Tại sao Trung Quốc lại bị ảnh hưởng bởi EVFTA?

05/07/2019 10:01 AM | Kinh tế vĩ mô

South China Morning Post trích lời chuyên gia kinh tế: "Từ quan điểm chiến lược kinh doanh, Việt Nam thực sự là một địa điểm sản xuất tốt mà mọi người đang tìm kiếm lợi thế với EVFTA".

Theo South China Morning Post, các nhà phân tích cho biết Việt Nam sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng dòng vốn FDI mới sau khi ký EVFTA, rất có thể là được chuyển sang từ Trung Quốc.

Giờ đây, những công ty Trung Quốc muốn tìm cách xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) càng có cơ sở để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Các công ty châu Âu tìm kiếm nguồn lực sản xuất chi phí thấp cũng sẽ đổ về Việt Nam và có khả năng bỏ qua các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng tại MeKong Economics cho biết thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh sự chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam: "Nguyên nhân chính đằng sau điều này là tiền lương và các chi phí tăng cao ở Trung Quốc, phần nhỏ là do cuộc chiến thương mại và phần khác nữa là do hiệp định này (EVFTA). Cả các công ty Trung Quốc và nước ngoài đều có thể chuyển đến Việt Nam".

Giữa những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, EU đã tăng tốc với các hiệp định thương mại tự do mới. Thỏa thuận hợp tác kinh tế EU với Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 1/2/2019. Cuối tháng trước, EU và khối Mercosur của bốn quốc gia Nam Mỹ - Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay - đã đồng ý soạn thảo một thỏa thuận thương mại tự do sau gần 20 năm đàm phán. Và vào tháng 10 năm ngoái, EU cũng đã hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do với Singapore sau 9 năm đàm phán.

EU đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Theo trang web của Ủy ban châu Âu, Việt Nam đã xuất khẩu 42,5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang EU vào năm ngoái, chủ yếu là điện thoại, sản phẩm điện tử, hàng may mặc, thực phẩm và đồ nội thất.

"Từ quan điểm chiến lược kinh doanh, Việt Nam thực sự là một địa điểm sản xuất tốt mà mọi người đang tìm kiếm lợi thế với EVFTA", ông Angelia Chew, người sáng lập công ty Tư vấn thương mại AC nói.

"Không chỉ là vì căng thẳng thương mại, chúng tôi cũng có các khách hàng Trung Quốc đang tìm cách di chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam để giảm nhẹ thuế đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sang Mỹ. Điều khá thú vị là các công ty đầu tư vào Việt Nam bây giờ cũng như các công ty hiện có ở Việt Nam đều biết rằng hiệp định thương mại tự do sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư".

Tiến sĩ Cassey Lee, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, một tổ chức nghiên cứu chuyên về nghiên cứu Đông Nam Á, đánh giá thỏa thuận thương mại Việt Nam - EU sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa danh mục đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân vào Việt Nam đã tăng lên 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tại sao Trung Quốc lại bị ảnh hưởng bởi EVFTA? - Ảnh 1.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Quảng Đông, trung tâm của ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Trung Quốc, là 57,86 tỷ CNY (tương đương 8,4 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang và dòng vốn vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đầu tư vào Việt Nam có khả năng vượt qua Quảng Đông vào cuối năm nay. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đứng ở mức 17 tỷ USD, tăng 32,8% so với một năm trước đó.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM