Tại sao Việt Nam là "thiên đường" của chuyên gia ngoại, đến cựu Phó Thủ tướng Đức cũng chọn làm nơi lập nghiệp mới?

22/08/2019 14:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Khảo sát mới nhất của Navigos Group cho biết Việt Nam đứng đầu danh sách các quốc gia Đông Nam Á về điểm đến cho nhân sự nước ngoài. Lối sống, văn hoá, con người... là những yếu tố hàng đầu giúp đất nước hình chữ S ghi điểm với cộng đồng quốc tế.

Đầu năm 2019, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam chào đón tin vui khi TS. Philipp Roesler, người Đức gốc Việt, nguyên Phó Thủ tướng Đức đã nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures. Lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, như lý giải của ông Philipp Roesler là bởi tiềm năng lớn từ cộng đồng khởi nghiệp Việt. Nó trùng khớp với đam mê của ông.

Cựu Phó Thủ tướng Đức cũng không phải là người nước ngoài duy nhất bị Việt Nam "hấp dẫn". Ngày càng có nhiều chuyên gia quốc tế chọn Việt Nam như một điểm đến sự nghiệp.

Theo khảo sát mới nhất của Navigos Group, Việt Nam hiện đứng đầu danh sách các quốc gia Đông Nam Á về thu hút nhân lực quốc tế. 30% người được hỏi cho biết sẽ chọn Việt Nam, trong khi đó, Singapore chỉ đạt 24%, Thái Lan là 17%.

Trong số đó, 18% chuyên gia ngoại quốc này cho biết Việt Nam cho họ những trải nghiệm mới trong công việc và cuộc sống. 17% cho rằng có thu nhập cao hơn so với nước họ đang sống và chi phí cho mức sống thấp hơn. 17% quan tâm đến sự ổn định, an toàn về mặt địa lý, chính trị.

Ngân hàng HSBC trước đó cũng nhận định tương tự khi cho biết Việt Nam đang được xem là một điểm đến lý tưởng cho nhân sự nước ngoài. Trong năm 2018, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng các điểm đến làm việc cho người ngoại quốc tăng lên 5 bậc, từ 23 lên 19. Mức lương cho chuyên gia ngoại hiện đang ở mức 90.408 USD/năm, trong đó, 31% cho biết thu nhập của họ tăng từ 25% trở lên mỗi năm.

Việt Nam cũng đứng đầu thế giới với gần 3/4 (72%) chuyên gia cho biết việc chuyển đến Việt Nam giúp họ tiết kiệm nhiều hơn. Khoảng 72% người cũng nói rằng họ có thu nhập khả dụng cao hơn nhiều so với khi làm việc ở quê nhà.

Hơn một nửa chuyên gia nước ngoài (55%) làm việc tại Việt Nam nói rằng họ có nhiều kỳ nghỉ hơn. Nhiều người có nơi ở tiện nghi hơn (khoảng 41%), có người giúp việc (khoảng 39%) và chi tiêu nhiều hơn cho chuyện học hành của con cái (khoảng 16%).

47% chuyên gia nước ngoài cũng đồng ý rằng Việt Nam là điểm đến thích hợp để phát triển nghề nghiệp.

Gói tuyển dụng chuyên gia thường đi kèm nhiều ưu đãi. Đa số người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động như:  73% nhận được trợ cấp y tế và chăm sóc sức khỏe, 57% nhận trợ cấp thăm nhà hoặc vé máy bay, và 42% có trợ cấp chỗ ở so với mức trung bình toàn cầu tương ứng 43%, 17% và 18%.

Làm việc tại Việt Nam, theo các chuyên gia nước ngoài cũng ít căng thẳng hơn so với ở quê nhà khi gần 40% người nói họ cảm thấy rất vui vẻ khi làm việc ở Việt Nam. 92% người nước ngoài ở Việt Nam nói họ thấy vui hoặc vui hơn khi làm việc tại Việt Nam so với tại quê hương.

Theo Hà Thư

Cùng chuyên mục
XEM