơn, vì sẽ luôn có những việc con người thực hiện tốt hơn những "đồng nghiệp 4.0".