Tàu vũ trụ Trung Quốc đã sẵn sàng để hạ cánh xuống vùng tối của “Chị Hằng”
Tàu thăm dò không người lái Hằng Nga 4 đã đi vào quỹ đạo để chuẩn bị cho “một cuộc đổ bộ mềm đầu tiên ở phía mặt tối của Mặt Trăng”.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, một tàu vũ trụ của Trung Quốc đã tiếp cận Mặt Trăng và đi vào quỹ đạo ổn định cách bề mặt khoảng 130 km. Vị trí hiện tại được cho là có thể sẵn sàng hạ cánh xuống bề mặt thuộc vùng tối của Mặt Trăng.
Nguồn tin được trích dẫn từ Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, theo đó tàu thăm dò không người lái Hằng Nga 4 đã đi vào quỹ đạo để chuẩn bị cho “một cuộc đổ bộ mềm đầu tiên ở phía mặt tối của Mặt Trăng”.
Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Cơ quan Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc.
Mặc dù Cơ quan này không cho biết thời điểm chính xác sẽ diễn ra việc hạ cánh, các chuyên gia tại Viện Smithsonian của Hoa Kỳ nhận định rằng tàu Hằng Nga 4 có thể hạ cánh trong khoảng giữa tháng 1 và tháng 3. Địa điểm hạ cánh sẽ là miệng núi lửa Von Kármán ở phía mặt tối của bề mặt Mặt Trăng.
Mặt Trăng của Trái đất bị lực hấp dẫn kéo lại và quay xung quanh một quỹ đạo nhất định, có cùng tốc độ với tốc độ quay quanh trục của nó. Vì vậy, khi nhìn từ Trái đất chúng ta luôn luôn chỉ thấy được một phía của Mặt Trăng, phía còn lại không bao giờ có thể thấy được gọi là vùng tối của Mặt Trăng.
Tàu Hằng Nga 4 đã đi vào quỹ đạo để chuẩn bị cho sứ mệnh hạ cánh.
Các tàu vũ trụ trước đây mới chỉ quan sát vùng tối của Mặt Trăng từ ngoài không gian. Các sứ mệnh hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng trước đây cũng chỉ được thực hiện ở vùng sáng. Chưa có một tàu thăm dò nào hạ cánh trên vùng tối của Mặt Trăng.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò không người lái Hằng Nga 4 vào đầu tháng 12, bởi tên lửa Long March-3B. Hệ thống này bao gồm một tàu đổ bộ mặt đất và một tàu thăm dò, với mục đích là khám phá bề mặt vùng tối Mặt Trăng.
Sứ mệnh hạ cánh xuống vùng tối Mặt Trăng đầu tiên trong lịch sử.
Nhiệm vụ của tàu thăm dò Hằng Nga 4 là quan sát thiên văn, khảo sát địa hình, nghiên cứu địa chất, đo bức xạ và phân tích các nguyên tử để tìm hiểu rõ hơn môi trường tại vùng tối. Đây là nhiệm vụ đầu tiên được thực hiện trong lịch sử nhân loại.
Sứ mệnh của tàu Hằng Nga 4 cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong nghiên cứu thiên văn vũ trụ. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu sẽ bắt kịp Mỹ và Nga để trở thành cường quốc vũ trụ vào năm 2030.