Sau đại gia Thái C.P., đến lượt người Pháp mở chuỗi nuôi lợn sạch ở Việt Nam

09/09/2016 08:30 AM | Kinh doanh

Mới đây, công ty thức ăn gia súc Neovia Vietnam vừa ký kết với Hội Chăn nuôi Việt Nam về thỏa thuận hướng đến việc hình thành một chuỗi chăn nuôi heo bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là một trong 2 thỏa thuận được ký kết sáng 7/9 tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp – Việt 2016 nhân sự kiện Tổng thống Pháp Francois Hollande sang thăm Việt Nam.

Cụ thể, công ty thức ăn gia súc Neovia Vietnam cùng 2 đối tác là tập đoàn Grimaud và công ty Le Boucher ký kết với Hội chăn nuôi Việt Nam với thỏa thuận xây dựng chuỗi chăn nuôi heo bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long mang tên: Heo đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Christophe Guillaume, Tổng giám đốc Neovia Vietnam, cho rằng Việt Nam là một trong những nước có sản lượng heo lớn nhất thế giới. Nuôi heo là lĩnh vực quan trọng trong chăn nuôi ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm sao để năng suất cao và đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.

3 công ty cam kết hỗ trợ triển khai chuẩn chất lượng cho quy trình sản xuất cũng như đối với các nhà chăn nuôi tham gia vào chuỗi. Chuỗi này sẽ được kiểm soát ở tất cả các bước nhằm đảm bảo tính an toàn và khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Việc đầu tư của các doanh nghiệp Pháp vào thị trường thịt heo đặt trong bối cảnh thịt ngoại đang được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn, cũng như yêu cầu ngày càng gia tăng về an toàn và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Nhu cầu thịt của Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà xuất khẩu. Với thịt heo, theo số liệu từ cơ quan chức năng, riêng trong năm ngoái, lượng thịt heo từ Canada vào Việt Nam tăng đến 230% so với năm trước đó.

Trước thịt heo Canada, người Việt cũng quá quen thuộc với các mặt hàng thịt ngoại như thịt bò Mỹ, bò Úc, thịt trâu Ấn Độ, thịt heo Brazil, xúc xích Pháp... Tại các hệ thống siêu thị như Lotte Mart, BigC hay Metro, thịt ngoại chất đầy ở các tủ đông. Trên mạng, cũng tràn ngập các trang web quảng cáo bán thịt ngoại.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, ngành chăn nuôi trong nước đang tăng trưởng bình quân 4-5% mỗi năm, với sản lượng 4,8 triệu tấn. Trong đó, lợn chiếm 74% tổng sản lượng. Tuy nhiên, đang có đến 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cung ứng một nửa sản lượng thịt cả nước.

“Chăn nuôi quy mô nhỏ còn nhiều. Năng suất và chất lượng vẫn còn hạn chế trong khi giá cả cao hơn khu vực và thế giới. Hoạt động kết nối chuỗi, kiểm soát an toàn thực phẩm, dịch bệnh… cũng đang là thách thức”, ông Dương chia sẻ.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, lý giải nguyên nhân thịt nhập ngoại đang tràn vào Việt Nam, là do giá thành chăn nuôi sản phẩm động vật của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của thế giới 25%-30%. Điều này đe dọa ngành chăn nuôi trong nước khi giá cao, chất lượng không đồng đều và nguồn gốc không rõ ràng.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng đa số người Việt vẫn thích ăn thịt tươi mới giết mổ hơn thịt đông lạnh. Một số nhà đầu tư khôn ngoan đã phát hiện ra thị trường thịt heo tiềm năng này, trong đó có Vissan hay Hòa Phát, C.P. của Thái Lan, và nay là các nhà đầu tư đến Pháp.

Neovia đến Việt Nam được hơn 20 năm và có nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm, chó, mèo, ngựa, cá biển.

Hiện công ty này có 6 nhà máy sản xuất tại Việt Nam (Hà Nội, Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Dương); 3 trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội, Đồng Nai và TP HCM; 6 kho trung chuyển; 3 trung tâm giống; 2 phòng kỹ thuật, 1 phòng thí nghiệm...

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM