Té nước theo mưa, Việt Nam có nắm cơ hội giảm lãi suất điều hành?
Chính phủ có thể hỏi Ngân hàng Nhà nước: Hiện nay có giảm được các lãi suất điều hành không, khi hàng loạt quốc gia đã và đang làm?
Cuối tuần qua, thị trường tiếp tục đón nhận thêm loạt ngân hàng trung ương trên thế giới quyết định giảm lãi suất .
Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục quốc gia nhập cuộc làn sóng trên, nhiều trường hợp cắt giảm tới 2 - 4 lần, để hỗ trợ nền kinh tế khi có dấu hiệu khó khăn và tăng trưởng chậm lại.
Gần gũi, nhiều quốc gia trong khu vực hoặc có những tương đồng nhất định trong cạnh tranh thương mại và thu hút đầu tư với Việt Nam như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ… đều đã quyết định giảm lãi suất, thậm chí có những lần cắt giảm liên tiếp kể từ đầu năm.
Nhìn sang những nền kinh tế lớn hơn như Hàn Quốc, Nga, hay chỉ báo có tính toàn cầu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã giảm lãi suất; Trung Quốc cũng đang nằm trong chờ đợi của giới quan sát với quyết định tương tự…
Sau bài viết gần đây với câu hỏi “Việt Nam có trở thành ốc đảo?” trong xu hướng trên, một bạn đọc phản hồi đến BizLIVE với quan điểm: “Đây là cơ hội, té nước theo mưa trong xu hướng mở rộng trên thế giới. Bên cạnh hỗ trợ nền kinh tế, đây cũng là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh lại các lãi suất điều hành cho phù hợp hơn với thực tiễn”.
Theo phân tích của bạn đọc này, thứ nhất, các lãi suất điều hành của Việt Nam đặt trong bối cảnh hàng loạt quốc gia giảm lãi suất sẽ cho thấy mức độ linh hoạt của điều hành chính sách tiền tệ như thế nào, hay là tiếp tục giữ nguyên như một lựa chọn an toàn?
Thứ hai, thực tế lạm phát Việt Nam 5 năm qua được kiểm soát ở mức thấp và hiện ở mức thấp. Trong khi đó, tăng trưởng GDP bắt đầu chậm lại, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khó khăn trên các thị trường, và đã xuất hiện nhiều hơn doanh nghiệp phải phát hành trái phiếu lãi suất cao…
Như vậy, Chính phủ có thể hỏi Ngân hàng Nhà nước : Hiện nay có giảm được các lãi suất điều hành không để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khi hàng loạt quốc gia đã và đang làm?
Thứ ba, các lãi suất điều hành của Việt Nam gần như không thay đổi trong nhiều năm qua sau bước giảm nhẹ 0,25%/năm hồi tháng 7/2017; còn lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) sau lần giảm cũng rất nhẹ đầu 2018 vẫn neo tới 4,75%/năm mà gần như quanh năm không có nhu cầu nào với tới (ngoại trừ hiếm hoi có lần hỗ trợ gần đây).
Trong khi đó, không chỉ với loạt ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất, mà chính mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cũng đã giảm rất sâu qua những năm gần đây, rất thấp so với mặt bằng các lãi suất điều hành.
Thứ tư, cho dù cơ chế truyền dẫn từ các lãi suất điều hành đến thị trường còn có hạn chế, hoạt động ngân hàng thương mại còn nhiều yếu tố trở ngại cho mục tiêu giảm lãi suất, nhưng nếu điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước phát đi yếu tố tín hiệu, thực hiện vai trò dẫn dắt thị trường, cũng như tạo một tham chiếu nhạy hơn đối với các lãi suất trung và dài hạn trong nền kinh tế.
Nhìn lại, suốt từ lần điều chỉnh đáng kể nhất vào 18/3/2014 đến nay (giảm từ 0,5-1%/năm các loại lãi suất), các lãi suất điều hành của Việt Nam đã có một quá trình kéo dài gần 6 năm rất thận trọng.
Thay vào đó, các cân đối trên thị trường phụ thuộc nhiều hơn vào điều tiết lượng, qua nghiệp vụ “bơm - hút” tiền trên thị trường mở, qua cân đối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành gần như liên tục. Mà ở đây, chi phí phải trả cho lãi suất tín phiếu điều tiết nguồn với số dư khá lớn duy trì khá đều trong thời gian dài là đáng kể.