Tạm giam Ngọc Trinh... bài học cảnh tỉnh!

20/10/2023 10:04 AM | Sống

Vụ án của Ngọc Trinh sẽ là bài học cho các nghệ sĩ trong việc thực hiện các hoạt động nghệ thuật, thể thao, giải trí và đưa các thông tin lên không gian mạng.

Hôm qua (ngày 19/10), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC01) đã ra quyết định khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng", "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi, ngụ quận 7) về tội "gây rối trật tự công cộng" (quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự).

Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và bắt tạm giam đối với Trần Xuân Đông (36 tuổi, ngụ quận 4) về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và gây rối trật tự công cộng (quy định tại điều 314, 318 Bộ luật Hình sự).

Tạm giam Ngọc Trinh... Có cần thiết hay không ? - Ảnh 1.

Có thể thấy, Ngọc Trinh là người trực tiếp vi phạm nhưng bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng và bắt tạm giam đối với Ngọc Trinh là khá bất ngờ với nhiều người. 

Bình luận về vấn đề này, Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố Ngọc Trinh về tội gây rối trật tự công cộng là không sai nhưng có phần nghiêm khắc. Với những thông tin đăng tải trên mạng xã hội cho thấy Ngọc Trinh đã thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn mà không có giấy phép lái xe phù hợp, gây phản cảm. 

Ngoài ra, cô gái này còn đăng tải những hình ảnh, clip này lên mạng xã hội với nhiều người theo dõi nên có thể gây ra những tác động tiêu cực về tâm lý cho giới trẻ trong xã hội. 

"Nếu chỉ là hành vi vi phạm về giao thông đường bộ của một người bình thường thì có thể xử phạt hành chính là phù hợp. Tuy nhiên, có lẽ cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá Ngọc Trinh là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng xã hội, hành vi của những nghệ sĩ, những người nổi tiếng sẽ dễ tác động trực tiếp đến tâm lý, hành động, thói quen của giới trẻ. 

Bởi vậy hành vi vi phạm pháp luật của người nổi tiếng có thể gây ra dư luận xấu, có thể tác động đến tâm lý của nhiều người theo hướng tiêu cực nên đã xử lý quyết liệt hành vi này để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", luật sư Cường cho hay.

Tạm giam Ngọc Trinh... Có cần thiết hay không ? - Ảnh 2.

Cũng theo ông Đặng Văn Cường, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi gây rối trật tự công cộng có hai loại chế tài là chế tài hành chính và chế tài hình sự. 

Với những hành vi gây rối trật tự công cộng mà hậu quả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội là người vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Đây là quy định có tính chất định tính chứ không định lượng, hành vi có "ảnh hưởng xấu" hay không là do quan điểm đánh giá của cơ quan chức năng. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có suy nghĩ rất đơn giản là hành vi của mình cùng lắm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà không biết rằng cơ quan chức năng có thể đánh giá đó là hành vi ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý bằng chế tài hình sự.

Thế nào là hành vi gây rối trật tự công cộng?

Về mặt pháp lý thì trật tự công cộng là trật tự được thiết lập trên cơ sở văn hóa, đạo đức, quy tắc sinh hoạt cộng đồng và các quy định của pháp luật. Trật tự công cộng đảm bảo cho mọi người được an toàn nơi công cộng, hoạt động giao thông được diễn ra bình thường, cơ quan, tổ chức được hoạt động bình thường trong quần khổ pháp luật. Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi làm cho các hoạt động nơi công cộng không được đảm bảo theo trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, có thể gây ách tắc giao thông, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc các hành vi gây hậu quả phi vật chất khác...

Bởi vậy, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi phạm vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm (thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi có lỗi cố ý gây hậu quả mất ổn định, phá vỡ trật tự nơi công cộng có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi gây rối trật tự công cộng có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. 

Trong thực tế thì hành vi gây rối trật tự công cộng rất đa dạng, pháp luật không sử dụng phương pháp liệt kê, mà các quy định và hướng dẫn có tính chất mô tả chung. Hành vi gây rối trật tự công cộng là những hành vi diễn ra nơi công cộng, có thể là đua xe trái phép, vi phạm trật tự an toàn giao thông, điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, chửi bới, la hét, đánh nhau, đập phá nơi công cộng, gây rối tại trụ sở các cơ quan nhà nước, rạp hát, sân bóng, ga tàu điện, bến xe hoặc những nơi công cộng khác... hoặc có các hành vi khác nơi công cộng gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây ra những hậu quả thiệt hại vật chất hoặc thiệt hại phi vật chất.

Chế tài hành chính đối với hành vi gây rối trật tự công cộng

Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, hậu quả chưa dẫn đến chết người, chưa ách tắc giao thông nghiêm trọng, chưa gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác đến 61 % hoặc chưa được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, với mức phạt thấp nhất là 300.000 đồng, mức phạt cao nhất là 40.000.000 đồng. 

"4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;".

Pháp luật hình sự thay đổi theo hướng dễ dàng xử lý hình sự đối với các hành vi gây rối trật tự công cộng. Theo đó Điều 245 bộ luật hình sự 1999 đã được sửa đổi thành Điều 318 bộ luật hình sự 2015 theo hướng dễ xử lý hình sự hơn đối với các hành vi gây rối trật tự công cộng. 

Sửa đổi bộ luật hình sự khiến việc xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng dễ dàng hơn với cơ quan tiến hành tố tụng

Trước đây điều 245 bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Hậu quả nghiêm trọng được nghị quyết của hội đồng thẩm phán hướng dẫn là phải gây ra hậu quả chết người hoặc thương tích cho người khác 61 % trở lên, gây thiệt hại đến tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên, gây ách tắc giao thông dưới 2 giờ, khiến cho cơ quan tổ chức không thể hoạt động được nữa... hoặc người vi phạm đã bị xử phạt hành chính, đã kết án mà còn vi phạm thì người vi phạm mới bị xử lý hình sự. Còn trường hợp chưa gây ra những hậu quả vật chất theo hướng dẫn thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Tuy nhiên, với bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đạt áp dụng hiện nay thì hành vi gây rối trật tự công cộng được mở rộng theo hướng tùy nghi cho cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng chế tài hình sự nên không còn quy định "hậu quả nghiêm trọng" bằng những con số định định lượng như luật cũ và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán trước đây, chỉ cần hành vi được xác định là "ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội" là có thể xử lý hình sự. Hành vi gây rối trật tự công cộng có ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hay không là hậu quả có tính chất định tính và ldo cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá. Chính vì vậy việc xử lý hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng hiện nay là rất dễ dàng và theo hướng tùy nghi dựa trên đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan chức năng.

Cụ thể, bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Luật sư Cường cũng cho rằng, việc tạm giam với người mẫu Ngọc Trinh cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Với thông tin diễn biến ban đầu như vậy thì có thể Ngọc Trinh chỉ bị khởi tố theo khoản 1, Điều 318 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9, Bộ luật hình sự. Trong trường hợp bị kết tội về tội danh này thì hình phạt cao nhất đến 02 năm tù, trừ trường hợp bị can, bị cáo còn phạm tội khác (nếu có).

Điều đáng chú ý trong vụ án này, là cơ quan điều tra khởi tố Ngọc Trinh về tội gây rối trật tự công cộng mà lại áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can điều tra. Thông thường đối với các tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thì mặc nhiên sẽ không tạm giam, chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi khởi tố bị can. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giam với các bị can bị khởi tố về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng nếu như bị can không có nơi cư trú rõ ràng, có dấu hiệu bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra...

Tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là các biện pháp ngăn chặn bị can để thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Nếu bị áp dụng biện pháp tạm giam thì bị can sẽ bị giam giữ, bị cách ly với đời sống xã hội trong thời gian tiến hành tố tụng. Còn nếu áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì bị can vẫn được ăn ở sinh hoạt bình thường tại nhà, tại nơi cư trú của mình và chỉ có mặt khi cơ quan điều tra yêu cầu. 

Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo trong những trường hợp sau: Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cần trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kì nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc là người già yếu, người đang bệnh nặng, có nơi cư trú rõ ràng thì không bị tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng nếu không tạm giam thì người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì mới tạm giam họ.

Tạm giam Ngọc Trinh... Có cần thiết hay không ? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường.

"Trường hợp Ngọc Trinh bị điều tra theo khoản 2, Điều 318 (hình phạt trên 02 năm tù) và có căn cứ cho thấy nếu không tạm giam thì bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra thì cơ quan điều tra mới tiến hành tạm giam để điều tra theo quy định pháp luật. Nếu không đồng ý với quyết định tạm giam thì Ngọc Trinh có quyền khiếu nại đối với quyết định này. 

Cơ quan điều tra cũng sẽ giải thích và làm rõ Ngọc Trinh đã bị khởi tố theo khoản nào của điều luật, thuộc tội ít nghiêm trọng hay tội nghiêm trọng và căn cứ để tạm giam trong trường hợp này, nếu giải thích không thỏa đáng, không đồng ý với quyết định tạm giam thì bị can có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. 

Trong quá trình điều tra vụ án nếu Ngọc Trinh không còn hành vi phạm tội khác, hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn không có giấy phép lái xe phù hợp, hình ảnh phản cảm, đăng tải lên mạng xã hội gây ra những dư luận trái chiều được xác định chỉ vi phạm theo khoản 1, Điều 318 BLHS (hình phạt không quá 02 năm tù) thì có lẽ cơ quan điều tra sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú cho phù hợp với quy định của pháp luật ( Điều Điều 119 BLTTHS) đảm bảo hoạt động điều tra được tiến hành một cách khách quan, đúng pháp luật. 

Việc xử lý hình sự trong trường hợp này có tính răn đe mạnh mẽ đối với những người nổi tiếng trong xã hội", ông Cường nói.

Trong vụ án này, có lẽ căn cứ vào văn bản kiến nghị của chính quyền địa phương và của các cơ quan chức năng trên cơ sở đánh giá những tác động tiêu cực từ hành vi vi phạm giao thông đường bộ đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội nên cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết liệt xử lý, xác định hành vi là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với nữ diễn viên người mẫu này. 

"Với những người nổi tiếng, được coi là người của công chúng thì những hành vi ứng xử đòi hỏi phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, phù hợp với văn hóa, với thuần phong mỹ tục và đặc biệt là phải phù hợp với các quy định của pháp luật để tránh hành vi của người nổi tiếng không phù hợp với chuẩn mực xã hội gây ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, tạo ra những quan điểm sống, lối sống lệch lạc, ảnh hưởng đến nhận thức và hình thành nhân cách của giới trẻ. Bởi vậy, vụ án này có lẽ sẽ là bài học cho các nghệ sĩ trong việc thực hiện các hoạt động nghệ thuật, thể thao, giải trí và đưa các thông tin lên không gian mạng", luật sư Cường bình luận.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM