Tại sao iPhone luôn đắt đỏ, có đơn giản chỉ vì giá trị thương hiệu của Táo khuyết?
Các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone, chưa bao giờ có giá rẻ và thậm chí còn tăng đáng kể theo thời gian. Tại sao lại như vậy?
Hãy cùng nhìn vào mức độ tăng giá của điện thoại iPhone trong những năm gần đây: Từ 499 USD vào năm 2007, hiện giờ giá khởi điểm của phiên bản Iphone 11 Pro trên website chính thức Apple là 999 USD. Nhiều ý kiến cho rằng iPhone làm được như vậy đơn giản vì đó là thương hiệu của Apple, và hãng này có khả năng thuyết phục khách hàng chi trả cho những khoản đắt đỏ,
Trên thế giới còn tồn tại thuật ngữ phi chính thức là Apple Tax (Thuế Apple) - thuật ngữ mô tả số tiền tăng thêm mà khách hàng sẵn sàng bỏ ra để sở hữu một sản phẩm Apple, thay vì một sản phẩm của đối thủ với các tính năng tương tự.
Vậy nhưng có đơn giản vì iPhone sở hữu logo Táo khuyết nên sản phẩm này mới có giá cao? Hãy cùng tham khảo 3 lý do dưới đây.
1. Định vị phân khúc cao cấp
Một sản phẩm cao cấp thì tất nhiên mức giá nhà sản xuất đặt ra sẽ không bao giờ thấp, và iPhone là một sản phẩm như vậy. Từng có thời điểm iPhone 5C hạ giá nhưng sau đó, CEO Tim Cook đã bị chỉ trích về hành động này và từ đó ông xác định con đường duy nhất của Apple: Định vị chắc chắn ở phân khúc cao cấp.
"Luôn có tiềm năng từ phân khúc đại chúng. Nhưng chúng tôi không nằm trong phân khúc đó. Có những khách hàng luôn muốn có những sản phẩm tốt nhất, hơn là quan tâm tới giá. Và tôi muốn cạnh tranh điên cuồng để chiếm lĩnh những khách hàng đó", Tim Cook từng chia sẻ như vậy về chiếc lược định vị của Apple.
Báo cáo từ Counterpoint cũng chỉ rõ trong quý 3/2019, Apple thống trị phân khúc smartphone cao cấp trên thế giới với 52% thị phần, bỏ xa Samsung và Huawei với tỷ lệ lần lượt 25% và 12%. Dù tại thị trường Trung Quốc nói riêng, iPhone chưa thể vượt qua dòng P30 và Mate 30 - flagship của Hwawei, nhưng trên bình diện rộng, iPhone XR là smartphone thuộc phân khúc cao cấp bán chạy nhất nhờ vào hiệu năng tốt và mức giá hợp lý
Thị phần smartphone cao cấp trên thế giới trong quý 3/2019.
2. Đầu tư vào R&D
Với mỗi sản phẩm, Apple đầu tư không ít chi phí vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để cho ra đời những công nghệ mới. Chi phí này sau đó sẽ được phản ánh trực tiếp vào giá bán.
Ví dụ với iPhone X, Apple là hãng tiên phong chuyển sang sử dụng màn hình "tai thỏ" và sau đó được nhiều đối thủ khác học tập theo. Apple cũng tự mình thiết kế lại hệ thống bảo mật khuôn mặt, thay vì làm 2D đơn giản, truyền thống, họ chọn làm 3D.
Theo thông tin từ CNBC, Apple đang trên đà chi tiêu mạnh tay cho R&D, với số tiền lên tới 4,2 tỷ USD trong nửa đầu 2019 và tổng cộng khoảng hơn 16 tỷ USD cho cả năm. Còn theo 9to5mac, số tiền R&D của "Táo khuyết" chiếm tới 7,9% tổng doanh thu của hãng trong quý 2/2019.
Chính bản thân CEO Tim Cook cũng đã từng lên tiếng vào 2018 để bảo vệ iPhone X, phiên bản iPhone đắt nhất của Apple tại thời điểm đó.
"Đây là phiên bản iPhone tiên tiến nhất chúng tôi từng tạo ra", Tim Cook nói, đồng thời chỉ ra rằng smarphone này có thể thay thế nhu cầu dùng các thiết bị khác như máy ảnh, máy quay video và máy nghe nhạc.
Ông khẳng định việc tạo ra sản phẩm tiên tiến nhất là không hề rẻ, và Apple sẽ không bao giờ hy sinh chất lượng để đổi lấy giá cả. Vì vậy về mặt lý thuyết số tiền khách hàng bỏ ra để mua những chiếc iPhone mới nhất sẽ giúp Apple tạo ra nhiều cái tiến tuyệt vời hơn trong tương lai.
3. Giá cao bù đắp doanh số sụt giảm
Doanh số iPhone toàn cầu tăng trưởng hàng năm và đạt đỉnh 231 triệu chiếc vào năm 2015. Tuy nhiên Apple đã không thể vượt qua mức kỷ lục doanh số này và lợi nhuận cũng bắt đầu biến động. Nguyên nhân nằm ở xu hướng lớn hơn của cả ngành công nghiệp smartphone nói chung, khi tuổi thọ của một chiếc điện thoại ngày càng dài hơn, đồng nghĩa rằng khách hàng sẽ không nâng đời smartphone thường xuyên như trước đây nữa.
Doanh số iPhone qua các năm. Số liệu update vào tháng 9/2019. Nguồn: Dazeinfo.
Nhưng là một công ty niêm yết, Apple được kỳ vọng tạo ra tăng trưởng cho các cổ đông. Và một cách đơn giản để chống lại doanh số tụt giảm là tăng giá bán. Việc này giúp công ty có biên lợi nhuận cao hơn.
Một phân tích vào 2017 cho biết chi phí sản xuất của iPhone X đắt hơn 25% so với iPhone 8 nhưng có giá bán đắt hơn tới 43%. Cụ thể, chi phí sản xuất iPhone X là 357,5 USD nhưng vì được bán với giá 999 USD nên biên lợi nhuận gộp của sản phẩm này là 64%. Nhờ đó, năm 2018, lợi nhuận của Apple đã có dấu hiệu khởi sắc sau 2 năm tăng trưởng kháđì đẹt trước đó.
Lợi nhuận Apple qua các năm. Nguồn CNBC.
Kết luận
Dù giá bán cao nhưng thực tế tại một số quốc gia, số lượng iPhone còn nhiều hơn lượng dân số. Tuy nhiên hiện nay nhiều người khá quan ngại về khả năng sáng tạo của Apple và thậm chí đã có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng và sự thống trị của iPhone đang chịu áp lực. Đặc biệt khi Apple đã bị Huawei qua mặt trong top 3 nhà sản xuất smartphone có thị phần lớn nhất toàn cầu vào 2018.
Sau cùng hầu hết chuyên gia cho rằng Apple cần phải tạo ra những công nghệ cải tiến mới nhiều hơn và không chỉ tăng giá sản phẩm nhằm tối đa lợi nhuận và duy trì vị trí là một trong những công ty giá trị nhất thế giới.