Tại sao Muhammad Ali nổi tiếng, nhưng thương hiệu mang tên ông lại không đắt giá?
“Thương hiệu Ali không phải tập trung về việc bán sản phẩm. Ông ấy nổi tiếng nhờ truyền bá lòng khoan dung và sự cảm thông giữa mọi người với nhau”
Mới đây, võ sĩ quyền anh huyền thoại Muhammad Ali đã qua đời ở tuổi 74. Ông được biết đến như một ngôi sao lớn và là một thương hiệu toàn cầu về sự thành công, lòng dũng cảm cũng như trí thông minh.
Tuy nhiên, rõ ràng là những khoản thu nhập mà Ali kiếm được từ các trận đấu không cao bằng như các trận so găng kinh điển ngày nay.
Năm 1980, trong trận đấu kinh điển với Larry Holmes, võ sĩ Muhammad Ali chỉ nhận được khoảng 8 triệu USD. Trong khi đó, võ sĩ nổi tiếng người Philippine Manny Pacquiao nhận được tới 160 triệu USD, dù anh này thua đối thủ Floyd Mayweather cũng trong một trận so găng kinh điển vào năm 2015.
Ngày nay, nhiều loại hình dịch vụ giải trí mới xuất hiện, như xem qua mạng Internet, truyền hình tự chọn trả tiền hay dịch vụ PPV (xem gì trả nấy) khiến việc bán vé cho những trận đấu quyền anh trở nên dễ dàng hơn và có giá hơn.
Trong trận so găng năm 2015 giữa Paquiao và Mayweather, đã có khoảng 4,4 triệu hộ gia đình trả 80-100 USD để xem trực tiếp trận đấu này.
Trước đây, một trận so găng tại Mỹ chỉ được hầu như người Mỹ biết đến và chắc chắn khán giả phải bay sang Mỹ để mua vé. Hiện nay, sự thuận tiện của công nghệ Internet khiến những vùng xa xôi hẻo lánh tại Indonesia cũng có thể mua vé đến xem trận đấu tại Mỹ.
Những trận so găng của Ali trước đây được quảng cáo khá tốt, với những tên gọi như “Cuộc chiến thế kỷ”, “Tiếng gầm của rừng xanh”...và được công chiếu rộng rãi trên truyền hình. Dẫu vậy hạn chế về kỹ thuật, công nghệ cũng như độ phủ sóng của truyền hình và sự đa dạng trong các loại hình dịch vụ giải trí khiến doanh số từ các trận đấu này không bằng ngày nay.
Nổi tiếng dù đã giải nghệ
Võ sĩ Muhammad Ali với tên khai sinh là Cassius Clay đã từng giành huy chương vàng tại thế vận hội Olympic 1960 khi mới tròn 18 tuổi và đã 3 lần giành chức vô địch quyền anh thế giới hạng nặng.
Bên cạnh là một võ sĩ quyền anh thành công, ông Ali còn là một người nổi tiếng kiếm được khá nhiều tiền từ thương hiệu bản thân.
Sau khi giải nghệ vào năm 1981, võ sĩ Ali đã giành được một số hợp đồng quảng cáo giá trị lớn. Năm 2006, vị võ sĩ này nhận được 50 triệu USD tiền quảng cáo từ công ty giải trí CKX, theo đó hãng này sẽ nhận được 80% doanh thu từ việc kinh doanh tên tuổi, thương hiệu cũng như hình ảnh của Muhammad Ali.
Trong những năm tháng sau khi giải nghệ, phần lớn những bản hợp đồng quảng cáo của Ali tập trung vào quan điểm sống đáng trân trọng của một võ sĩ quyền anh nổi tiếng.
"Những người đàn ông không đủ dũng cảm chấp nhận rủi ro thì sẽ chẳng đạt được gì trong cuộc sống"- Muhammad Ali
Dù trong 3 thập niên cuối đời, Muhammad Ali đã phải chiến đấu chống lại căn bệnh Parkinson, một loại bệnh rối loạn hệ thần kinh trung ương, nhưng nhiều nhãn hàng vẫn ký hợp đồng quảng với ông nhờ độ nổi tiếng ngay cả khi không có các trận so găng kinh điển.
Ngay trong mùa thu năm 2015, hãng Under Armour đã tung ra một loạt các sản phẩm thời trang, phụ kiện dựa trên hình ảnh của Muhammad Ali.
Ngoài ra, Toyota cũng mời Muhammad Ali phát biểu trong hội nghị toàn công ty năm 2015 với tựa đề “Làm thế nào để trở nên mạnh mẽ”.
Tập đoàn công nghệ nổi tiếng Google cũng thực hiện chiến dịch “hãy hợp tác chứ đùng bị đồng hóa” trên hệ thống Android với nguyên mẫu từ Muhammad Ali.
Ngoài ra, nhiều thương hiệu như Mr.Porter-một hãng thời trang cao cấp- hay Roots of Fight, Stance...đều ký hợp đồng với Ali dù ông đã già yếu.
Mặc dù nổi tiếng như vậy, nhưng nhà viết tiểu sử cho Muhammad Ali, ông Thomas Hauser nhận định vị võ sĩ tài năng này không thể so sánh được so với các võ sĩ ngày nay về khả năng quảng bá thương hiệu cũng như kiếm tiền.
"Tôi mong mọi người sẽ yêu quý nhau như cách mà họ yêu quý tôi. Như vậy thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn"- Muhammad Ali
Sự nổi tiếng của Muhammad Ali phần nhiều là do mọi người kính trọng cách sống cũng như quan điểm sống của nhà cựu vô địch này.
“Thương hiệu Ali không phải tập trung về việc bán sản phẩm. Ông ấy nổi tiếng nhờ truyền bá lòng khoan dung và sự cảm thông giữa mọi người với nhau”, ông Hauser nói.