Tài xế công nghệ ở Mỹ được coi là nhân viên chính thức?
Thẩm phán Ethan Schulman chia sẻ rằng, xã hội sẽ bị tổn hại nếu tài xế công nghệ không nhận được các quyền lợi như lương tối thiểu, trợ cấp nghỉ ốm hoặc chăm sóc người thân, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm an toàn lao động.
Một tòa án ở bang California (Mỹ) vừa tuyên bố rằng, các nền tảng gọi xe như Uber và Lyft không thể coi tài xế của họ là người làm theo dạng hợp đồng. Thay vào đó, các tài xế công nghệ cần trở thành nhân viên chính thức.
Uber và Lyft bị buộc tội vi phạm đạo luật mới của bang California mang tên “Assembly Bill 5”, trong đó yêu cầu các công ty đối đãi với người lao động như nhân viên chính thức nếu kiểm soát cách họ làm việc, hoặc công việc là một phần thường nhật của người lao động.
Thẩm phán Ethan Schulman, người ra phán quyết, chia sẻ rằng xã hội sẽ bị tổn hại nếu tài xế công nghệ không nhận được các quyền lợi của nhân viên như lương tối thiểu, trợ cấp nghỉ ốm hoặc chăm sóc người thân, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm an toàn lao động.
Luật sư Mike Feuer của thành phố Los Angeles nhận định: “Đây là một chiến thắng vang dội cho hàng nghìn tài xế Uber và Lyft, những người đang làm việc chăm chỉ, hơn nữa trong đại dịch này đang hàng ngày phải gánh chịu rủi ro để nuôi sống gia đình”.
Lyft cho biết sẽ kháng cáo. Nền tảng này khẳng định: “Các tài xế không muốn trở thành nhân viên. Chúng tôi tin rằng vấn đề này sẽ do cử tri California bỏ phiếu quyết định, họ sẽ đồng tình quan điểm đó với các tài xế”.
Uber chưa bình luận gì về phán quyết của tòa. Nhưng nhìn chung, California là thị trường lớn nhất của Uber và Lyft ở Mỹ.
Ngoài các nền tảng gọi xe, các nền tảng công nghệ khác bao gồm ứng dụng giao đồ ăn cũng bị ảnh hưởng bởi đạo luật mới của bang California, kể từ khi đạo luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.