Tam quốc diễn nghĩa: Đối thủ ngang tài ngang sức với Khổng Minh sở hữu tên hiệu đáng sợ nhất trong Tứ linh

15/03/2019 20:30 PM | Sống

Vào thời cổ đại, việc đặt tên hiệu đã trở nên phổ biến tại Trung Hoa. Không chỉ được coi như biệt danh của một người, tên hiệu còn mang nhiều hàm nghĩa hết sức sâu sắc.

Thời xưa, ở Trung Quốc, tầng lớp quí tộc quan lại, ngoài họ tên chính thức do ông, bà, cha, mẹ đặt cho; khi lớn lên người ta thường đặt tên tự, tên hiệu và biệt hiệu.

Sách Từ nguyên mục Danh tự giải thích: Phiên âm (cổ đại quí tộc thủy sinh hữu danh, nhị thập tuế thành nhân, hành quán lễ hựu gia tự, hợp xưng danh tự. Hậu lai tại tự chi ngoại, hựu hữu hiệu, hợp xưng danh hiệu. Tự xưng dụng danh, biệt nhân vi biểu thị lễ kính, dụng tự hoặc hiệu tương xưng.

Tham duyệt Lễ, Đàn cung thượng: "Ấu danh, quán tự"). Dịch nghĩa (tầng lớp quí tộc thời xưa khi mới sinh thì đặt tên (danh), hai mươi tuổi trưởng thành thì làm lễ đội mũ và đặt thêm tên chữ (tự), gọi chung là danh tự.

Về sau ngoài tên tự lại đặt hiệu, gọi chung là danh hiệu. Tên (danh) dùng để tự xưng, còn người khác muốn biểu thị sự tôn kính người mình gọi, thường gọi bằng tên tự hoặc tên hiệu).

Tam quốc diễn nghĩa: Đối thủ ngang tài ngang sức với Khổng Minh sở hữu tên hiệu đáng sợ nhất trong Tứ linh - Ảnh 1.

Đặt tên hiệu là việc thường thấy trong lịch sử Trung Quốc.

Như vậy, người đời xưa thường có tên (danh), có tên chữ (tự) và có tên hiệu (hiệu), có người lại có cả biệt hiệu nữa.

Việc đặt tên tự, tên hiệu và biệt hiệu ban đầu được sử dụng trong tầng lớp quí tộc; sau này được mở rộng, không chỉ có ở tầng lớp quí tộc mà cả các tầng lớp khác trong xã hội , như: quan lại, nho sĩ, các bậc tao nhân mặc khách, v.v...

Tên (danh) là tên riêng do ông, bà, cha, mẹ đặt cho. Việc đặt tên cũng có những phép tắc nhất định, như thời nhà Chu, cách đặt tên của tầng lớp quí tộc được qui định: trẻ nhỏ thường phải sau khi sinh ra được 1 tháng hoặc 100 ngày mới được đặt tên (danh).

Thời cổ đại, tên người (danh) thường được đặt đơn giản và người ta lấy can chi đặt làm danh, đó có thể là có liên quan đến sự coi trọng thời gian của người đương thời.

Sau này, theo sự phát triển của văn hóa và ngôn ngữ văn tự, tên người ngày càng được đặt một cách phong phú hơn. Hoặc có người lại cố tình đặt cho con những tên xấu để cho phù hợp với sự quan niệm là dễ nuôi và không bị chết yểu.

Tên chữ (tự) thường là giải thích và bổ sung cho danh, giữa danh và tự có mối liên hệ chặt chẽ về ý nghĩa, biểu thị sự hô ứng và bổ sung cho danh, nên còn được gọi là biểu tự.

Tên tự được đặt khi đã thành niên và thường do cha mẹ hoặc bề trên đặt cho, cũng có khi do chính bản thân tự đặt. Việc đặt tên tự là chứng tỏ người đó bắt đầu được mọi người trong xã hội công nhận và tôn trọng.

Khi đặt tên tự, người ta thường căn cứ vào danh để chọn từ tương ứng mang ý nghĩa liên quan và phụ trợ cho danh, như: Gia Cát Lượng nhà Thục thời Tam quốc, tự là Khổng Minh (lượng là sáng còn khổng minh là rất sáng); Bao Chửng thời Bắc Tống, tự là Hy Nhân (chửng là cứu giúp còn hy nhân là mong làm điều nhân)...

Danh và tự của người xưa còn được dùng để chỉ quan hệ thứ bậc trong gia tộc, biểu thị anh em trong gia đình.

Tên hiệu (hiệu) là tên gọi được đặt khi người ta đã thực sự trưởng thành, các sĩ phu và văn nhân thời phong kiến thường có tên hiệu hoặc biệt hiệu của mình, như: Lý Bạch thời Đường lấy hiệu là Thanh Liên Cư sĩ, Đỗ Phủ thời Đường lấy hiệu là Thiếu Lăng Dã Lão…

Tên hiệu là do người sử dụng tự đặt, không hề bị chi phối bởi gia tộc, thứ bậc trong gia đình. Thông qua việc đặt tên hiệu, hoặc biệt hiệu, người ta có thể tự do gửi gắm tư tưởng và tình cảm, biểu lộ chí hướng và hoài bão, thể hiện sở thích của mình trong cuộc sống.

Việc đặt tên hiệu hoặc biệt hiệu đôi khi còn để mang dấu ấn địa phương, quê hương bản quán của mình.

Một người có thể thay đổi khá nhiều tên hiệu hoặc biệt hiệu, và thông qua sự thay đổi này có thể hiểu được quan niệm sống, tâm tư tình cảm và tư tưởng của người đó trong cuộc sống ở các thời kỳ khác nhau.

Trong khi đó, tên hiệu do người khác đặt có đôi khi chỉ là một trò đùa giỡn, nhưng nhiều lúc lại nêu bật lên những đặc điểm của chủ nhân tên gọi.

Nhìn lại giai đoạn lịch sử phức tạp của Trung Quốc thời Tam quốc, không khó để nhận thấy các nhân vật thuộc thời đại này hầu như đều sở hữu cho mình những tên hiệu hết sức đặc biệt.

Tứ linh có bốn, Thục Hán đã sở hữu ba

Là một trong những nhân vật nổi danh hàng đầu Tam quốc, Gia Cát Lượng sở hữu cho mình một tên hiệu rất tương xứng với tài năng và tính cách.

Nhắc tới vị quân sư này, mọi người không chỉ nhớ tới cái tên Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, mà còn nhớ ngay tới biệt hiệu "Ngọa Long" tiên sinh.

"Ngọa Long" trong tiếng Hán ngụ ý là rồng nằm. Vào thời cổ đại, rồng là biểu tượng cho bậc đế vương, nhưng con rồng trong tên hiệu của Khổng Minh lại say ngủ, không bay lượn trên bầu trời.

Biệt hiệu này tương đối phù hợp với tính cách cũng như tài năng của Gia Cát Lượng. Bởi luận về năng lực, Khổng Minh hoàn toàn có thể trở thành bậc đế vương.

Tuy vậy, ông lại không có ham muốn xưng đế mà một lòng dùng tài năng của mình để cúc cung tận tụy với quân chủ, làm tròn bổn phận bề tôi với nhà Thục Hán.

Cũng bởi tấm lòng ấy mà thần cơ diệu toán thời nhà Minh là Lưu Bá Ôn từng dùng một câu để ca ngợi "Ngọa Long" tiên sinh rằng: "Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả" (ý nói những người đi trước hay hậu thế sau này đều không ai sánh bằng Gia Cát Lượng).

Tam quốc diễn nghĩa: Đối thủ ngang tài ngang sức với Khổng Minh sở hữu tên hiệu đáng sợ nhất trong Tứ linh - Ảnh 2.

Tên hiệu "Ngọa Long" được đánh giá là rất phù hợp với tài năng và tính cách của Khổng Minh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh Khổng Minh, tập đoàn chính trị nhà Thục Hán còn có hai nhân vật mượn linh thú làm tên hiệu. Đó là Bàng Thống và Khương Duy.

Bàng Thống (178-214 đoản mệnh 36 tuổi), tự là Sĩ Nguyên là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông thường được người đời sau so sánh là tài năng ngang với Khổng Minh.

Sinh thời, Bàng Thống có biệt hiệu là "Phượng Sồ", ý chỉ chim phụng chưa trưởng thành, chưa mang dáng dấp của phượng hoàng.

Khương Duy (202-264), là một đại tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc. Ban đầu ông phục vụ Tào Ngụy như là một tùy tướng, nhưng sau đó đi theo Gia Cát Lượng về Thục Hán, để lại mẹ bên Ngụy.

Sau đó Khương Duy đã theo Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt tấn công nước Ngụy nhiều lần. Dưới quyền Gia Cát Lượng, Khương Duy được coi trọng và thăng tiến nhanh chóng.

Sau khi Gia Cát Lượng chết, Khương Duy vẫn được trọng dụng và cuối cùng trở thành phụ tá cho thừa tướng Phí Vĩ. Năm 253, sau khi Phí Vĩ chết, Khương Duy kế chức tuy nhiên không giữ nhiều quyền như Phí Vĩ, vì ông chỉ tập trung vào quyền lực quân sự.

Sinh thời, Khương Duy có biệt hiệu là "Ấu Kỳ", ngụ ý là kỳ lân chưa lớn.

Không chỉ mang ý nghĩa tích cực và khiêm tốn, tên hiệu của Khổng Minh, Bàng Thống và Khương Duy đều dùng hình tượng linh thú: Đó là rồng (Ngọa Long), phượng (Phượng Sồ) và lân (Ấu Kỳ).

Chưa bàn tới các nhân vật khác, chỉ với sự xuất hiện của Khổng Minh, Bàng Thống và Khương Duy, tập đoàn chính trị của Lưu Bị đã sở hữu ba trong tổng số bốn linh thú long – lân – quy – phụng.

Tam quốc diễn nghĩa: Đối thủ ngang tài ngang sức với Khổng Minh sở hữu tên hiệu đáng sợ nhất trong Tứ linh - Ảnh 3.

Tên hiệu của Bàng Thống, Khương Duy cũng xuất hiện hình tượng linh thú.

Nhìn nhận từ một khía cạnh bao quát hơn, có thể thấy ba tên hiệu này còn mang hàm nghĩa khác:

Nếu cả 3 nhân vật tài năng như Khổng Minh, Bàng Thống, Khương Duy cùng nhau tương hỗ, bầu trời Tam quốc lúc bấy giờ sẽ cùng lúc xuất hiện rồng bay trên trời, phượng hoàng niết bàn trùng sinh, kỳ lân thành hình.

Sở hữu tên hiệu đáng sợ nhất trong Tứ linh

Nếu biệt hiệu "Ngọa Long" của Khổng Minh đã trở nên quen thuộc với nhiều người, thì tên hiệu của đối thủ ngang tài ngang sức với ông là Tư Mã Ý lại không được mấy người biết tới.

Ít ai biết rằng, Tư Mã Ý cũng có tên hiệu, người đời gọi bằng hai chữ - "Chủng Hổ".

Biệt hiệu này nghĩa cũng như tên: Chữ "Chủng" trong tiếng Trung dùng để chỉ mồ mả, mộ phần, cũng có thể hiểu là những nơi vắng lặng, còn "Hổ" chính là loài vật dữ dằn, hung ác được mệnh danh là chúa sơn lâm.

Nếu đi vào phân tích sâu hơn, có thể thấy tên hiệu của Tư Mã Ý vô cùng phù hợp với tính cách và cuộc đời của nhân vật này.

Chúng ta đều nghĩ rằng, hổ xuất hiện ở những nơi hoang vắng, ít người sinh sống thì cũng không thể gây ra nguy hiểm gì quá lớn.

Nhưng điều đáng sợ nằm ở chỗ, giữa lúc đêm khuya thanh vắng, con hổ ấy lại có thể lẳng lặng đi tới những nơi khác, thậm chí lấy mạng người một cách âm thầm đến mức "thần không biết, quỷ không hay".

Từ đó có thể suy luận, tên hiệu của Tư Mã Ý vốn dùng để thay cho một lời cảnh báo : "Tai vạ trước sau cũng sẽ phát sinh, chớ dại khinh thường!".

Tam quốc diễn nghĩa: Đối thủ ngang tài ngang sức với Khổng Minh sở hữu tên hiệu đáng sợ nhất trong Tứ linh - Ảnh 4.

Khác với hình tượng con rồng trong tên hiệu của Khổng Minh, tên hiệu của Tư Mã Ý lại có sự xuất hiện của một linh vật khác. Đó chính là hổ - loài vật được mệnh danh là chúa sơn lâm.

Tên hiệu này vốn được tổng kết từ tính cách và cuộc đời của Tư Mã, gắn kết nhiều tính cách nổi bật của nhân vật này như ẩn nhẫn, tùy cơ ứng biến, mưu kế đa đoan, hành động nhanh chóng, làm ra những việc ngoài sức tưởng tượng, thậm chí nhiều lần còn có thể đưa ra một đòn chí mạng cho đối thủ.

Nhìn lại lịch sử Tam quốc, sau gần một thế kỷ chiến loạn rối ren, quần hùng tranh bá, Tư Mã Ý chính là người đã phá vỡ cục diện chân vạc, sau một khoảng thời gian dài nhẫn nhịn Tào Sảng để chờ thời cơ, ông đã tiến hành một cuộc lật đổ ngoạn mục vào năm 249, khiến hoàng đế Nguỵ chỉ còn tồn tại trên lý thuyết.

Từ đó vị trí quyền lực nhất của ông trong triều đình nhà Ngụy đã tiếp tục được chuyển giao cho hai con ông là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu nắm quyền lực thực tế của nhà Ngụy, tạo tiền đề cho cháu của ông là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, thành lập nhà Tấn, thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời kỳ Tam quốc.

Tam quốc diễn nghĩa: Đối thủ ngang tài ngang sức với Khổng Minh sở hữu tên hiệu đáng sợ nhất trong Tứ linh - Ảnh 5.

Thông qua sự thật lịch sử trên, có thể khẳng định biệt hiệu "Chủng Hổ" quả thực xứng đáng với Tư Mã Ý.

Quốc Tiệp

Cùng chuyên mục
XEM