Tại sao khoa học lại phải bỏ ra hàng chục năm trời chỉ để hồi sinh voi ma mút?
Hồi sinh voi ma mút - loài voi lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất là một dự án đầy tham vọng của khoa học. Nhưng liệu rằng, việc hồi sinh một chủng loài đã tuyệt chủng quá lâu có thực sự tốt?
Dù đã bị tuyệt chủng cách đây hơn 10.000 năm, nhưng giới khoa học luôn nỗ lực tìm nhiều biện pháp khác nhau để hồi sinh voi ma mút.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao khoa học lại phải bỏ ra nhiều công sức để hồi sinh loài vật này? Tại sao không phải là các sinh vật khác, như khủng long chẳng hạn. Thật sự voi ma mút có vai trò to lớn như thế nào?
Vì khoa học hiểu về voi ma mút nhiều hơn chúng ta tưởng
Vượt trên rất nhiều loài vật từ thời tiền sử khác, voi ma mút chính là loài vật con người có thể hiểu nhiều nhất thông qua các bằng chứng hóa thạch. Ví dụ, tuổi thọ của voi ma mút được xác định bằng số vòng tròn trong ngà voi (tương tự như vân gỗ vậy), hoặc vai trò của voi ma mút trong cuộc sống của người tiền sử là cực kỳ quan trọng.
Vì biết rất nhiều về ma mút, chúng ta càng muốn chinh phục chúng. Và cách để biết được nhiều hơn về voi ma mút chính là hồi sinh chúng.
Hồi sinh từ "cõi chết"
Phải khẳng định rằng, việc hồi sinh voi ma mút là nhiệm vụ hết sức khó khăn, thậm chí là không tưởng. Giới khoa học đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau để hồi sinh loài voi khổng lồ này. Tiêu biểu nhất là nỗ lực nhân bản gene, hoặc sửa đổi cấu trúc gene của loài voi châu Á từ bộ gen gốc voi ma mút.
Vào năm 2011, nhóm các nhà khoa học từ Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ đã sử dụng ADN từ xác voi ma mút được bảo quản lạnh để cấy trực tiếp vào trứng của một con voi châu Phi.
Tuy nhiên, phương pháp này gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ dù có sự trợ giúp của băng tuyết, nhưng các tế bào gene đã bị phân hủy dần theo thời gian.
Giáo sư di tryền học George Church từ ĐH Harvard (Mỹ) chia sẻ: "Tác động cực mạnh của bức xạ trong hơn mười nghìn năm chắc chắn đã khiến các gene bị phân thành từng mảnh. Vì thế, ADN của chúng mất khả năng hoạt động."
Nhóm nghiên cứu của giáo sư George Church sau đó cũng đã cẩn thận tiến hành cấy các gene voi ma mút vào các tế bào gen của voi châu Á nhờ công nghệ CRISPR. Họ nhận ra rằng gene của voi ma mút có thể giúp voi thường tăng khả năng lưu thông máu ở nhiệt độ thấp, tăng cường phát triển chất béo và lông - những khả năng cho phép cơ thể thích nghi với điều kiện lạnh giá.
Một khi các đặc điểm ưu việt này xuất hiện trên các mô từ tế bào gốc, các nhà khoa học sẽ tiến hành tạo ra một phôi thai mới và nuôi cấy trong tử cung nhân tạo.
Tuyệt chủng hoặc hồi sinh?
Việc đưa trở lại một sinh vật tuyệt chủng cách đây hơn 10.000 năm đã đặt ra cho chúng ta hàng loạt câu hỏi về tính nhân đạo, và mục đích hồi sinh chúng.
Vấn đề hồi sinh những sinh vật tuyệt chủng là một phần quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhà sinh thái học Sergey Zimov cho rằng, việc đưa voi ma mút trở lại môi trường có thể sẽ kích thích thực vật tại các khu vực lãnh nguyên vùng cực phát triển mạnh hơn.
Bạn nên biết rằng, đồng cỏ là khu vực có khả năng nhốt lại carbon từ trong không khí tốt nhất. Ngoài ra, nó giúp băng tuyết vào mùa đông ở lại lâu hơn, và hạn chế được băng tan vào mua hè. Nhờ vậy, lượng carbon thải ra khí quyển sẽ được giảm bớt.
Tất nhiên, đây chỉ là giả thuyết vô cùng lý tưởng. Nhà sinh học Helen Pilcher cho biết: "Chúng tôi thực sự không hình dung được khi hồi sinh voi ma mút, chúng sẽ sống và giao tiếp với môi trường như thế nào. Thậm chí, chúng tôi không biết cách chăm sóc và nuôi dưỡng chúng sao cho tốt? Sẽ mất thời gian rất dài để giả thuyết này thành công."
Hơn nữa, dù cho khoa học có thể hồi sinh được voi ma mút thì một sự thật phũ phàng cũng không thể thay đổi: chúng ta sẽ mất hơn nửa thế kỷ chỉ để giúp được một đàn voi ma mút sống an toàn trong thế giới hiện nay.
Nhưng dù vậy, các biện pháp kĩ thuật dùng để hồi sinh voi ma mút có thể giúp bảo vệ tốt cho các loài sinh vật đang bị đe doạ hiện nay. Điển hình nhất là dự án của giáo sư George Church đã bảo vệ thành công loài chồn đen Bắc Mỹ trước nguy cơ tuyệt chủng vì quan hệ cận huyết.
Dự án tái sinh này cũng tồn tại hai mặt tốt và xấu. Một mặt, loài voi nguyên thủy sẽ góp phần rất lớn vào đa đạng sinh học. Tuy nhiên, các nhà khoa học quan ngại rằng hồi sinh voi ma mút có thể sẽ tác động xấu đến sự cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến một số loài sinh vật khác.
Và thậm chí, nhà sinh vật học Stanley Temple từ ĐH Wisconsin (Hoa Kỳ) chia sẻ thẳng thắn, "Xét cho cùng, hành động hồi sinh chỉ giúp khoa học thể hiện thôi. Bạn hãy suy nghĩ xem, nếu hồi sinh voi ma mút thành công thì những hoạt động cấp thiết bảo vệ các loài sắp bị tuyệt chủng sẽ trở nên vô nghĩa. Hàng loạt loài sinh vật sẽ bị tuyệt chủng. Vì ai cũng tin rằng, khoa học có khả năng hồi sinh chúng một-lần-nữa."