Tại sao việc biết thu nhập của đồng nghiệp có thể là một điều tốt? Bạn có biết con số đó không?
Bạn có muốn biết đồng nghiệp kiếm được bao nhiêu không? Nếu họ biết mức lương của bạn thì sao?
Hóa ra, các bạn đều có thể đạt được lợi ích từ việc cởi mở về thu nhập, theo dữ liệu mới đây chỉ ra vai trò trực tiếp của tính minh bạch trong việc giải quyết chênh lệch mức lương cố định.
Trong một nghiên cứu của 100.000 học giả Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu Tomasz Obloj của HEC Paris và Todd Zenger đến từ trường Đại học kinh doanh Utah đã so sánh mức lương của họ trong hơn 14 năm và nhận thấy rằng việc trả lương minh bạch (hiện nay đã phổ biến đối với các trường đại học/cao đẳng ở nhiều bang) có tác động lớn đến cả việc trả lương công bằng lẫn trả lương bình đẳng.
Trả lương công bằng đề cập đến cách mà các cá nhân được trả lương xứng đáng, không có sự thiên vị, đặc biệt là liên quan đến giới tính; trong khi đó, trả lương bình đẳng đề cập đến cách các cá nhân đó được trả lương so với các đồng nghiệp của họ trong cùng một tổ chức hoặc trong cùng một ngành nghề.
Đáng chú ý nhất là, người ta phát hiện ra rằng sự bất bình đẳng trong trả lương - cụ thể là chênh lệch về lương theo giới tính - đã giảm tới 45% trong các tổ chức minh bạch so với những tổ chức không tiết lộ dữ liệu như vậy. Và bất bình đẳng trong việc trả lương đã giảm khoảng 20% khi các chính sách chi trả minh bạch được áp dụng.
Nghiên cứu sẽ được xuất bản vào cuối năm nay trên tạp chí "Nature Human Behavior", lưu tâm đến cuộc tranh luận rằng tính minh bạch trong lương thưởng khiến các nhà tuyển dụng khó mà trả lương bất công cho nhân viên của họ hơn. Chỉ trong tuần này, một cựu nhân viên BNP Paribas đã giành được khoản tiền đền bù 2 triệu bảng Anh ( ~ 2,7 triệu USD) bồi thường cho sự phân biệt giới tính sau khi biết rằng cô ấy được trả ít hơn 85% so với đồng nghiệp nam cho một vị trí tương đương.
Báo cáo cho biết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy sự minh bạch trong việc trả lương có tác động mạnh mẽ và đáng kể trên khía cạnh kinh tế trong việc giảm thiểu bất bình đẳng và sự bất công về lương, bao gồm cả giới tính"
Ba kết quả có thể xảy ra
Báo cáo cho thấy: Sự minh bạch về lương cao hơn dẫn đến ba kết quả có thể xảy ra.
Thứ nhất, người tuyển dụng có thể điều chỉnh mức lương của những người được trả lương quá thấp và trả lương quá cao. Thứ hai, các cá nhân có thể tìm việc làm ở nơi khác dựa trên những bất công về tiền lương, khiến những người tuyển dụng lao động phải đánh giá lại mức lương của họ. Thứ ba, mối tương quan giữa hiệu suất và tiền lương có thể bị suy yếu.
Kết quả sẽ ra sao? Báo cáo cho biết việc phân bổ lương trở nên "công bằng hơn, bình đẳng hơn và ít phân biệt đối xử hơn ".
Báo cáo cho biết thêm: "Sự minh bạch trong việc trả lương dường như tạo áp lực cho những người chi trả lương để khắc phục mạnh mẽ hơn những bất bình đẳng trong việc phân bổ tiền lương".
Phản ứng chống đối việc trả lương minh bạch
Tuy nhiên, phản ứng chống lại việc trả lương minh bạch vẫn còn mạnh mẽ, đặc biệt là trong doanh nghiệp tư nhân.
Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng những chính sách như vậy sẽ làm giảm mức độ tương quan giữa lương với năng suất công việc, khiến việc thu hút và thúc đẩy những nhân tài hàng đầu trở nên khó khăn hơn. Sự thật là vậy, một nghiên cứu với các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ cho thấy 41% người tham gia nghiên cứu không khuyến khích nhân viên chia sẻ thông tin về mức lương với đồng nghiệp của họ, khoảng 25% dứt khoát cấm điều đó trong việc nỗ lực duy trì các hệ thống hiện tại.
Chính báo cáo cũng chỉ ra rằng khi lương được công bố một cách công khai, mối liên kết giữa mức lương và năng suất làm việc đã giảm đi khoảng 40%. Tuy nhiên, nó nói thêm rằng sự thay đổi về số liệu hiệu suất chỉ đơn giản là có thể dẫn đến sự thay đổi từ các dự án cá nhân/ riêng lẻ hướng đến các công việc có sự hợp tác, công việc làm nhóm nhiều hơn, mà không ảnh hưởng đến năng suất.