Tại sao đương quy được gọi là 'nhân sâm nữ'? 8 lợi ích bất ngờ từ loại thảo dược này

08/11/2023 16:00 PM | Sống

Đương quy được gọi là 'nhân sâm nữ' vì có nhiều tác dụng như bổ máu, điều hoà kinh nguyệt, điều trị các bệnh phụ khoa...

Đương quy là một loại thực vật và thảo mộc thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Thông thường, mọi người sẽ sử dụng rễ của đường quy để làm thuốc bổ và hỗ trợ cải thiện một số tình trạng sức khoẻ.

1. Giới thiệu về đương quy

Đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis, họ hoa tán (Apiaceae). Loại thảo dược này có nhiều tên gọi khác như vân quy, tần quy, xuyên quy,...

Đương quy là loại cây thân thảo, chiều cao của cây khoảng từ 40 – 60cm và có thể lên đến 1m khi cây ra hoa. Phần thân của đương quy có màu tím, hình trụ và có rãnh dọc. Hoa có màu trắng lục nhạt, mọc thành chùm ở phía ngọn cây.

Về thành phần hoá học, trong đương quy có chứa: tinh dầu, acid hữu cơ, coumarin, polyacetylen, polysachrid, acid amin, sterol, vitamin (B1,B12,E), brefeldin, một số nguyên tố vi lượng (nhôm, đồng, kẽm, canxi, crom, magie…).

Tại sao đương quy được gọi là "nhân sâm nữ"? 8 lợi ích bất ngờ từ loại thảo dược này - Ảnh 1.

Đương quy còn được gọi là "nhân sâm nữ" (Ảnh: Internet)

2. Lợi ích sức khoẻ của đương quy

Tại sao đương quy lại được gọi là "nhân sâm nữ"? Vì loại thảo dược này có nhiều công dụng đối với phụ nữ như bổ máu, cân bằng nội tiết tố, điều trị bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, không chỉ "bổ" cho phụ nữ mà đương quy còn có nhiều lợi ích sức khoẻ khác đối với nhiều người.

2.1. Lợi ích của đương quy đối với phụ nữ

- Cân bằng nội tiết tố

Mất cân bằng nội tiết là tình trạng mà nhiều chị em phụ nữ gặp phải, tình trạng này gây ra nhiều vấn đề như tăng cân, rối loạn tâm trạng, ảnh hưởng đến giấc ngủ,...

Đương quy có tác dụng điều hoà nội tiết là nhờ có khả năng làm giảm nồng độ estrogen nếu hormone này quá cao và tăng lên nếu chúng quá thấp.

- Giảm đau bụng kinh

Đau bụng kinh dường như là nỗi "ám ảnh" của nhiều chị em phụ nữ. Các cơn đau diễn ra âm ỉ, khó chịu và gây ra sự mệt mỏi.

Ligustilide, một thành phần của đương quy, được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy hoạt động chống co thắt không đặc hiệu, đặc biệt đối với cơ tử cung, loại thảo dược này cũng thúc đẩy lưu thông máu. Do đó, khi sử dụng đương quy, phụ nữ có thể giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt một cách hiệu quả.

Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy 39% phụ nữ dùng đương quy đậm đặc 2 lần mỗi ngày cho biết họ đã cải thiện cơn đau bụng và chu kỳ kinh nguyệt của họ trở lại bình thường.

Tại sao đương quy được gọi là "nhân sâm nữ"? 8 lợi ích bất ngờ từ loại thảo dược này - Ảnh 2.

Ligustilide trong đương quy có tác dụng chống co thắt cơ tử cung nên có thể giảm đau bụng kinh hiệu quả (Ảnh: Internet)

- Giảm các triệu chứng mãn kinh

Đương quy cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh do thiếu máu hoặc ứ máu. Đương quy có thể điều chỉnh nồng độ estrogen. Vì vậy, loại thảo dược này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng mãn kinh.

Tuy nhiên, vì đương quy có thể hoạt động giống như estrogen trong cơ thể nên những người bị ung thư vú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

- Làm sáng da

Nhờ có khả năng thúc đẩy lưu lượng máu nên đương quy cũng giúp làm sáng da, điều trị các nhược điểm trên khuôn mặt như đốm đồi mồi hoặc sắc tố da.

2.2. Lợi ích khác của đương quy

Ngoài những tác dụng đối với sức khoẻ của phụ nữ. đương quy cũng có những lợi ích sức khoẻ khác như:

- Tiềm năng trong việc điều trị ung thư

Chiết xuất đương quy có khả năng ngăn chặn chu kỳ tế bào và gây chết tế bào ở tế bào ung thư. Nghiên cứu cho thấy đương quy có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư gây ra khối u não, bệnh bạch cầu và ung thư ruột kết. Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để đi đến kết luận này.

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy dùng đương quy có thể có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu - số lượng hồng cầu thấp ở những người mắc bệnh ung thư.

- Chống viêm

Theo nghiên cứu, rễ cây đương quy có tác dụng chống viêm tuyệt vời. Các hoạt động dược lý khác nhau của rễ cây đương quy bao gồm tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ tim và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim bằng cách ức chế viêm cơ trơn và kết tập tiểu cầu.

Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng rễ cây đương quy cũng có hiệu quả trong điều trị viêm khớp và viêm khớp dạng thấp do tác dụng điều hòa miễn dịch.

Tại sao đương quy được gọi là "nhân sâm nữ"? 8 lợi ích bất ngờ từ loại thảo dược này - Ảnh 3.

Đương quy có hiệu quả trong điều trị viêm khớp và viêm khớp dạng thấp (Ảnh: Internet)

- Có thể phòng ngừa đột quỵ

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rễ đương quy có hiệu quả trong việc giảm kích thước nhồi máu não và cải thiện điểm thiếu hụt thần kinh. Đương quy có tác dụng này là nhờ cải thiện vi tuần hoàn và chống kết tập tiểu cầu đồng thời có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

- Phòng ngừa táo bón

Dầu chiết xuất từ rễ cây đương quy đặc biệt bổ dưỡng cho máu và có thể được sử dụng thúc đẩy nhu động ruột hoạt động trơn tru. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đương quy có tác dụng nhuận tràng nhẹ. Những người bị táo bón mãn tính có thể cảm thấy tình trạng táo bón giảm dần khi sử dụng đương quy thường xuyên.

Ngoài những lợi ích nổi bật trên, đương quy còn có nhiều tác dụng khác như cải thiện tình trạng suy giảm ham muốn ở cả nam và nữ, giúp làm lành vết loét,...

3. Một số bài thuốc từ đương quy

Đương quy được sử dụng trong nhiều bài thuốc bổ hoặc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, khi áp dụng các bài thuốc này, mọi người cần lưu ý:

- Bài thuốc chưa được khoa học kiểm chứng và không có tác dụng thay thế các chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng.

- Bài thuốc dưới đây chỉ mang tính tham khảo. Không tự ý sử dụng đương quy làm thuốc chữa bệnh mà không có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ hoặc thầy thuốc.

Tại sao đương quy được gọi là "nhân sâm nữ"? 8 lợi ích bất ngờ từ loại thảo dược này - Ảnh 4.

Không tự ý sử dụng bài thuốc từ đương quy để chữa bệnh (Ảnh: Internet)

Bài thuốc cho những người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể

Sử dụng 16g đương quy, 12g thục địa, 8g bạch thược, 6g xuyên khung. Cho tất cả các vị thuốc này vào ấm sắc chung với 600ml nước, đun đến khi còn 200ml thì ngưng. Chia làm 3 lần uống trong ngày và nên uống khi còn ấm.

Bài thuốc trị chứng xuất huyết

Đương quy, bồ hoàng sao vàng hoặc đen, đại hoàng, hòe hoa, a giao, mỗi vị 30g. Đem tất cả các vị thuốc đều tán sao, thêm mật ong làm hoàn, ngày 2 lần, mỗi lần 10g.

Bài thuốc cho những người bị rong kinh

Sử dụng 12g đương quy, 16g bạch thược, 12g sinh địa, 8g xuyên khung, 8g a giao, 8g cam thảo, 8g ngải diệp. Đem tất cả các vị thuốc cho vào ấm và đổ thêm 800ml nước, sắc trên lửa nhỏ. Khi lượng nước rút xuống còn phân nửa là đạt. Chia làm nhiều lần uống trong ngày. Mỗi ngày sử dụng 1 thang.

Bài thuốc cho những người bị táo bón, huyết nhiệt

Sử dụng 4g đương quy, 4g thục địa, 4g đại hoàng, 4g cam thảo, 4g đào nhân, 3g sinh địa, 3g thăng ma và 1g hồng hoa. Cho các vị thuốc vào ấm và thêm 500ml nước, sắc trên lửa nhỏ đến khi còn phân nửa thì ngưng. Chia làm 3 phần và uống trong ngày, uống khi ấm sẽ tốt hơn. Mỗi ngày 1 thang.

Ngoài các bài thuốc trên, mọi người cũng có thể sử dụng đương quy hầm với gà, đuôi bò, cá,....

4. Một số lưu ý khi sử dụng đương quy

Mặc dù đương quy có rất nhiều công dụng đối với sức khoẻ nhưng loại thảo mộc này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Do đó, khi sử dụng đương quy, mọi người nên lưu ý:

- Những người bị dị ứng với các loại thực vật thuộc họ cà rốt, bao gồm hồi, cần tây, thì là và rau mùi tây, không nên dùng đương quy hoặc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

- Đương quy có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone, tretinoin bôi tại chỗ,... Vì vậy, khi bạn đang sử dụng bất kể loại thuốc nào, hãy xin lời khuyên của bác sĩ trước khi sử dụng. Ngoài ra, đương quy ảnh hưởng đến quá trình đông máu khi dùng chung với warfarin.

- Đương quy có thể kích thích các cơ của tử cung và có thể dẫn tới sảy thai. Do đó, phụ nữ đang mang thai không được sử dụng loại thảo dược này.

- Đương quy có một số tác dụng an thần và gây ngủ nên không nên sử dụng trong thời gian cho con bú.

Trên đây là những tác dụng của đương quy, thảo dược được mệnh danh là "nhân sâm nữ" cũng như một số bài thuốc và tác dụng phụ của loại thảo dược này. Vì đây là một vị thuốc Đông y, nên trước khi sử dụng để tăng cường sức khoẻ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc.


Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM