Tài xế "náo loạn" khi tòa tuyên Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng
HĐXX cho rằng thời gian qua Grab kinh doanh vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun có căn cứ. Tuy nhiên, HĐXX chỉ chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện, buộc Grab phải bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng.
Ngày 28/12, TAND TP HCM phán quyết vụ án vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng.
HĐXX nhận định đây là vụ án kinh doanh thương mại, Vinasun khởi kiện yêu cầu bồi thường là khởi kiện ngoài hợp đồng. Trong khi đó, Grab là công ty nước ngoài nên vụ kiện là thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP HCM.
Sau khi nghị án, HĐXX đã khẳng định Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng loại hình taxi nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh vận tải loại hình này. HĐXX chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng. Số tiền yêu cầu bồi thường còn lại hơn 36 tỷ đồng không được tòa chấp nhận.
Bên cạnh đó, tòa kiến nghị bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có thẩm quyền xem xét Grab là loại hình dịch vụ kinh doanh vận tải để quản lý đúng theo quy định pháp luật. Kiến nghị Bộ Tài chính quản lý giá cước, thuế của Grab theo quy định. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo Grab thực hiện đóng bảo hiểm cho các tài xế...
HĐXX cho rằng Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng loại hình taxi.
Grab kinh doanh vi phạm pháp luật
Theo HĐXX, việc Grab yêu cầu hoãn phiên xử để triệu tập công ty giám định Cửu Long, đại diện Bộ Giao thông Vận tải không phải là điều bắt buộc nên HĐXX quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.
HĐXX dẫn định một vụ kiện Uber ở Châu Âu, khẳng định hoạt động của Grab là hoạt động kinh doanh vận tải chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh phần mềm gọi xe. Grab đã trực tiếp kinh doanh taxi, điều chỉnh giá bán, khuyến mãi, thưởng điểm cho tài xế,…Grab cho rằng tài xế thuộc Hợp tác xã quản lý nhưng phải thừa nhận có xử phạt tài xế. Điều này trái với Đề án 24 của chính phủ.
Ngoài ra, việc tài xế khi đăng ký và hoàn toàn làm việc với Grab chứ không có đơn vị vận tải nào khác. Điều này tòa nhận định dựa vào biên bản lời khai của đơn vị vận tải và tài xế. HĐXX cho rằng theo quy định thì tài xế phải có bảo hiểm và đáp ứng các yêu cầu đảm bảo.
Khi khách hàng gọi xe thì khách hàng chi trả vào tài khoản của Grab, điều này cho thấy chi phí này thuộc về phần mềm dịch vụ của Grab chứ không phải đơn vị kinh doanh vận tải.
Tại tòa, HĐXX có hỏi Grab về mức chiết khấu về quãng đường khác nhau trong khi cùng một điều kiện nhưng Grab không trả lời được. Điều này cho thấy Grab chủ động điều chỉnh mức chiết khấu. Giao dịch của Grab không phải là hợp đồng điện tử như Grab nói, bởi vì không có điều khoản cơ bản, quyền nghĩa vụ của hai bên, chữ ký của các chủ thể, không có phương thức giải quyết tranh chấp,...
Từ những điều này cho thấy việc Grab cho rằng công ty này chỉ hoạt động cung ứng phần mềm là không có cơ sở chấp nhận. Hoạt động Grab đã và đang thực hiện là hoạt động kinh doanh vận tải taxi.
Nhiều tài xế Vinasun tập trung hô hào tại sân tòa.
"Việc Vinasun khởi kiện cho rằng thời gian qua Grab kinh doanh vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ. Tuy nhiên, cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab và hậu quả gây ra....
Mô hình hoạt động của Grab có tỉ lệ thất thu thuế cao dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng, lành mạnh. Quyền lợi của các tài xế chưa được đảm bảo, không có bảo hiểm, không có cơ chế phúc lợi xã hội...", HĐXX nhận định.
Đề xuất kiến nghị xây dựng lại khung pháp lý
Trong phần phát biểu quan điểm trước đó, đại diện VKSND TP HCM cho rằng HĐXX đã thực hiện các giai đoạn tố tụng và xét xử, đúng quy định của pháp luật.
Việc công ty giám định Cửu Long đã được triệu tập nhiều lần nhưng không đến, mặc dù được tòa chỉ định và nhiều lần triệu tập, cơ quan công tố cho rằng điều này là vi phạm pháp luật.
Theo nhận định của VKS, con số thiệt hại thực tế thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường của Vinasun. Tuy nhiên Vinasun không đưa ra được những căn cứ chứng minh được toàn bộ thiệt hại là do Grab gây ra. Do đó, VKS cho rằng không đủ cơ sở để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun là buộc Grab phải bồi thường 41,2 tỷ đồng.
Đồng thời, VKS sẽ báo cáo đề xuất với VKSND Tối cao để có kiến nghị Bộ GTVT, các bộ ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải tạo sự công bằng cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
Sau phần đề nghị của VKS, hàng trăm tài xế Vinasun tràn vào bên trong cổng tòa. Họ cùng nhau hô hào và giơ cao nhiều băng rôn, bảng hiệu. Nhiều tài xế còn cùng nhau ca một bài hát được chuẩn bị sẵn, bất chấp sự can thiệp của lực lượng bảo vệ.
Nhiều tài xế Vinasun tập trung ca hát giữa sân tòa.
Cuộc hòa giải bất thành
Trước đó, vào 31/10, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa khi 2 bên đương sự có đề nghị xin thêm thời gian để ngồi lại đàm phán. Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định chấp nhận tạm dừng phiên tòa theo đề nghị của 2 bên.
Trong phần xét hỏi cách đây 2 ngày, hai bên đương sự cho biết đã hòa giải bất thành do không thống nhất được quan điểm nên tòa buộc phải tiếp tục xét xử vụ kiện theo quy định pháp luật.
Vinasun không chấp nhận phương án bán cổ phần chênh lệch 65 tỷ đồng cho phía Grab.
Cụ thể, phía Grab đưa ra để yêu cầu hòa giải là chấp nhận lỗ để mua lại 5% cổ phần của Vinasun với giá chênh lệch gần 65 tỷ đồng. Phía Vinasun cho rằng nội dung hòa giải không liên quan đến nội dung vụ án, không gắn với mối quan hệ nhân quả nên không chấp nhận.
"Chúng tôi không phải vì khoản tiền đó mà mục đích khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để làm rõ được các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab, mối quan hệ nhân quả của hành vi này với thiệt hại…
Đây là lợi ích của đất nước, cùa quốc gia với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Vì vậy, nếu Grab đồng ý trả 41,2 tỷ, chúng tôi cũng không đồng ý" - ông Trương Đình Quý, đại diện Vinasun khẳng định.
Trong khi đó, đại diện Grab cũng cho rằng Vinasun không khởi kiện vì mục đích thương mại, bởi Grab có thể đưa ra nhièu giải pháp có lợi cho đơn vị này. "Mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới. Đây là mấu chốt của vấn đề" - Đại diện của Grab khẳng định tại phiên xử.
Tháng 6 năm ngoái, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải, nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Vinasun cho rằng, hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.
Phía Grab cho rằng, tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Họ không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra.
Nhiều lần tại tòa, Grab bác bỏ kết quả giám định thiệt hại của Vinasun mà Công ty Cửu Long đưa ra "vì không có cơ sở". Bị đơn cũng công bố nghiên cứu thị trường cho thấy Vinasun mất khách hàng đến từ nhiều nguyên nhân như: thái độ của tài xế, thời gian chờ xe lâu, chất lượng xe...
Hồi tháng 10, sau một tuần xét xử, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường gần 42 tỷ. Tòa dự kiến tuyên án vào 29/10, nhưng sau đó bất ngờ trở lại phần xét hỏi để làm rõ thiệt hại của Vinasun.