Tại sao những người có IQ cao thường dễ rơi vào vòng lao lý?
Tác giả James Oleson đã nghiên cứu 465 tội phạm với chỉ số IQ trên 149 và thấy rằng tỉ lệ phạm tôi của người thông minh cao hơn hẳn so với những người có chỉ số IQ bình thường.
Một cuốn sách mới xuất bản của James Oleson, một nhà tội phạm học tại đại học Auckland, cho thấy những thiên tài thực sự có thiên hướng đụng độ với luật pháp.
Trong cuốn sách “Criminal Genius: A Portrait of High-IQ Offenders”, Oleson đã khảo sát hồ sơ tội phạm của 465 người trưởng thành trên khắp thế giới có IQ trung bình là 149, và so sánh tỉ lệ phạm tội của họ với một nhóm những người có chỉ số IQ bình thường. Các mẫu thống kê được lấy từ một hiệp hội gồm các thành viên với chỉ số IQ cao, từ các trường đại học nổi tiếng và một nhóm nhỏ các tù nhân có IQ cao.
Nhiều giả thuyết về trí thông minh cho rằng những người có IQ thấp là nhóm người dễ dính dáng đến pháp luật nhất, vì sự hung hăng, học hành kém, thiếu tương tác xã hội, và thiếu tầm nhìn đều liên quan mật thiết với tính chất tội phạm.
Trái lại, những người thông minh thường được coi là ít phạm tội hơn, và quan niệm này đã được nhiều nghiên cứu củng cố thêm qua hàng thập niên. Nhưng có thể có một ngưỡng IQ nào đó mà khi vượt qua, người có IQ cao sẽ trở thành một nhân tố cực kỳ nguy hiểm.
Thật vậy, nhóm IQ cao của Oleson có tỉ lệ phạm tội cao hơn so với nhóm đối sánh, với 50 trong số 72 loại tội phạm được khảo sát, gồm cả những tội nhẹ như xâm phạm tài sản và quyền tác giả, cùng các tội nặng như phóng hỏa, lừa đảo và bắt cóc. Những kẻ có IQ cao này cũng có khả năng thoát tội cao hơn, với số lượng bị kết án ít hơn hẳn.
Khi Oleson phỏng vấn trực tiếp một số người, ông nhận được nhiều câu trả lời rằng họ không bị trừng trị với nhiều tội ác do mình gây ra. Một đối tượng nói rằng mình đã từng cướp có vũ trang, và một đối tượng khác nhận trách nhiệm cho hàng tá vụ giết người chưa tìm được hung thủ.
Vậy tại sao những người thông minh lại dễ bị cuốn vào vòng xoáy tội phạm đến thế?
Rất nhiều người trong nghiên cứu của Oleson nói về sự xa lánh mà họ phải chịu vì trí thông minh của mình. Những đánh giá sai lầm của xã hội có thể là một nguyên nhân cho hiện tượng này. Một số nghiên cứu cho thấy những thiên tài thường bị cô lập, bắt nạt và gặp khó khăn nhiều hơn trong việc tạo ra các mối quan hệ, tất cả đều là những nhân tố tiềm tàng dẫn đến hành vi tội phạm.
Một lý do khác có thể là những người cực kỳ thông minh cảm thấy ít bị ràng buộc hơn bởi những quy ước và chuẩn mực truyền thống. Trong suốt các cuộc phỏng vấn thực hiện sau đó, Oleson đã nói chuyện với những đối tượng IQ cao cho rằng việc tuân thủ những quy định và hành vi chuẩn mực là khá quan trọng với người thường, nhưng không phải với họ. Và nhiều người trong số họ nói rằng họ cảm thấy sự đánh giá đúng sai của mình là “chính đáng, đôi khi còn xuất sắc và vượt trội hơn so với sự tuân thủ những lề thói và quy định xã hội thông thường”.
Theo Oleson, các kết quả trình bày trong cuốn sách của ông vẫn còn sơ khai chứ chưa phải là cuối cùng, đặc biệt là khi xét thấy các đối tượng tham gia nghiên cứu quả thực không nhiều. Một vấn đề nữa là những đối tượng trong nghiên cứu của Oleson được tập hợp từ một tổ chức chuyên biệt gồm những người có IQ cao, và những người tham gia các tổ chức như thế này có thể không đại diện được cho toàn bộ những người thông minh nói chung.
Mặc dù còn nhiều thiếu sót, nhưng cuốn sách của Oleson là nghiên cứu đầu tiên về tội phạm có IQ cao, và có nhiều lợi ích cho luật hình sự và chính sách công.
“Điều này không chỉ có nghĩa là những người giỏi cũng biết nói dối, gian lận và ăn cắp như bất kỳ ai, mà còn cho thấy các nhà tù chủ yếu chỉ giam giữ những kẻ thiếu may mắn và chẳng may bị bắt mà thôi”, Oleson cho biết.