Tàu vũ trụ Nhật vượt quãng đường 5,24 tỷ km, mang thành công mẫu vật từ thiên thạch 4,6 tỷ năm tuổi về Trái Đất
Giám đốc dự án Yuichi Tsuda gọi sứ mệnh của Hasabusa2 là "sự kiện hiếm có trong lịch sử nhân loại."
Theo Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), khoang chứa mẫu vật nặng 16kg đã tách ra khỏi tàu Hayabusa-2 và thực hiện quá trình hồi quyển vào 6/12 vừa qua.
Khoảnh khắc khoang chứa của tàu Hayabusa-2 quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất đã tạo nên một tia sáng đầy ấn tượng trên bầu trời Australia. Khoang chứa này sau đó đã hạ cánh tại vùng sa mạc ở miền Nam nước này và được thu hồi thành công bởi JAXA.
Khoảnh khắc khoang chứa mẫu vật của Hasabusa2 'xé dọc' bầu trời miền Nam Australia trong quá trình hồi quyển
Giám đốc dự án Yuichi Tsuda gọi sứ mệnh của Hasabusa2 là "sự kiện hiếm có trong lịch sử nhân loại." Nó đánh dấu lần thứ hai trong lịch sử một mẫu vật còn nguyên vẹn, chưa bị đụng chạm của một thiên thạch được đưa trở lại Trái Đất. Những mẫu vật mà tàu thu thập bao gồm cả bụi và các hợp chất nguyên sinh bên dưới lớp bề mặt của Ryugu - một thiên thạch hiện nằm cách Trái Đất khoảng gần 300 triệu km.
Mặc dù trọng lượng của các mẫu vật nặng chưa đến 0,1gr, nó vẫn sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về nguồn gốc của hệ Mặt trời và sự sống trên Trái đất. Các nhà khoa học tin rằng nên thiên thạch Ryugu có tuổi đời khoảng 4,6 tỷ năm tuổi, tức được sinh ra từ thủa bình minh của Hệ Mặt Trời.
Bên trong khoang chứa mẫu vật sau khi hạ cánh
Với kích thước chỉ ngang một chiếc tủ lạnh, tàu thăm dò Hayabusa2 được phóng lên vào tháng 12/2014. Điểm đến của nó là một thiên thạch có hình dạng giống như một viên kim cương, được đặt tên là Ryugu (hay Long Cung trong tiếng Nhật).
Tàu Hayabusa2 đã thực hiện hai cú hạ cánh lên bề mặt Ryugu để lấy mẫu vật. Trong lần hạ cánh đầu tiên vào tháng 2/2019, Hayabusa2 đã thu thập một số mẫu vật trên bề mặt của Ryugu. Tiếp đó, vào tháng 4/2019, con tàu thăm dò này đã…bắn phá bề mặt của Ryugu bằng một quả cầu nặng 2,5kg, tạo ra một miệng hố rộng 10 m trên bề mặt tiểu hành tinh này. Sau đó, vào tháng 7/2019, Hayabusa2 đã thực hiện cú hạ cánh lần thứ 2, thu thập một số mẫu đất đá được tạo ra từ vụ nổ trước đó.
Sau khi thực hiện thành công việc thu thập mẫu vật, Hayabusa2 rời Ryugu vào tháng 11 năm 2019 và quay trở lại Trái Đất. Sau gần 1 năm lưu lạc ngoài vũ trụ, Hayabusa2 cuối cùng đã phóng khoang chứa mẫu vật ở khoảng cách 220 nghìn km so với Trái Đất, hoàn thành chuyến đi dài tới 5,24 tỷ km. Sau đó, con tàu này đã tiếp tục khởi động một động cơ khác để hướng ra khỏi Trái đất, vì công việc của nó vẫn chưa hoàn thành.
Tàu thăm dò Hayabusa2 rời Ryugu vào tháng 11 năm 2019 và quay trở lại Trái Đất
Theo đó, JAXA gần đây đã phê duyệt một sứ mệnh mở rộng cho Hayabusa2, vốn đòi hỏi con tàu này phải tiếp cận thiên thạch 2001 CC21 và thiên thạch 1998 KY26. Dự kiến, Hayabusa2 sẽ tiếp cận 2001 CC21 vào tháng 7/2026 để chụp ảnh thiên thạch này. Sau đó, Hayabusa2 sẽ thẳng tiến đến mục tiêu chính là thiên thạch 1998 KY26, nằm cách Trái Đất 300 triệu km.
Dự kiến, tàu sẽ tới được thiên thạch có đường kính 30m này vào tháng 7/2031. Tại đây, Hayabusa2 sẽ quan sát và chụp ảnh thiên thạch, song sẽ không hạ cánh và thu thập mẫu vật trên bề mặt như với thiên thạch Ryugu do tàu không đủ nhiên liệu.
Tham khảo Space.com