Tại sao người Việt lại tỏ ra đau xót với việc cho con học tại nhà?

10/05/2017 10:11 AM | Sống

Câu chuyện hai anh em ở quận Tân Bình "bị" bố mẹ cho thôi đến trường để học ở nhà, được miêu tả là "cực chẳng đã", "không thể chịu nổi cách dạy - học" ở trường công.

Tại sao chúng ta lại sửng sốt, đau xót khi nghe thông tin ấy trong khi ở nhiều nước thế giới, chuyện học ở nhà đã xưa như trái đất?

Homeschooling có từ mấy thế kỷ trước

Thời xưa học để làm ông nghè, ông cống, để làm quan, như anh lái đò mơ mộng trong thơ Nguyễn Bính "Võng anh đi trước võng nàng//Cả hai chiếc võng cùng sang một đò".

Học thời nay cũng na ná nên phải tìm đúng lò mà học để thi đỗ và nên người. Đó là trường lớp truyền thống, có thầy cô, có bạn bè, chương trình học rõ ràng, số đông tin đã mấy trăm năm.

Hai anh em Đặng Nhật Anh và Đặng Thái Anh (quận Bình Tân) tự học ở nhà.

Học tại gia (homeschooling) rất lạ với dân ta vì ai cho vào thi chung với học sinh nhà nước. Nhưng với thế giới thì chuyện đó là bình thường, homeschooling có từ mấy thế kỷ ở châu Âu. Thời quý tộc họ cho con học với gia sư không cần lớp xưa như trái đất.

Hiện nay, học sinh Mỹ có thể tự học ở nhà, tới kỳ thi làm bài kiểm tra của tiểu bang bằng trắc nghiệm tất cả các môn. Nếu đạt một số điểm nhất định coi như lên lớp.

Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới với khoảng 2,5 triệu học sinh tại gia hàng năm tăng trưởng từ 2% đến 8%. India có từ 0,7 đến 2,7 triệu, Anh quốc khoảng 100 ngàn, Canada 60 ngàn, Australia 15 ngàn.

Mỹ tiết kiệm 27 tỉ đô la thuê mỗi năm nhờ học ở nhà

Các nước giầu nghèo đều có luật cho học tại gia. Xu hướng này đang tăng lên tại Australia, Canada, Pháp, Hungary, Nhật Bản, Kenya, Nga, Mexico, Hàn Quốc, Thái Lan, và Anh quốc.

Riêng Đức chỉ được phép đào tạo tại nhà khi học sinh không thể di chuyển đến trường do khuyết tật hay lý do cá nhân.

Tại Nam Phi trước thời Nelson Mandela không cho phép điều này. Từng có hàng ngàn học sinh tại gia bị cho vào trường tập trung vì chính phủ apartheid không công nhận. Nhưng Mandela làm tổng thống vài năm thì luật cho phép.

Những lợi ích được bàn đến nhiều. Gia đình không bị phụ thuộc vào dịch vụ công, không dùng tiền thuế tiểu bang dành cho giáo dục. Hoa Kỳ tiết kiệm khoảng 27 tỷ đô la tiền thuế hàng năm, nếu bố mẹ hay gia sư "đứng lớp" dạy con tại nhà.

Trung bình một trẻ tới trường, Hoa Kỳ chi 11 ngàn đô la tiền thuế. Trẻ học ở nhà thì không mất đồng nào mà gia dình chỉ mất khoảng 600$/năm cho mục đích này.

Trong số học sinh tại gia có tới 70% người da trắng. Nhưng gần đây người da mầu đã thay đổi nhận thức, khoảng 15% người da mầu chọn cách học tiết kiệm này.

Điểm mạnh, điểm yếu

Lựa chọn cho con học tại nhà một thời gian rồi cho tới trường hoặc ngược lại là một cách thỏa hiệp khác. Nếu tính tổng số các em có chút trải nghiệm học tại gia thì con số này lên tới gần 6 triệu tại Mỹ.

Lý do chọn cách học này có nhiều. Nếu trò cảm thấy học tại trường chán nản hoặc hư bị đuổi học thì học tại nhà là lựa chọn tốt.

Thống kê của Hoa Kỳ cho hay về sự lựa chọn học này, gần 50% các gia đình muốn con có điều kiện học hành tốt hơn, 25% cho rằng tại lớp môi trường giáo dục kém, 11% thấy thầy cô không đủ thách thức trò nên trò chán không muốn học.

Bố mẹ tìm chương trình thích hợp cho con vì họ hiểu hơn ai hết về điểm mạnh, điểm yếu.

Ngoài ra, quan hệ gia đình thân thiết hơn, giữa bố mẹ và anh chị em, không sợ con cái bị bắt nạt, hư hỏng do bạn bè lôi kéo, giúp tạo dựng niềm tin mà cha mẹ và trò tin là có lợi cho cuộc sống.

Trong các kỳ kiểm tra, có tới 30% học sinh tại gia có kết quả trội hơn so với đồng môn học truyền thống. Năm 2015, học sinh da mầu học tại nhà đạt kết quả vượt lên tới 42% số điểm cao hơn so với đồng môn cùng mầu da tại trường.

Nhược điểm của việc học này là không có bạn bè, không có môi trường đua tranh sáng tạo, không quen làm việc nhóm, học một mình khó đi vào kỷ luật, đi đại học có thể gặp khó khăn hòa nhập với môi trường giảng đường.

Tư duy sợ cái mới

Đối với cách thi cử như Việt Nam hiện nay thì học tại gia là không thể. Không cho con đi học thêm đã có thể rắc rối rồi nói chi đến chuyện bố mẹ làm thầy cô của chính con.

Tuy nhiên, tư duy giáo dục đến lúc cần thay đổi. Với internet phát triển như hiện nay thì việc học online và tại gia là có thể.

Anywhere Anytime Learning – học mọi nơi mọi chỗ. Thầy và bạn đều có thể online bất luận khoảng cách địa lý là một cách học khác giúp trò tại gia dễ dàng hơn.

Nếu cứ sợ cái mới sẽ khó đi xa được. Mấy năm trước có Running Man Vũ Xuân Tiến chạy theo xe bus đội bóng Arsenal ở Hà Nội, được ông bầu chú ý. Tiến được mời lên xe, chụp ảnh cùng nhiều cầu thủ nổi tiếng.

Rồi Tiến được sang Anh và đến sân Emirates, làm khách mời danh dự. Đây là giấc mơ của bất kỳ bạn trẻ yêu bóng đá nào.

Nhiều người coi đây là sự lạ. Vì lạ nên không dám chạy theo xe bus nên chỉ có thể ngồi nhà trước tivi xem Tiến sang London.

Cũng lạ vậy là cô Huyền Chíp – Travelling Woman sôi động trên truyền thông mấy năm trước. Bỏ đại học đi làm, dù học trường chuyên, chán công việc nhàm, Huyền Chíp du lịch thế giới với số tiền 700$.

Huyền Chip: 'Vụ ồn ào khi viết sách khiến tôi vào Stanford'

Đi rồi về Huyền viết hai cuốn sách gây tranh cãi vì vài chi tiết chưa thuyết phục. Đi qua 25 nước với vài trăm đô la trong túi khó ai tin, sao có thể kiếm tiền mỗi tháng 1000$ dọc đường đi, chuyện lạ ở xứ mình.

Không thích mạo hiểm, không biết phượt là gì, đợi đủ kinh phí mới du lịch, xin ngồi nhà đọc tin cô ấy du học Stanford.

Nếu ngày xưa cụ Hồ đợi đủ tiền mới xuống tầu sang Pháp thì có thể ngày nay nước mình vẫn dùng tiếng Pháp. Cụ đặt chân nhiều nơi trên thế giới khi trẻ hơn cả Xuân Tiến và Huyền Chíp bây giờ.

Trường Thực Nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại lúc mới có lớp đầu tiên bị bao điều ong tiếng ve. Sau mấy chục năm, dân chen nhau bẹp ruột để xin cho con vào trường.

Mấy chục năm trước, trường đại học dân lập Thăng Long đầu tiên ở Việt Nam được thành lập giúp cánh trò trượt đại học các trường lớn có chỗ học. Sau đó các trường dân lập khác ra đời.

Thời đó dân ta chỉ thích trường nhà nước nhưng nay thì chỉ những gia đình có tiền mới vào được trường tư tiếng tăm.

Dạy và học tại gia cũng vậy. Nếu không cho thử nghiệm thì thế hệ trẻ không có Running Man hay Travelling Woman, không có trường thực nghiệm góp một phần nhỏ sinh ra giải Fields toán học, không có những trường tư nổi tiếng như hôm nay.

Sợ sự lạ như homeschooling là sợ rủi ro, sợ cái mới. Giáo dục luôn đòi hỏi sáng tạo và biết chấp nhận cái mới. Giáo dục hiện đại chấp nhận nhiều con đường, nhiều phương pháp, miễn đến được đích thành công.

Còn gì chán hơn việc cả triệu người đều mơ một giấc mơ giống hệt anh lái đò trong thơ Nguyễn Bính: Phải thành ông nghè để được kiệu trên võng, thầm vênh vang "ta đây đỗ đạt" với người đẹp.

Theo Hiệu Minh

Cùng chuyên mục
XEM