Tàu lặn Titan từng liên tục phát sinh sự cố, la bàn hoạt động 'điên rồ' khi đến gần Titanic

28/06/2023 15:00 PM | Sống

Khi chiếc tàu lặn chở theo Mike Reiss chỉ còn cách vị trí xác tàu chìm 500 thước thì 'la bàn bắt đầu hoạt động điên rồ, khiến cả đoàn mất phương hướng'.

La bàn hoạt động "điên rồ"

Mike Reiss quyết định mang một vài tờ giấy theo bên mình khi lặn xuống đáy Bắc Đại Tây Dương. Ông muốn chắc chắn rằng mình có thứ gì đó để viết vài câu chuyện cười cuối cùng nếu có điều gì đó không hay xảy ra.

Mike Reiss, nhà biên kịch kiêm nhà sản xuất từng đoạt giải Emmy cho loạt phim hoạt hình nổi tiếng "The Simpsons", đã lặn xuống độ sâu gần 4.000 mét cùng với 4 người khác bên trong tàu lặn Titan của OceanGate Expedition nhằm chiêm ngưỡng "đống đổ nát lịch sử".

"Ông ấy biết rõ điều này rất nguy hiểm", Denise – vợ của Mike Reiss – nói với tờ New York Post, "Thế nhưng ngay cả trong những tình huống tồi tệ nhất, ông ấy vẫn hài hước".

ABC News: Tàu lặn Titan từng liên tục phát sinh sự cố, la bàn hoạt động 'điên rồ' khi đến gần xác tàu Titanic - Ảnh 1.

Reiss có thể nhìn thấy mũi tàu Titanic qua một ô cửa sổ chỉ lớn hơn cửa máy giặt một chút.

Trả lời phỏng vấn tờ ABC News, Reiss đã kể về trải nghiệm trước đây của ông với tàu lặn Titan của OceanGate trước khi con tàu xảy ra thảm kịch vào tuần trước, cướp đi sinh mạng của 5 hành khách trên tàu.

Theo Reiss, trong suốt chuyến đi của ông, con tàu liên tục gặp phải các vấn đề về kỹ thuật.

"Bạn luôn biết chắc rằng điều này rất nguy hiểm, bất cứ vấn đề nhỏ nào cũng sẽ biến thành thảm họa lớn" – ông Reiss nói, đồng thời cho biết cả 4 chuyến đi của ông với OceanGate đều gặp sự cố liên lạc.

"Dường như có điều gì đó đã xảy ra với hệ thống", ông Reiss cho hay, "Tôi không đổ lỗi cho OceanGate mà cho rằng đó là do nước sâu".

Cũng theo nhà sản xuất này, những hành khách chuẩn bị tham gia chuyến hành trình của OceanGate đều phải ký vào giấy miễn trừ (trách nhiệm), trong đó 3 lần đề cập tới khả năng tử vong ngay ở trang đầu tiên.

"Đôi lúc bạn vẫn làm một số việc dù biết rõ những rủi ro này và hy vọng điều tốt nhất sẽ tới" – Ông Reiss nói.

Trong chuyến đi tới tàu Titanic, Reiss cho biết khi chiếc tàu lặn của ông chỉ còn cách vị trí xác tàu chìm khoảng 450 mét thì "la bàn bắt đầu hoạt động điên rồ, khiến chúng tôi không biết mình đang ở hướng nào".

"Chiếc la bàn cuối cùng ngừng hoạt động. Chúng tôi đã trải qua 90 phút chỉ để đi loanh quanh, tìm kiếm tàu Titanic, ở đó rất tối" – Ông Reiss kể. Thật may cuối cùng cả đoàn đã tìm thấy tàu Titanic và có thể chụp ảnh.

"Chúng tôi không có được trải nghiệm tuyệt vời với Titanic trên thực tế", ông Reiss nói, "nhưng chúng tôi có trải nghiệm trên Instagram. Chúng tôi đã ở đó đủ lâu để chụp ảnh mỏ neo, cửa sổ và lan can tàu".

ABC News: Tàu lặn Titan từng liên tục phát sinh sự cố, la bàn hoạt động 'điên rồ' khi đến gần xác tàu Titanic - Ảnh 2.

Cabin tàu Titan rất chật, mỗi lần chỉ một người có thể duỗi chân ra.

Như làm nhiệm vụ 'cảm tử'

Trong khi đó, Arthur Loibl (61 tuổi), doanh nhân và nhà thám hiểm nghỉ hưu đến từ Đức, đã trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của OceanGate và từng đồng hành cùng với 2 trong số những hành khách vừa thiệt mạng trên tàu Titan.

Loibl cho biết, ông nảy ra ý tưởng tham quan xác tàu Titanic trong lúc đang thực hiện chuyến đi tới Nam Cực năm 2016. Vào thời điểm đó, một công ty Nga đang chào bán các chuyến lặn thám hiểm với giá nửa triệu USD.

Tuy nhiên, sau khi OceanGate ra mắt dịch vụ thám hiểm 1 năm sau đó, Loibl đã quyết định chớp lấy cơ hội, trả 110.000 USD cho chuyến lặn thám hiểm vào năm 2019. Rất tiếc, chuyến đi đã thất bại khi chiếc tàu lặn đầu tiên không qua được thử nghiệm.

Hai năm sau, ông Loibl đã có chuyến thám hiểm thành công cùng với Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush, thợ lặn người Pháp, chuyên gia Titanic Paul-Henri Nargeolet, cùng 2 người đàn ông đến từ Anh.

"Hãy hình dung đến một ống kim loại dài vài mét với một tấm kim loại trải xuống làm sàn. Bạn không thể đứng, không thể ngồi kie quỳ gối, mọi người như thể đang ngồi xít lại hoặc chồng lên nhau" – ông Loibl kể.

ABC News: Tàu lặn Titan từng liên tục phát sinh sự cố, la bàn hoạt động 'điên rồ' khi đến gần xác tàu Titanic - Ảnh 3.

Ông Loibl mô tả chuyến thám hiểm như "hoạt động cảm tử"

Trong suốt 2 tiếng rưỡi, đèn trên tàu đã được tắt để tiết kiệm năng lượng. Luồng sáng duy nhất đến từ gậy phát sáng huỳnh quang.

Song, chuyến đi nhiều lần bị trì hoãn giữa chừng để khắc phục sự cố với pin và cân bằng trọng lượng. Tổng cộng, hành trình này đã kéo dài tới 10 tiếng rưỡi.

Loibl cho biết, nhóm của ông đã tận hưởng được khung cảnh tuyệt vời của xác tàu Titanic, may mắn hơn những du khách tham gia các chuyến lặn khác khi chỉ được nhìn thấy một mảnh vỡ của tàu hoặc không gì cả. Một số khách hàng thậm chí không được hoàn lại tiền sau khi thời tiết xấu khiến con tàu không thể tiếp tục lặn xuống.

Thế nhưng giờ nhìn lại, ông thấy Loibl thấy "lạnh người" với những gì đã trải qua.

"Giờ nhìn lại mới thấy, lúc đó tôi đã có chút ngờ nghệch. Đó quả thực giống như một hoạt động cảm tử vậy"- ông Loibl nói.

Theo Tùng Chi

Cùng chuyên mục
XEM