Tại sao đậy nắp khi xả toilet lại góp phần chống dịch Covid-19?
"Chúng tôi có thể lấy mẫu chất thải vệ sinh và cho kết quả chỉ trong 24 giờ một cách nhanh chóng. Chúng tôi có thể làm xét nghiệm nhanh hơn và tập trung nguồn lực vào đúng nơi cần thiết", Giám đốc Halden nhấn mạnh.
Việc những bệnh nhân dịch Covid-19 có thể lây lan thông qua đường khí dung đã được các nhà khoa học chứng minh. Cụ thể là lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.
Tuy nhiên còn một đường lây nhiễm nữa mà không nhiều người để ý tới là qua đường vệ sinh, cụ thể là những chất thải vệ sinh do người bệnh thải ra. Thông thường, bệnh nhân được cách ly và chăm sóc trong các cơ sở y tế sẽ khó lây lan qua đường này khi các chất thải vệ sinh của họ được xử lý kỹ. Tuy nhiên với việc ngày càng nhiều người nhiễm virus Sars-Cov-2 mà không có triệu chứng, rủi ro lây lan qua đường vệ sinh cũng là một hiểm họa trong cộng đồng.
Mới đây, một nghiên cứu của Viện vật lý Mỹ (AIP) cho thấy việc xả toilet có thể khiến những giọt nhỏ trong chất thải vệ sinh bắn lên tận 1m, qua đó bám vào các bề mặt khác và có thể lây lan ra cho những người dùng chung.
Nghiên cứu của AIP
Nghiên cứu của AIP cũng chỉ ra rằng việc xả toilet cũng có thể phát tán các hạt nhỏ ra không khí, trôi nổi và tồn tại trong vòng 1 phút. Nếu những người khác sử dụng chung phòng vệ sinh hít phải thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là có khả năng xảy ra.
"Mối nguy hiểm lây lan dịch bệnh có thể còn cao hơn khi dùng chung toilet thường xuyên, ví dụ như phòng vệ sinh gia đình hay ở nơi công cộng", đồng tác giả Ji Xiang Wang của nghiên cứu từ AIP cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ liều lượng các hạt nhỏ thải ra khi xả toilet có đủ để nhiễm bệnh cho người khác hay không nhưng các chuyên gia khuyên người dân hãy đậy nắp toilet trước khi xả nước.
Nghiên cứu của AIP dựa trên 2 hệ thống xả nước thường dùng hiện nay là 1 ống xả và 2 ống xả. Đối với hệ thống 1 ống xả, nước dội từ trên xuống tạo nên những dòng khí lưu và bắn các hạt nhỏ ra không khí. Với trọng lượng quá nhỏ, những hạt nhỏ này có thể tồn tại trong không khí quanh toilet trong vòng 1 phút trước khi biến mất.
Với hệ thống 2 ống xả, tình hình còn tệ hơn khi chúng tạo thành dòng cuốn khiến 60% hạt nhỏ bị bắn ra không khi bay nhanh hơn.
Xét nghiệm qua đường toilet
Bên cạnh những nghiên cứu về khả năng lây lan qua đường vệ sinh, nhiều nhà khoa học hiện đang đề nghị đẩy mạnh xét nghiệp qua đường toilet để gia tăng hiệu quả cũng như phạm vi kiểm tra. Cụ thể, việc xét nghiệm phân người sẽ nhanh và rẻ hơn nhiều so với việc chờ đợi các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng và tự trình diện ở các cơ sở y tế.
"Chúng ta có thể xét nghiệm hàng trăm nghìn người mà chỉ dùng một vài mẫu thử đơn giản, qua đó tiết kiệm thời gian lẫn chi phí", Giám đốc Rolf Halden của Trung tâm thiết kế sinh học và kỹ thuật sức khỏe môi trường tại đại học bang Arizona nhận định.
Mẫu xét nghiệm chất thải vệ sinh
Hiện nay Mỹ đang bị tụt hậu so với nhiều nước về khả năng làm xét nghiệm. Kể từ cuối tháng 3 đến nay, bình quân Mỹ chỉ làm được khoảng 150.000 xét nghiệm mỗi ngày. Trong khi đó, nghiên cứu của trường đại học Harvard cho thấy Mỹ phải thực hiện được khoảng 20 triệu ca xét nghiệm mỗi ngày mới có thể mở cửa trở lại nền kinh tế.
Dẫu vậy với lệnh cách ly, sẽ rất khó khăn và đắt đỏ cho các nhân viên y tế đến từng nhà xét nghiệm. Thông thường phải mất đến cả tuần thì bệnh nhân mới có triệu chứng và thậm chí nhiều người dương tính với Sars nCov2 mà chẳng phát bệnh.
"Chúng tôi có thể lấy mẫu chất thải vệ sinh và cho kết quả chỉ trong 24 giờ một cách nhanh chóng. Chúng tôi có thể làm xét nghiệm nhanh hơn và tập trung nguồn lực vào đúng nơi cần thiết", Giám đốc Halden nhấn mạnh.
Kỹ thuật xét nghiệm mới cho phép các nhà khoa học xác định nguồn lây bệnh của 1 thành phố, 1 khu dân cư hay hộ gia đình chỉ bằng vài mẫu thử đơn giản, qua đó giúp các cơ quan chức năng khoang vùng dịch. Theo lý thuyết, chất thải vệ sinh của một người nhiễm bệnh dù có lẫn với chất thải của 2 triệu người thì vẫn có thể xét nghiệm ra tùy tình hình môi trường và điều kiện lúc lấy mẫu.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tính toán việc thu thập dữ liệu phân tử từ các nhà máy xử lý chất thải vệ sinh trên toàn quốc và chi phí xét nghiệm chỉ vào khoảng 225.000 USD. Trong khi đó, việc xét nghiệm cho 330 triệu người Mỹ sẽ phải tốn tới 3,5 tỷ USD nếu theo cách thông thường. Thêm nữa, việc xét nghiệm chất thải vệ sinh không yêu cầu mọi người phải tốn công sức đến xếp hàng, chờ đợi tại các điểm lấy mẫu.
Mặc dù vậy, kỹ thuật này vẫn cần nhiều cải tiến khi virus rất nhạy cảm với nhiệt độ và điều kiện môi trường. Nhiều mẫu thử của bệnh nhân nhiễm bệnh có thể không còn virus sau khi đã thải ra ngoài môi trường do nhiệt độ quá cao.
Các nhà máy xử lý chất thải vệ sinh có thể là nơi lấy mẫu xét nghiệm chống dịch Covid-19