Ông bố để con học tại nhà: "Tôi chỉ khai phóng khả năng của con"
Cuộc trò chuyện với anh Đặng Quốc Anh - người cha đã quyết định để 2 con trai dừng học ở trường phổ thông để tự học tại nhà (homeschooling) - diễn ra tại một quán cà phê trong một buổi sáng sôi động của Sài Gòn.
Tôi có chủ đích về câu chuyện của mình
Phóng viên: Chào anh Đặng Quốc Anh! Câu chuyện homeschooling của Đặng Nhật Anh và Đặng Thái Anh đang rất được chú ý. Gia đình anh đón nhận sự việc này như thế nào?
Anh Đặng Quốc Anh: Chia sẻ câu chuyện này có một phần chủ đích của gia đình chúng tôi. Chúng tôi, và bản thân hai con cũng nói cần một sự ghi nhận để sau này xin học bổng, ngoài khả năng thì đây sẽ là một chút lợi thế.
Anh Đặng Quốc Anh, bố của hai em Đặng Nhật Anh (19 tuổi) và Đặng Thái Anh (14 tuổi)
Cuộc sống của chúng tôi vẫn bình thường. Mấy ngày nay, sau khi báo chí đăng tải, hai cháu cũng chỉ cảm thấy vui vui. Các con tôi không thấy việc nổi tiếng là quan trọng, vì chúng không thấy thiết thực.
Sau khi được nhiều người biết tới, anh sẽ định hướng hai con ra sao?
- Gia đình tôi có quan điểm chỉ nuôi con tới 18 tuổi. Bản thân tôi khi còn nhỏ đã phải ra khỏi nhà từ rất sớm, nên thấy rất thiệt thòi.
Tôi biết hiện nay có rất nhiều người giỏi và tôi muốn dành điều tốt nhất cho con mình. Trước đây, tôi đã từng bỏ 2.000 USD cho hai con đi dự một hội nghị ở Quy Nhơn chỉ để gặp những giáo sư nước ngoài, để biết những người làm việc nghiêm túc thì tính cách của họ như thế nào.
Anh muốn hai con sau này sẽ thành người như thế nào?
- Người như thế nào là do các con, chứ không phải tôi muốn. Tôi chỉ khai phóng khả năng của con, chứ không “dập” con theo tôi. Sau khi sang nước ngoài học, con tôi sẽ tự nhìn thế giới bên ngoài để có nguồn cảm hứng riêng. Bản thân tôi cũng thay đổi rất nhiều nghề, nên tôi sẽ không ép con phải theo mình.
Ngoài ước mơ đi du học, anh và các con có còn ước mơ nào nữa?
- Đi du học là phương tiện con tôi phải đạt được, còn các con phải trở thành người có năng lực, sống dựa vào năng lực của mình và đóng góp cho những người xung quanh bằng khả năng của mình.
Homeschooling không là phương pháp dễ dàng
Trước khi cho homeschooling, anh có hỏi ý kiến hai con?
- Vấn đề đặt ra cho cả gia đình là con có nên học nữa hay không? Gia đình chúng tôi đã họp lại và nghe ý kiến tất cả mọi người. Chúng tôi cũng hỏi cháu nếu nghỉ học ở trường thì con có học được không, và cháu nói có thể học được.
Tôi rất hiểu con mình. Đứa con lớn của tôi có sự cay cú và ăn thua. Bản thân cháu ngay từ khi học lớp 3 vì có sự hiếu thắng nên đã đánh máy ở tốc độ 137 từ/ phút, trong khi đó vô địch thế giới lúc đó cũng chỉ 160 từ/ phút.
Anh nhìn thấy điểm mạnh này ở con mình và tin tưởng con?
- Điểm mạnh phải ở trong tính cách. Còn tôi quan niệm con phải là người sản xuất và tạo ra thông tin để tạo ra những bài viết. Ngay chuyện đánh máy, tôi chủ ý dạy con tôi từ nhỏ.
Ở nhà tôi, Thái Anh sẽ học được ở Nhật Anh ý chí học tập, ngược lại Thái Anh có khả năng học tập nhanh hơn, nhạy bén hơn Nhật Anh.
Tôi nghĩ việc lựa chọn phương pháp này một phần do gia đình anh có nhiều người có thể đảm đương việc dạy con, cũng như có điều kiện kinh tế. Vậy anh có lời khuyên nào cho các gia đình có dự định lựa chọn homeschooling?
- Homeschooling không bao giờ là phương pháp dễ dàng mà là phương pháp tốn nhiều công sức, nguồn lực. Đó là tiền bạc, thời gian, số người tham gia, sự đồng thuận… Gia đình tôi đã có 4 người, và để dạy cho cháu lớn thì cháu nhỏ cũng phải tham gia, và tôi nghĩ đây là một con số lý tưởng.
Cần nói rõ, homeschooling chỉ là một hình thức học bình thường như các hình thức học khác như học tại trường, học từ xa, học thêm, học qua mạng… dù đối tượng và thời điểm áp dụng có khác nhau.
Tôi nghĩ homeschooling chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, có thể là học chậm hoặc hoặc học nhanh hơn, và cả hai trường hợp này đều rất tốn công. Khi thực hiện con đường khó khăn thì phải đủ ý chí. Đối với những trường hợp đại trà vẫn nên đi học trên trường.
(Ảnh: Facebook nhân vật)
Tôi nghĩ phụ huynh không nên vận dụng cứng nhắc bất cứ hình thức nào, mà nên vận dụng uyển chuyển theo từng giai đoạn phát triển của trẻ trong một sự phối hợp tốt giữa các hình thức.
Có rất nhiều trẻ đang học ở trường nhưng đạt thành tựu nhờ tự học ở nhà. Cũng có rất nhiều trẻ học ở nhà nhưng lại tham gia các lớp học phát triển năng lực theo khả năng của mình, có thể là tốt hơn hay thấp hơn trình độ phát triển trung bình.
Có phương pháp độc đáo nào khi là giáo viên mà anh vận dụng vào dạy con mình không?
- Đó là cách dạy truyền khẩu, tức không có chuyện các cháu lấy bút ra ghi. Cách dạy này lúc đầu con có thể nhớ được rất ít, nhưng nhớ được những điều thiết thực và thú vị. Tôi đưa ra 5 đặc tính, nhưng con nhớ được 2 đặc tính là được, còn những cái còn lại có thể tìm hiểu sau.
Tôi nghĩ đây không phải là cách dạy lạ, nhưng có thể là mới ở Việt Nam, vì trong quá trình đi dạy tôi thấy giáo viên chỉ nói còn sinh viên toàn chép và chép. Tôi chắc chắn hiện có tới 99% sinh viên đến giảng đường không học mà chỉ nghe giảng với giá rẻ. Bản thân tôi khi còn công tác cũng thực hiện phương pháp truyền khẩu với sinh viên.
Nhiều giáo viên vẫn nhận được sự tôn trọng của gia đình tôi
Việc homeschooling hai con của anh có thể thành công về mặt kiến thức, nhưng anh có nghĩ rằng khi không tới trường, các cháu sẽ bị thiếu hụt nhiều thứ khác?
- Tôi nghĩ cái nào cũng có mặt trái và mặt phải, và không ai có thể giỏi tất cả mọi mặt. Một người đã lao động trí óc, chơi thể thao sẽ không có kỹ năng đi xuống ruộng để bắt cá bắt ốc, nhưng những kỹ năng sinh tồn sẽ luôn được tối ưu trong chừng mực có thể. Tôi chỉ muốn giải phóng năng lực cho con, còn không bắt con theo một mô hình nào hoàn chỉnh vì có thể quá sức với cháu.
Đã nhiều người nói với tôi rằng con tôi chỉ có thể làm việc ở nước ngoài còn làm việc ở trong nước là không ổn, còn tôi thì nói với họ rằng dòng họ của tôi chỉ có thể làm việc ở Việt Nam chứ làm việc ở nước ngoài không ổn. Tôi nghĩ cầu toàn là tốt, nhưng phải biết năng lực tới đâu.
Nhiều người cũng nói con tôi diễn đạt tiếng Việt không tốt, nhưng với tôi đó là điều bình thường. Tất cả những nhà khoa học trên thế giới đều diễn đạt tiếng Việt không tốt vì họ không học bằng tiếng Việt mà học bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Như vậy, muốn diễn đạt bằng tiếng Việt tốt thì phải học cách diễn đạt điều đó bằng tiếng Việt.
Nói con tôi học ở nhà là hạn chế không gian tiếp xúc cũng hoàn toàn sai. Con tôi học ở nhà là học phần lớn ở nhà chứ không phải chỉ học ở nhà. Tôi nghĩ, không có sự rạch ròi học ở nhà là không được bước ra khỏi cửa.
Khi cho con về học ở nhà, anh nghĩ mình hy sinh vì ước mơ của con hay là sự ích kỷ muốn con hiện thực hóa ước mơ của mình?
- Tôi luôn theo con. Ngay cả chuyện gia đình tôi, vì sở thích của con nên tôi ngủ với con lớn, còn bà xã tôi ngủ với con nhỏ, và việc này chỉ dừng lại hai năm gần đây.
Tôi nghĩ, có những cái thiên đường của người lớn là địa ngục của trẻ em và thiên đường của trẻ em cũng là địa ngục của người lớn.
Những bức xúc với giáo dục thì anh đã nói, nhưng khi rời trường học, các con anh có lưu luyến điều gì không?
-Việc con rời trường là giải quyết theo ý của con. Thái Anh khi thấy Nhật Anh được nghỉ học đã nói rằng “Anh Hai sướng! Anh được nghỉ còn con thì không được nghỉ”. Lúc đó, tôi nói với cháu rằng “Con hãy học một thời gian ở trường nữa để ba mẹ sắp xếp, vì chuyện này không dễ”. Tôi đầu tư cho con học rất kỹ, vì vậy con muốn làm gì tôi đều theo ý con.
Điều gì tốt đẹp của nhà trường còn đọng lại trong gia đình anh?
-Tôi vẫn có nhiều thầy giáo rất giỏi và bây giờ vẫn giữ mỗi quan hệ tốt đẹp. Ngoài những ngày lễ, những ngày bình thường chúng tôi vẫn liên hệ thường xuyên. Tôi nghĩ có những người thầy tốt và những người thầy xấu. Những kỷ niệm đẹp sẽ luôn có với người thầy tốt, có nhiều người thầy luôn nhận được sự kính trọng của gia đình tôi.
Con tôi là người có ích hơn là biết quá nhiều
Tôi nghĩ việc học ở trường cũng là một điều rất thú vị. Được tiếp xúc với những điều tốt và cả điều không tốt sẽ hình thành cho các cháu khả năng chọn lọc rất cao, thậm chí trong điều không tốt sẽ rút ra được bài học rất quý giá. Anh có nghĩ như vậy không?
- Tôi chỉ nói đơn giản như thế này, nhiều em hiểu được tiếng chửi thề là một ưu điểm, còn không hiểu được là một nhược điểm. Nhưng cũng có quan điểm không nhất thiết phải hiểu tiếng chửi thề như thế nào, vì cuộc sống này có sự chọn lựa, chứ không phải tiếp xúc với mọi người. Tôi nghĩ sống không phải là bách khoa, phải va chạm với mọi người.
Bản thân tôi không tham vọng, khi đi dạy cũng không ảo tưởng khả năng dù từng là học sinh giỏi toàn quốc. Tôi cũng không ảo tưởng về khả năng của con tôi và không ảo tưởng về nhu cầu.
Gia đình anh Đặng Quốc Anh (Ảnh: Facebook nhân vật)
Con tôi sẽ là người có ích, và là một bộ phận tốt trong xã hội hơn là biết quá nhiều. Học ở trường phổ thông con sẽ được biết nhiều, tiếp xúc với nhiều người nhưng có cần thiết hay không cũng là một câu hỏi.
Tại sao nhiều phụ huynh muốn đưa con vào trường chuyên, đó là để đừng gặp mấy người học dở. Thế nhưng nhiều người lại bảo học trường chuyên làm gì? Đừng nghĩ rằng, những em học trường chuyên sẽ không biết đối xử với người học dở.
Tôi không nghĩ việc cho cho con học ở nhà là để cô lập con. Việc lựa chọn này là lựa chọn của 4 người trong gia đình và 4 người đều đúng.
Anh luôn cho rằng mình đúng, như vậy có quá cực đoan không?
- Tôi nghĩ mình đã đúng theo chủ quan và tình trạng của mình, còn nếu sai thì đã điều chỉnh. Với một đứa trẻ thì mỗi giai đoạn phát triển có thể theo mỗi hình thức học khác nhau. Con tôi là một ví dụ. Cháu bị sốt xuất huyết và bị biến chứng nặng nên sự hồi phục sức khoẻ không được nhanh chóng. Việc học ở nhà giúp cháu lấy lại sức khoẻ và cả sức học. Khi có đủ điều kiện cá nhân của cháu và chúng tôi kiếm đủ tiền học phí, chúng tôi sẽ cho cháu tiếp tục đến trường.
Dành thời gian nhiều cho con, anh rút ra điều gì thú vị khi được ở bên và gần gũi con trẻ ?
- Tôi nghĩ giao tiếp là món quà của thượng đế, chúng tôi thưởng thức cuộc sống theo cách giao tiếp với nhau. Khi còn là giáo viên, tôi cũng linh động thời gian để dành cho gia đình và sau khi nghỉ việc tôi có nhiều thời gian hơn.
Gia đình tôi cũng có nhiều đặc điểm riêng như chính tôi sẽ là người rửa chén cho gia đình (cười), nhưng tôi nghĩ đó là niềm vui riêng của mình. Ngay cả việc làm bếp cũng là 4 người tham gia, tức là người này làm thì người kia ăn chứ không ăn cùng lúc. Tôi nghĩ đó cũng là sự sáng tạo và nhìn ngắm người thân mình.
Gia đình anh theo đuổi những giá trị gì?
- Đó là con người và phát triển năng lực.
Anh đã dừng làm giảng viên dạy sinh viên và dạy con, nếu được chọn lại anh sẽ chọn nghề gì?
- Giáo viên không phải nghề mà là nghiệp. Tôi nghĩ sau chuyện này nhiều người không học theo tôi nhưng sẽ hiểu về việc giáo dục con cái của tôi.
Hồi bằng tuổi các con mình bây giờ, anh có mơ ước gì?
- Tôi từng là một học sinh giỏi toàn quốc nhưng vì không được hướng nghiệp tốt nên lựa chọn theo sự hiếu thắng của tuổi trẻ là chọn ngành Y và Bách khoa. Còn bây giờ, tôi không dám định hướng cho con tôi cái gì nữa hết.
Sau những giờ học của các con, gia đình anh cân bằng cuộc sống như thế nào?
- Cả bốn người chúng tôi chơi games cùng nhau. Tôi nghĩ đây là chiến thuật để phát triển đầu óc với cường độ lao động cao. Games cũng là môn thể thao trí tuệ, vì vậy con tôi sẽ không bị mệt mỏi khi đi thi.
Khi nghỉ việc và dạy ở nhà, thu nhập của anh có tốt không? Quan điểm về tài chính cho con anh như thế nào?
- Thu nhập đủ để tôi lo cho cuộc sống. Quan điểm của gia đình tôi là các con phải tham gia vào việc lo cuộc sống của gia đình, như vậy mới có trách nhiệm. Con tôi sẽ đi du học bằng những đồng tiền của con. Hiện tại, hai con tôi đều có tài khoản riêng và tự quản lý chúng.
Xin cảm ơn anh.