Tâm sự của CEO của hãng thời trang tỷ đô: "Trở nên thực sự giàu có cũng là lúc tôi đánh mất tất cả"
“Trên thế giới ngày nay, tôi biết, rất nhiều người giàu nhưng cực khổ”, Daymond John chia sẻ
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khổ xuất thân từ khu ổ chuột Brooklyn, New York, Daymond John vẫn còn nhớ như in những ngày mùa đông giá rét không có lò sưởi. Sau khi người cha qua đời khi anh chỉ mới 10 tuổi, mẹ của John đã phải làm 2,3 việc cùng một lúc để trang trải các chi phí sinh hoạt của gia đình cho qua ngày.
Lần đầu tiên John cảm thấy hứng thú với mọi thứ là khi anh bước chân vào hiphop. Mặc dù âm nhạc đã trở thành nguồn động lực đưa anh đến với giới này, anh lại không biết hát, không biết nhảy, nhưng anh nhận ra mình có thể ăn mặc màu mè trước công chúng.
Bằng cách tham gia vào một thị trường ngách, công ty thời trang FUBU của John đã nhanh chóng phát triển thành một thương hiệu trị giá 6 tỷ USD. “Chúng tôi có tất cả mọi thứ”, John nói tại Forefront – sự kiện trực tuyến lớn nhất đầu tiên của cộng đồng “Tôi sẽ dạy cho bạn biết cách làm giàu” ở New York City.
Hoàn toàn đối lập với hình ảnh một cậu thiếu niên Daymond John tại Hollis, Queens, anh có gia đình, có nhà, có xe, có tiền. Anh cảm thấy yêu cuộc sống của mình hơn bao giờ hết: Làm việc cho bản thân, đi du lịch, tổ chức những bữa tiệc xa hoa cùng với những rapper nổi tiếng.
Nhưng, ở chính đỉnh cao sự nghiệp, cuộc sống cá nhân của John lại vỡ vụn trước mắt anh.
John trở thành một người cha luôn luôn vắng mặt. Anh sống tại Trung Quốc 6 tháng trong 1 năm để làm việc và một nửa năm còn lại thì say sưa bên những bàn tiệc thâu đêm với các nhân vật nổi tiếng và giới rapper.
“Vợ tôi nhìn thấy tôi trên TV nhiều hơn là ngoài đời, bởi tôi thường xuyên có mặt trong các đoạn video quảng cáo, ngoài ta thì tôi đi gặp mặt người này người kia. Tôi tập trung toàn lực vào công việc. Nhiều người trong chúng tôi mặc dù sống với gia đinh nhưng chẳng bao giờ gặp mặt gia đình”, John nói.
Khi anh bắt đầu trở thành tỷ phú, anh và gia đình mất toàn bộ liên lạc với cộng đồng. Trường hợp tiêu biểu là khi vợ của anh bị thương ở tay và cần được khâu lại, cô phàn nàn với người hàng xóm về vết thương. Nhưng không ngờ, thứ mà cô nhận lại là một thái độ lạnh nhạt đến rợn người. Người hàng xóm nói: “Sẽ không sao đâu, cô giàu có mà”.
Vợ của John đã phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn khi mà chồng cô liên tục bị chỉ trích là đã cướp việc của người khác khi mà anh đặt các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.
Trong khi vợ và con anh thường xuyên bị phân biệt đối xử, John lại là một người cha “vắng mặt cần mẫn”. Khi cô con gái út bị ngã xe đạp rất nặng, anh cũng không có mặt bên con gái. “Con bé không bao giờ đi xe đạp trở lại vì bố của nó đã an ủi nó qua điện thoại”.
Vợ của John nói anh là người chồng, người cha vô trách nhiệm. Cô đã rời bỏ anh và nói: “Anh không phải là người mà tôi đã từng đem lòng yêu thương”.
“Cô ấy đã lấy đi của tôi tất cả mọi thứ, trừ tiền. Tôi đã để tuột mất tình yêu và hai đứa con gái ngay trước mắt. Tôi đã không thể trở về nhà vào ngày lễ Giáng sinh, chăm chú xem hai cô con gái bé bỏng mở những món quà mà tôi đã mua cho chúng”, John chia sẻ.
Sau đó, John đã bắt đầu tham gia những buổi chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Năm 2015, John được chọn là đại sứ doanh nhân toàn cầu, nằm trong chương trình PAGE được tổ chức tại Nhà Trắng với nhiệm vụ làm việc, hỗ trợ các doanh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, John cũng tham gia vào sáng kiến của Tổng thống Obama định hướng và giúp đỡ thanh niên da mầu trong chương trình My Brother’s Keeper.
John bắt đầu định hình lại giá trị thực của giàu có. “Tiền không phải là thành công . Tiền chỉ là phương tiện để bạn giải quyết những vấn đề trong một chiếc Bugatti”, anh nói.
“Thành công có thể là rất nhiều thứ. Đó có thể là khi bạn chấm dứt được nạn buôn người, theo đuổi niềm tin, tiết kiệm khí thải trên trái đất. Đó cũng có thể là hoàn thành nghĩa vụ của một người chồng tốt, một người vợ tốt, một người cha tốt, một người mẹ tốt”.
“Trên thế giới ngày nay, tôi biết, rất nhiều người giàu nhưng cực khổ”, anh nói.