Tại sao phụ nữ luôn nhút nhát, thiếu tự tin và khó thăng tiến hơn nam giới?
Khi ứng tuyển cho một vị trí công việc, với phụ nữ điều quan trọng nhất là cần tin tưởng nhiều hơn về bản thân chứ không phải những gì xuất hiện trong những quy tắc.
Có thể bạn đã từng nghe: Ứng viên nam rất tự tin ứng tuyển dù khi đó họ chỉ đáp ứng được 60% yêu cầu, nhưng ứng viên nữ chỉ ứng tuyển khi họ cảm thấy tự tin 100%.
Phát hiện này đến từ báo cáo nội bộ của Hewlett Packard, từng được trích dẫn trong Lean In, The Confidence Code và rất nhiều bài báo khác. Đây là bằng chứng cho thấy phụ nữ cần tự tin hơn.
Trong một bài báo của Forbes cũng viết: “Đàn ông thường tự tin hơn đến 60% cho rằng mình hoàn toàn đủ năng lực, trong khi phụ nữ chỉ tự tin khi họ đáp ứng được tất cả các yêu cầu”.
Tôi đã từng hoài nghi vì tôi cũng có nhiều lần không ứng tuyển cho một vị trí công việc mà cảm thấy mình chưa đủ năng lực. Tôi nghĩ, không phải mình là người duy nhất như vậy.
Qua khảo sát hơn 1.000 người nam giới và phụ nữ, chủ yếu là các chuyên gia người Mỹ, tôi đã hỏi: “Giả sử bạn quyết định không ứng tuyển một công việc bởi vì bạn chưa đủ năng lực, lý do chính nào khiến bạn không nộp hồ sơ?
Theo kết quả điều tra, rào cản ở đây không phải là sự thiếu tự tin. Trong thực tế với cả nam và nữ giới, “Tôi nghĩ mình không thể làm tốt công việc này” lại là câu trả lời ít gặp nhất nhất. Chỉ có 10% phụ nữ và 10% nam giới thừa nhận đây là lý do chủ yếu nhất khiến họ không ứng tuyển.
Lý do phổ biến nhất (41% phụ nữ và 46% nam giới) đưa ra là: “Tôi không nghĩ họ sẽ tuyển tôi khi tôi chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Tôi không muốn lãng phí thời gian và công sức của mình”.
Nói cách khác, những người không ứng tuyển tin rằng phải có năng lực chuyên môn để được tuyển dụng chứ không phải để làm tốt công việc. Họ không biết rằng một người có sự ủng hộ, mối quan hệ hay cách tiếp cận sáng tạo có thể vượt qua quá trình tuyển dụng dù cho không đáp ứng đủ kỹ năng và kinh nghiệm cho công việc.
Nhiều phụ nữ không ứng tuyển chỉ vì họ nghĩ rằng yêu cầu về năng lực chuyên môn là bắt buộc. Các thống kê là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có suy nghĩ này. Nếu những người phụ nữ biết rằng có người vẫn ứng tuyển dù cho năng lực chưa đủ đáp ứng, họ sẽ cảm thấy thoải mái khi làm điều tương tự.
22% phụ nữ khác thì cho biết lý do hàng đầu của mình là: “Tôi nghĩ họ sẽ không tuyển dụng tôi vì tôi không đủ năng lực. Tôi không muốn dùng hết sức mình rồi đến lúc vẫn thất bại”.
Những người phụ nữ này cũng tin tưởng các “yêu cầu trên giấy” kia. Nhưng với họ, điều tồi tệ nhất khi ứng tuyển là nguy cơ thất bại, chứ không phải là năng lượng hay thời gian lãng phí. Đáng chú ý là chỉ có 13% nam giới đưa ra lý do hàng đầu là không muốn thử vì sợ thất bại. Có một số bằng chứng cho rằng phụ nữ bị ám ảnh bởi thất bại lâu hơn nam giới. Tuy nhiên, loại thiên vị này có thể khiến chúng ta quá lo sợ việc thất bại, dẫn tới khó đạt được mục tiêu trong công việc.
Có một sự khác biệt đáng kể cho lý do: “Tôi làm theo một vài lời hướng dẫn” với 15% phụ nữ và 8% nam giới. Không ngạc nhiên khi có nhiều cô gái luôn tuân thủ các quy tắc, theo thói quen “làm theo chỉ dẫn” khiến nhiều thứ “bất quy tắc” trở thành rào cản với họ.
Có đến 78% phụ nữ không ứng tuyển chỉ với 3 lý do kể trên. Điều này thể hiện việc phụ nữ nghiêm túc với các yêu cầu trên giấy hơn là nam giới, với một vài lý do sau:
- Đầu tiên là do sự thiên vị trong một số môi trường làm việc. Nếu muốn được tuyển dụng thì phụ nữ cần đáp ứng nhiều yêu cầu hơn nam giới. Một báo cáo của McKinsey chỉ ra rằng nam giới thường được tuyển dụng hay thăng chức dựa vào tiềm năng của họ, còn phụ nữ thì nhờ vào kinh nghiệm và thành tích trong quá khứ. Phụ nữ nhìn thấy điều này tại nơi họ từng làm việc nên đó là lý do khiến họ không ứng tuyển vào những vị trí chưa đáp ứng đủ trình độ.
- Thứ hai, những bé gái luôn tuân thủ quy tắc sẽ được khen thưởng. Do vậy ở trường học, thường thì các bé gái được khen thưởng do biết cách tuân thủ quy định hơn các bé trai. Trong sự nghiệp của họ cũng vậy, thói quen tuân thủ quy tắc vẫn luôn tồn tại.
- Thứ ba, chứng chỉ và bằng cấp với phụ nữ có ý nghĩa khác nhiều so với nam giới. Thế kỷ 20 đã có sự bình đẳng hơn với phụ nữ nơi công sở, nhưng chỉ khi họ được đào tạo đúng và công nhận đúng. Trình độ chuyên môn chính là vé giúp qua cửa, là điều chứng minh họ có thể làm việc.
Khi mới ra trường bắt đầu đi làm, tôi đã vô cùng kinh ngạc, cảm giác như mình là vị hoàng đế không có quần áo. Những quyết định quan trọng và nguồn lực đều cần dựa vào những mối quan hệ và sự táo bạo khi làm các kế hoạch lớn. Tôi mất một thời gian để hiểu rằng những gì học được trên ghế nhà trường chỉ là một phần rất nhỏ để thành công trong một tổ chức.
Khi ứng tuyển cho một vị trí công việc, điều quan trọng nhất là cần tin tưởng nhiều hơn về bản thân chứ không phải những gì xuất hiện trong những quy tắc.