Tăng tỷ lệ tiêm vaccine lên cao đã đủ để Việt Nam sống chung với Covid-19, hay cần thêm bài học từ Anh, Italy và Singapore?

01/09/2021 19:17 PM | Xã hội

Kể từ khi sống chung với Covid-19, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine ở Italy thấp hơn so với Anh, thế nhưng số ca nhiễm trung bình ở Anh lại cao hơn Italy. Vậy, Việt Nam sẽ học hỏi gì từ những quốc gia này để có thể sống chung với Covid-19?

Sống chung với Covid-19 và "Cái giá của sự tự do"

Hồi tháng 7, Thủ tướng Anh Boris Johnson là người đầu tiên đưa ra tuyên bố áp dụng "Ngày Tự do" đối với quốc gia châu Âu, loại bỏ mọi quy định về đeo khẩu trang và giãn cách. Kết quả, chỉ một ngày sau "Ngày Tự do", số ca nhiễm Covid-19 mới ở Anh tăng lên mức kỷ lục, với 46.558 ca.

Thế nhưng, mới đây, gần 60.000 cổ động viên đến Sân vận động Emirates (London, Anh) để theo dõi trận đấu giữa Chelsea và Arsenal. Ở những nơi công cộng như tàu điện ngầm, mặc dù quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn được duy trì, thế nhưng phải đến 1/2 hành khách để mặt trần.

Tất cả diễn ra giữa lúc Anh đang ghi nhận mức tăng hơn 30.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, bệnh viện đối mặt sức ép gia tăng. Theo miêu tả của New York Times (NYT), đây là giai đoạn vô cùng kỳ lạ ở Anh, khi mà người dân thì thờ ơ với dịch bệnh nhưng virus thì không.

"Người Anh dường như không còn quan tâm đến tỷ lệ lây nhiễm cao. Có vẻ như người Anh đang chấp nhận điều này, rằng đây là cái giá của tự do", chuyên gia Tim Spector của Trường ĐH King’s London (Anh) khẳng định.

Với việc gần 80% dân số trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng Covid-19 vẫn lây lan rộng rãi, số liệu về các ca nhiễm mới dần trở thành một vấn đề ít quan trọng hơn ở Anh so với trước đây.

Lý do bởi tỷ lệ phần trăm người bị bệnh cần nhập viện ít hơn nhiều so với giai đoạn trước. Ngày 24/8, gần 970 người mắc Covid-19 nhập viện. Con số này ít hơn so với 4.583 người ngày 12/1, đợt cao điểm của đại dịch.

Nói như vậy không có nghĩa là các con số đã dừng lại. Số ca bệnh nhập viện và tỷ lệ tử vong đang tăng lên. Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong tuần trước đã tăng 6,7% so với 7 ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong tăng 12,3% với tổng cộng là 133 người.

Tăng tỷ lệ tiêm vaccine lên cao đã đủ để Việt Nam sống chung với Covid-19, hay cần thêm bài học từ Anh, Italy và Singapore?  - Ảnh 1.

Số lượng ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Anh. Nguồn: CNN

Còn tại Israel, quốc gia này từng mở cửa sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Hơn 62% dân số Israel đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, tương đương hơn 80% người trưởng thành. Do đó, Isarael từng gỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế hồi đầu tháng 6, nhưng đợt bùng phát vì biến chủng Delta khiến các nhà hoạch định chính sách phải khôi phục quy định đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, cách ly hành khách nhập cảnh cho đến khi có kết quả âm tính.

Nới lỏng ồ ạt hay từng bước hiệu quả hơn?

Italy đã từng là nơi chứng kiến số lượng ca nhiễm tăng vọt vào năm 2020. Thế nhưng, giờ đây, một năm rưỡi sau khi dập tắt làn sóng đầu tiên của dịch bệnh, dù chỉ ghi nhận một vài trường hợp mắc bệnh, nước này cũng đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn các quốc gia bùng dịch lớn. Tính đến ngày 4/8, 53% người dân Italy đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ, 64% dân số Italy đã được tiêm mũi đầu tiên.

Theo CNA, bên cạnh một số ít phản đối, hầu hết người Italy đều ủng hộ các biện pháp phòng dịch của Chính phủ Italy.

Cụ thể, kể từ ngày 6/8, Chính phủ Italy bắt đầu yêu cầu người dân phải xuất trình thẻ xanh (Green Pass) đi kèm với Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu để tham dự các sự kiện lớn, dùng bữa trong nhà, đến phòng tập thể dục và nhiều hoạt động khác. Bên cạnh đó, Chính phủ Italy đã phân loại vùng dịch bằng màu sắc theo thứ tự mức độ khẩn cấp bao gồm trắng, vàng, cam và đỏ, dựa trên cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ nhập viện trên 100.000 dân.

Theo cách phân loại này, một khu vực sẽ chuyển thành vùng đỏ khi tỷ lệ mắc Covid-19 hàng tuần tăng trên 150 ca/100.000 dân, tỷ lệ cần sử dụng dịch vụ chăm sóc đặc biệt là 30% và tỷ lệ nhập viện nói chung là 40%.

Các điểm du lịch bên bờ biển của Italy đã mở cửa vào mùa hè này. Người dân và du khách đến các khu nghỉ mát bãi biển, nhà hàng và quán bar đều phải giãn cách xã hội, đeo khẩu trang cũng như thực hiện các yêu cầu khác của chính phủ khi cần thiết. Song du khách đến Italy từ một số quốc gia, đều phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng như Giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số của Liên minh châu Âu hoặc thẻ tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ; xét nghiệm Covid-19 âm tính hoặc giấy chứng nhận phục hồi sau khi mắc Covid-19 do nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cung cấp.

Tăng tỷ lệ tiêm vaccine lên cao đã đủ để Việt Nam sống chung với Covid-19, hay cần thêm bài học từ Anh, Italy và Singapore?  - Ảnh 2.

Số lượng các ca bệnh ở Italy thời điểm hiện tại đã thấp hơn rất nhiều so với cuối năm 2020.

Tương tự, kế hoạch sống chung với Covid-19 của một số nước Đông Nam Á như Singapore hay Thái Lan cũng có phần thận trọng hơn. Những quy định mới của Thái Lan cho phép tụ tập lên đến 25 người (tăng từ 5 người ở thời điểm hiện tại), nối lại các chuyến bay nội địa, mở cửa trở lại công viên công cộng và tiệm làm đầu ở 29 tỉnh.

Bloomberg đưa tin, thay vì cố gắng đưa số ca nhiễm về 0, mục tiêu chuyển sang kiểm soát các đợt bùng phát ở mức không gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời duy trì nhiều hoạt động thương mại ở những trung tâm chính, bao gồm thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Theo Chính phủ Thái Lan, nỗ lực truy vết và tăng cường tiêm chủng cho nhóm dễ tổn thương sẽ giúp giảm số ca nhập viện, tử vong và sự lây lan của virus.

Còn tại Singapore, mặc dù là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ người dân được tiêm đủ hai mũi vaccine (hơn 80%), nhưng Singapore lại vô cùng cẩn thận trong việc sống chung với đại dịch. Theo tờ The Strait Times, từ ngày 19/8, doanh nghiệp Singapore sẽ có 50% nhân viên được quay lại văn phòng. Các sự kiện như hòa nhạc, hội nghị, thi đấu thể thao, rạp chiếu phim cũng được đón đến 1.000 khách nếu toàn bộ người tham gia đã tiêm vaccine.

Tuy nhiên, thách thức sắp tới ở những quốc gia như Anh hay Italy đó là việc mở rộng độ phủ của vaccine sang đối tượng trẻ em, khi mùa tựu trường sắp đến. New York Times nhận định, việc chưa tiêm phòng cho trẻ em và thanh thiếu niên nhỏ tuổi sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm có thể tăng cao hơn nữa.

Phương án sống chung với Covid-19 của Việt Nam sẽ như thế nào?

Từ các quốc gia chấp nhận "sống chung với Covid-19" như Anh, Ý, Singapore,... có thể thấy rằng, điểm chung của những quốc gia này đó là ở tỷ lệ tiêm vaccine đủ hai liều cho toàn bộ người dân đã ở mức 60% trở lên.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng đó là hệ thống y tế sẽ không còn bị quá tải vì những ca nhiễm nặng. Điều này đã được Phó giáo sư David Lye, người đứng đầu nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore nhắc đến trên tờ Straits Times: "Một yếu tố quan trọng khác đó là không được có quá nhiều các ca nhiễm nặng khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải."

Có thể thấy, việc tỷ lệ tiêm vaccine cao là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bên cạnh tỷ lệ tiêm vaccine thì một số yếu tố khác cần phải được quan tâm đó là độ phủ của vaccine đến các đối tượng tiêm, ví dụ như trẻ em; các yếu tố quy định số lượng bệnh nhân nhập viện do Covid-19 ở mức phù hợp với hệ thống y tế; tốc độ nới lỏng các quy định và việc tiếp tục chấp hành những quy tắc bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang hay tuân thủ khoảng cách kể cả sau thời gian giãn cách xã hội.

Nếu dựa theo những yếu tố ở trên, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn kiểm soát mức độ tăng của các ca nhiễm chứ chưa thể bước sang giai đoạn sống chung với Covid-19 vì số lượng các ca nhiễm phải điều trị ở các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố đặc biệt là TP HCM, Bình Dương vẫn còn cao. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam chưa vạch ra kế hoạch để hướng đến giai đoạn sống chung với Covid-19 trong tương lai.

Ví dụ như ở Hà Nội, mới đây thành phố cũng dự kiến xây dựng 2 kịch bản sau 6/9 (ngày dự kiến kết thúc đợt giãn cách thứ 3 của thành phố) đó là tiến hành phong tỏa toàn bộ một số quận nội thành và một số khu vực tại các huyện ngoại thành hoặc phải thực hiện phong tỏa toàn thành phố, phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm bóc tách F0.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam so với các quốc gia phát triển khác chưa cao, nhưng từ những kinh nghiệm đi trước của các quốc gia khác, Thủ tướng đã xác định: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".

Tham khảo: CNA, NYT, Straits Times,...

Theo Quỳnh Anh

Từ khóa:  covid-19 , vaccine
Cùng chuyên mục
XEM