Tạo vỏ bọc xa hoa, Phùng Thị Nghệ lừa đảo hơn 1.200 tỉ đồng

28/05/2024 09:46 AM | Xã hội

Đại diện VKSND TP HCM cho rằng Phùng Thị Nghệ đã xây dựng hình ảnh hào nhoáng như mua hàng loạt bất động sản, mua nhiều ô tô đắt tiền, có nhiều cây xăng… để chiếm đoạt hơn 1.200 tỉ đồng

Ngày 27-5, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND TP HCM đã tuyên án đối với bị cáo Phùng Thị Nghệ (38 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lợi dụng lòng tham của người khác

Đại diện VKSND TP HCM nhận định hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, động cơ vụ lợi cá nhân. Trước tòa, bị cáo Nghệ lại cho rằng bản thân là "nạn nhân" của hành vi cho vay lãi nặng của những người tố cáo Nghệ lừa đảo.

Bị cáo Nghệ từng làm việc tại một ngân hàng ở TP HCM nhưng sau đó sớm nghỉ việc để kinh doanh. Nghệ bắt đầu khởi nghiệp với mô hình "mua đi bán lại" các bất động sản và ô tô sang để thu lợi nhuận. Ban đầu, Nghệ sử dụng tiền gia đình hỗ trợ và vay ngân hàng để kinh doanh.

Đến năm 2018, Nghệ thành lập Công ty Money Exchange - kinh doanh thu đổi ngoại tệ. Để mở rộng quy mô các quầy thu đổi ngoại tệ, Nghệ huy động nguồn tiền từ các cá nhân khác với cam kết sẽ trả lãi suất cho họ. Các quầy thu đổi ngoại tệ của Nghệ chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc kinh doanh này không còn hiệu quả. Mặc dù vậy, Nghệ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên và các chi phí khác dẫn đến việc phải vay mượn nhiều cá nhân với lãi suất cao để duy trì hoạt động kinh doanh tại các quầy thu đổi ngoại tệ đặt trong trung tâm thương mại. Cuối năm 2020, Nghệ phải đóng cửa hoàn toàn các quầy kinh doanh.

Cũng trong thời gian này, Nghệ còn vay tiền ngân hàng và các cá nhân khác để kinh doanh bất động sản, ô tô. Nhưng do thị trường "đóng băng" nên không bán được. Song Nghệ vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng và lãi vay cá nhân. Đến cuối năm 2020, Nghệ mất khả năng trả nợ.

Dù vậy, Nghệ vẫn xây dựng mác doanh nhân thành đạt, thường xuyên khoe cuộc sống vương giả trên mạng xã hội.

Đại diện VKSND TP HCM cho rằng Nghệ xây dựng hình ảnh hào nhoáng cho bản thân thông qua việc dùng tiền vay mượn để mua hàng loạt bất động sản tại các khu vực có giá trị cao ở quận 7 (TP HCM); mua nhiều ô tô đắt tiền để sử dụng. Để "đánh bóng" thêm hình ảnh là người có điều kiện kinh tế tốt, bị cáo còn thường xuyên chia sẻ rằng bản thân có nhiều cây xăng, quầy thu đổi ngoại tệ, có nhiều mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, Nghệ còn khoe sẽ thành lập ngân hàng tư nhân.

Cơ quan thực hành quyền công tố đánh giá bị cáo Nghệ đã lợi dụng lòng tham của người khác để thực hiện hành vi phạm tội. Nắm bắt được tâm lý muốn góp tiền đầu tư để được hưởng lợi nhuận cao của nhiều người, Nghệ "vẽ" ra nhiều hoạt động kinh doanh ảo để các bị hại góp vốn kinh doanh. Trong đó, bị hại N.N.L đã chuyển 606 tỉ đồng, bị hại T.B.T (cùng ngụ quận 7) đã chuyển 602 tỉ đồng cho Nghệ.

Bị cáo Phùng Thị Nghệ tại tòa

Bị cáo Phùng Thị Nghệ tại tòa

Trượt dài trên sàn tiền ảo?

Trả lời HĐXX, Nghệ phủ nhận cáo buộc phạm tội. Bị cáo khai quen bà N.N.L thông qua hội chơi golf của chồng mình. Vợ chồng bà N.N.L và vợ chồng Nghệ thường xuyên đi ăn uống cùng nhau. Thông qua bà N.N.L, Nghệ gặp và dần thân thiết với bà T.B.T.

Nghệ thừa nhận có giao dịch nhận tiền từ bà N.N.L và T.B.T nhưng không mượn tiền để kinh doanh xăng dầu, ngoại tệ mà dùng đầu tư tiền ảo. Theo đó, Nghệ thường xuyên có nhu cầu huy động nguồn tiền lớn trong thời gian ngắn để nạp vào tài khoản Bitcoin. Tuy nhiên, vào năm 2020, Nghệ bị hack mất tài khoản trên sàn tiền ảo có trị giá 20 triệu USD.

Bị cáo nói rằng quan hệ chuyển tiền giữa Nghệ với bà N.N.L và T.B.T là vay mượn trả lãi suất cao từ 6%-15%/tháng. Bị cáo cho rằng bản thân là nạn nhân của những người này, phủ nhận cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo lời bị cáo, bà N.N.L và T.B.T đã hướng dẫn cách Nghệ nhắn tin vay tiền để những người này dùng tin nhắn gửi cho những người quen khác nhằm huy động tiền cho Nghệ vay. Theo hướng dẫn, khi cần tiền thì Nghệ nhắn: "Hôm nay chị cho em mượn 20 tỉ để em thanh toán tiền hàng cho kịp tiến độ được không? Thứ hai em thu được ít tiền hàng về, chị lấy lãi bao nhiêu em gửi lại"…

Tuy nhiên, Nghệ không có tài liệu chứng minh những lời khai của mình. HĐXX xác định trên thực tế Nghệ không kinh doanh xăng dầu, quầy thu đổi ngoại tệ hoạt động không hiệu quả, không thực hiện bất kỳ thủ tục thành lập ngân hàng. Sau khi nhận tiền từ các bị hại thì Nghệ không dùng vào mục đích như đã thông tin mà dùng tiền để trả nợ, tiêu xài cá nhân. Sau đó vài ngày hoặc chậm nhất 1 tuần thì Nghệ lại tiếp tục huy động tiền từ các cá nhân khác để trả lại cho các bị hại, mục đích là để cho các bị hại tin tưởng là Nghệ làm ăn, kinh doanh hiệu quả sau đó chia lại lợi nhuận từ số tiền góp với Nghệ và tiếp tục duy trì việc góp vốn làm ăn với Nghệ.

Theo HĐXX, bị cáo Nghệ đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.200 tỉ đồng của 2 nạn nhân trên. Tuy nhiên, Nghệ từng chuyển trả lợi nhuận cho bà T.B.T hơn 416 tỉ đồng, bà N.N.L hơn 443 tỉ đồng. Do đó, HĐXX tuyên buộc bị cáo phải trả cho bị hại N.N.L hơn 162 tỉ đồng, bị hại T.B.T hơn 159 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện Nghệ đã không còn đứng tên tài sản nào, tài khoản ngân hàng đứng tên cá nhân của Nghệ chỉ còn hơn 8 triệu đồng, không đủ tiền trả cho các bị hại.

HĐXX còn cho rằng quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo quanh co chối tội, không có thiện chí khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt nặng nhất đối với bị cáo này. Xem xét vụ án, HĐXX quyết định tuyên án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bị cáo Nghệ. 

Ngoài 2 nạn nhân trong vụ án này, còn 8 cá nhân ngụ TP HCM, Hà Nội, Hải Dương tố cáo Nghệ lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 tỉ đồng. Hiện những tố cáo này đã được Công an TP HCM tách ra để xử lý giai đoạn 2.


Theo Ý linh

Cùng chuyên mục
XEM