Tâm sự của du học sinh về nước Pháp hoa lệ và đầy ám ảnh
Sinh năm 1990, tốt nghiệp thủ khoa ngành Vật lý kỹ thuật tại ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2012, hiện Phạm Thái Hà đang là thực tập nghiên cứu tại Viện Jean Lamour của Pháp sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Vật lý Nano của ĐH Grenoble-Alpes với học bổng toàn phần LANEF của Pháp.
Ước mơ đi du học của Thái Hà nhen nhóm từ khi còn là sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ban đầu, ý tưởng đó còn khá mơ hồ. Hà chỉ ước ao được học tập trong một môi trường tiên tiến, được ra nước ngoài mở mang tầm mắt, chứ chưa rõ nên đi đâu, theo con đường nào để có học bổng. Tuy nhiên, từ năm thứ nhất em đã luôn nỗ lực phấn đấu học tập, nghiên cứu, tích cực phát triển các kỹ năng qua hoạt động Đoàn, trau dồi ngoại ngữ thường xuyên.
Kết quả của những nỗ lực đó là rất nhiều học bổng đến với Thái Hà: học bổng Odon Vallet, học bổng Toshiba, Shinnyo-en, học bổng Honda YES… Sau khi tốt nghiệp đại học, nhận thấy ngành công nghệ nano mà mình theo đuổi còn rất mới mẻ ở Việt Nam, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, ước mơ đi du học của Hà càng cháy bỏng hơn.
“Khi bắt tay vào quá trình săn học bổng, em đã tìm hiểu rất nhiều chương trình ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hà Lan… Cuối cùng em chọn Pháp, trước hết vì ở Pháp có những nhóm nghiên cứu rất mạnh trong lĩnh vực hẹp em theo đuổi là Vật liệu từ cấu trúc nano. Em nghĩ đây là một lựa chọn ưng ý vì nước Pháp có bề dày truyền thống về đào tạo ngành khoa học cơ bản” – Hà chia sẻ.
Ngoài ra, đến Pháp không chỉ để học hỏi mà với em, còn là cơ hội để tìm hiểu văn hóa và khám phá văn minh châu Âu. “Từ Pháp có thể đi lại tự do tới các nước châu Âu, rất thuận tiện cho việc du lịch vào dịp nghỉ lễ”.
Thái Hà khi ở trên đất Pháp. Ảnh: NVCC
Sốc với đề thi 10 mặt giấy A4
Cả quá trình từ lúc làm hồ sơ xin học bổng đến khi tốt nghiệp Thạc sĩ, Thái Hà đã phải trải qua không ít khó khăn, tuy nhiên em coi thử thách là những thứ quý báu giúp mình trưởng thành hơn.
“Em bắt đầu bằng việc viết email liên hệ giáo sư ở Pháp, trao đổi về hướng nghiên cứu và làm hồ sơ đăng ký học bổng. Sau khi vượt qua vòng hồ sơ, em bay sang Pháp lần đầu tiên trong 3 ngày để tham quan phòng thí nghiệm, thuyết trình và phỏng vấn. Nửa năm sau ngày phỏng vấn thì nhập học. Tính ra từ email liên hệ đầu tiên tới lúc bắt đầu học là hơn 1 năm”.
“Khó khăn lớn nhất khi làm hồ sơ là kỳ thi tiếng Pháp. Mặc dù theo chương trình tiếng Anh nhưng em cần đạt tiếng Pháp A2 để xin visa. Vì không tìm hiểu từ trước nên lúc biết luật thì chỉ còn đúng 1 tháng trước kỳ thi. Lúc đó chỉ có một lựa chọn là phải thi. Em tìm một gia sư tối liên tục 4-5 buổi/ tuần trong tháng đó, chiến lược là tập trung vào ngữ pháp để gỡ điểm nghe đọc viết. Cũng không có thời gian mà thử nghiệm phương pháp học, chỉ cắm cúi vào giải đề liên tục. Cuối cùng em vượt qua kỳ thi TCF theo đúng chiến lược, được B2 phần ngữ pháp. Giờ nghĩ lại những ngày tháng quyết chiến đó là giai đoạn căng thẳng mà đáng nhớ nhất trong quá trình chuẩn bị du học” – Thái Hà nhớ lại.
Đến khi bước vào môi trường học tập ở Pháp, khó khăn lớn nhất với Hà là cách biệt về trình độ học thuật. “Chương trình Vật lý của Pháp khá nặng về tính toán và kiến thức ngành cập nhật hơn ở Việt Nam rất nhiều. Chương trình thực hành cũng mới lạ do khác biệt về điều kiện cơ sở thiết bị. Chương trình chạy rất nhanh, giáo viên chỉ là người hướng dẫn gợi mở, việc học đòi hỏi sự chủ động tìm tòi của sinh viên. Ai học kỹ thuật ở Pháp có lẽ đều trải qua đề thi 10 mặt giấy A4 gây sốc” – cô gái 26 tuổi nhớ lại những ngày đầu “stress” khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ngoài thời gian vùi đầu vào học hành, nghiên cứu, nỗi nhớ nhà là khó khăn không tránh khỏi với một du học sinh. “Đặc biệt là vào mùa đông. Mùa đông bầu trời ảm đạm, cây cối đen thui trơ trụi, tiết trời lạnh giá. Mọi thứ đều khiến nỗi cô đơn trở nên khắc khoải hơn. Nhưng em cũng cảm thấy khi du học, có nhiều khoảng thời gian một mình, rất tuyệt để đối diện với chính mình, thấu hiểu bản thân và chiêm nghiệm cuộc sống” – Hà tâm sự.
Nước Pháp: Đẹp và ám ảnh
“Lần đầu tới vùng núi Grenoble, ấn tượng đầu tiên là nước Pháp thật đẹp. Em nhớ lần đầu đi xe buýt từ Lyon về Grenoble, dù rất mệt sau chuyến bay dài nhưng em mải ngắm cảnh núi non mà say sưa không ngủ được. Lúc đi học cũng rất thích, vì ngày nào cũng được ngắm cảnh núi. Những lần đi tàu dọc nước Pháp, em rất yêu những cánh đồng cỏ, đồng hoa hướng dương, những cánh đồng mà bó rơm cuốn được xếp tròn đều tăm tắp”.
Kiến trúc nhà cửa ở Pháp trong mắt em rất kiểu cách điệu đà, cổ kính, già nua. “Một nét đẹp của Pháp là các bảo tàng rất đa dạng phong phú, và thường miễn phí cho sinh viên. Bên cạnh bảo tàng nổi tiếng thế giới Louvre, với những bức tượng cổ Hy Lạp, La Mã, những bức họa thời Phục hưng, bức họa nàng Mona Lisa nổi tiếng… ở các thành phố khác đều có bảo tàng riêng, và thường xuyên có triển lãm bổ sung những đợt tranh hay đồ vật mới.
Ở Pháp rất chú trọng các hoạt động văn hóa. Dù ở các thành phố nhỏ, cũng thường có chương trình ca nhạc cổ điển miễn phí ở công viên, hay chương trình biểu diễn ánh sáng âm nhạc miễn phí cho cộng đồng” – Thái Hà chia sẻ.
Một hình ảnh rất đẹp thường thấy ở Pháp là có thể bắt gặp mọi người cầm đọc những cuốn sách dày ở bất cứ đâu: trên ghế đá, bãi cỏ, tàu điện, thậm chí là trên bãi biển. “Người Pháp mê đọc sách và thích sách giấy. Em thấy đó là hình ảnh đẹp, trong thời đại những chiếc smartphone đang lấn dần thú vui đọc sách”.
Một đặc tính thú vị và rất đẹp của người Pháp nữa là họ rất thích thời trang sang trọng. “Ngay cả những người già cũng ăn mặc rất có phong cách, và vẫn chọn những gam màu trẻ trung, chứ không chỉ trung thành với màu đen, tối. Vậy nên mặc dù nhiều người già nhưng trên đường phố vẫn cảm giác không khí trẻ trung”.
Mặc dù bị ấn tượng và chìm đắm với một nước Pháp đẹp mê hồn, nhưng cô gái 26 tuổi chia sẻ, vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh những người vô gia cư ở đất nước này. “Gia sản của họ chỉ có một chú chó và chiếc túi ngủ, nằm ở ven đường chống chọi với mùa đông khắc nghiệt. Hình ảnh đó như một góc khuất tối tăm, đối lập với ánh sáng lấp lánh của thành phố. Thời gian đầu, hình ảnh đó làm em luôn nghĩ tới câu ‘Thành phố hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo’. Cùng với sự thương cảm, xót xa, em cũng cảm thấy áp lực khi ngay giữa một quốc gia phát triển cũng không có sự đảm bảo cuộc sống đủ đầy cho tất cả. Em cảm thấy áp lực vì thấy cuộc sống ở đâu cũng khắc nghiệt và đòi hỏi con người luôn phải vươn lên và không đi sai đường”.
Tuy nhiên, cũng có những người vô gia cư mang lại cho Hà một suy tư khác. “Đó là khi thấy họ tụ tập, cùng nhau hát những bài ca yêu đời và cười đùa rất vui vẻ. Em đã sửng sốt và khâm phục sự lạc quan của họ. Thậm chí em đã nghĩ vào thời điểm đó không biết mình có hạnh phúc bằng họ không. Hạnh phúc có lẽ không phụ thuộc vào hoàn cảnh, mà vào cách mỗi người đối diện. Cho dù khó khăn cũng không đánh mất nụ cười. Hình ảnh những người vô gia cư cho em bài học đó”.