Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đầu tư dự án triệu đô ở Myanmar, thị trường sơ khai nhất ASEAN có gì hấp dẫn doanh nghiệp Việt đến vậy?

06/09/2019 14:10 PM | Kinh doanh

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) vừa có thông báo về việc HĐQT của doanh nghiệp đã phê duyệt việc góp vốn với đối tác Myanmar để đầu tư dự án tại quốc gia này.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ góp vốn với Halcyon Infrastructures Group Company Limited - một công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật Myanmar, đóng trụ sở tại thành phố Yangon.

Liên doanh mới sẽ có tên Halcyon - Hoa Binh Construction Company Limited (H&H) và đặt tại thành phố Yangon.

Mục tiêu hoạt động của liên doanh này là cung cấp dịch vụ xây dựng và các dịch vụ có liên quan đến hoạt động xây dựng theo pháp luật Myanmar.

Tổng vốn của dự án đầu tư tại nước ngoài được Hòa Bình thông báo là 1.062.500 USD và doanh nghiệp sẽ góp 850.000 USD. Sau hai tháng hoàn thành thủ tục, thuê văn phòng và kiện toàn tổ chức thì dự án bắt đầu kinh doanh trong tháng thứ ba.

Trước đó, Hòa Bình đã có kế hoạch mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài với mục tiêu là các nước Trung Đông và một số nước kém phát triển hơn tại khu vực ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar.

Ở Myanmar, mặc dù tình hình chính trị mới đi vào ổn định nhưng pháp luật về kinh doanh và đầu tư đã được hoàn thiện nhanh chóng ngay sau khi chính quyền của bà Aung San Suu Kyi ra mắt.

Năm 2016, Luật đầu tư Myanmar ra đời cùng với sự điều hành của Uỷ ban Đầu tư Myanmar (MIC). Sau đó một năm, Luật Doanh nghiệp Myanmar cũng được hoàn tất. Các đạo luật này hầu như tuân thủ nguyên tắc chung của nền kinh tế thị trường. Những khái niệm về loại hình công ty, cổ đông, chuyển nhượng vốn, sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, …bắt đầu được luật hóa theo xu hướng tiến bộ.

Luật Doanh nghiệp Myanmar năm 2017 loại bỏ quy định về giấy phép kinh doanh đối với công ty nước ngoài, bãi bỏ vốn ủy quyền và mệnh giá, cho phép sự tồn tại các loại cổ phần khác nhau.

Hoạt động đầu tư của Hòa Bình sang Myanmar với nguồn vốn không quá lớn có thể xem là bước thăm dò ban đầu, sau những bài học thành công và thất bại của người tiền nhiệm Hoàng Anh Gia Lai.

Hiện tại, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có 14 công ty tại thời điểm 30/6/2019, trong đó, có công ty TNHH Hòa Bình Myanmar thuộc sở hữu 100% (đóng trụ sở tại Myanmar), đang ghi tình trạng "trước hoạt động" trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2019.

Nửa năm 2019, Hòa Bình công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất là khoảng 174,8 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với chỉ tiêu của cùng kỳ năm 2018.

Ngân hàng BIDV đang là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này, với gần 1.362,6 tỉ đồng sắp sửa đáo hạn vào ngày 26/11/2019. Khoản vay được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà cửa, vật kiến trúc.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM