Tại sao Đại học phi lợi nhuận Mỹ có thể là cỗ máy kiếm tiền "khủng"?

07/06/2016 14:17 PM | Xã hội

Dù hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, nhưng chính học phí tại các trường này tăng rất nhanh. Nếu bạn nhìn vào xu thế dài hạn, học phí luôn tăng với tốc độ cao hơn khoảng 6% so với tỷ lệ lạm phát.

Ngày 1/7/2015, chính quyền của Tổng thống Obama chính thức tuyên chiến với mô hình trường đại học kinh doanh vì lợi nhuận (for profit). Đó thực sự là một ngày đáng nhớ khi hàng loạt báo lớn nhất của Mỹ đồng loạt đăng tải thông tin về chiến dịch này.

Theo đó, các trường học của nước Mỹ sẽ phải công bố số liệu thực tế cho thấy số tiền mà sinh viên phải chi ra để trả nợ hàng năm không vượt quá 20% thu nhập sau thuế, hoặc 8% tổng thu nhập trước thuế.

Nếu không đáp ứng được yêu cầu trên, trường đại học đó sẽ không tiếp tục nhận được hỗ trợ ngân sách của liên bang, vốn chiếm một phần rất lớn trong tổng nguồn thu ngân sách của nhóm trường đại học vì lợi nhuận (for profit university).

Chính phủ Mỹ đã buộc phải mạnh tay với nhóm trường đại học này bởi dù chỉ 11% tổng số sinh viên Mỹ theo học các trường này nhưng nhóm trường đó lại chiếm đến 44% trong tổng số các vụ vỡ nợ học phí.

Kết quả, trường Corinthian Colleges, một trường từng đứng đầu trong nhóm trường vì lợi nhuận, đã phải đóng cửa sau hàng loạt các cáo buộc, chỉ trích về hành vi cho vay quá nhiều dẫn đến lạm dụng tài chính của sinh viên.

Chiến dịch của chính phủ Mỹ được kỳ vọng là sẽ làm thanh sạch ngành giáo dục Mỹ bởi ước tính có đến 1.400 chương trình giảng dạy với khoảng 840 nghìn sinh viên đang theo học sẽ không thể đáp ứng được quy định mới trong chiến dịch này.

Sau khi bị kết luận không đạt chuẩn, họ sẽ có 2 lựa chọn như sau: đóng cửa hoặc chuyển sang mô hình phi lợi nhuận.

Sau khoảng 2 tháng chiến dịch được thực hiện, đã có những kết quả đầu tiên được công bố. Rất nhiều trường bị đóng cửa, nhiều trường khác phải chuyển sang mô hình phi lợi nhuận với những cam kết chặt chẽ về tài chính đối với sinh viên.

Tuy nhiên sau đó, không ít chuyên gia đã chỉ ra rằng, dù với tên gọi phi lợi nhuận nhưng thực ra mô hình này có thể mang đến nguồn lợi nhuận “khủng”.

Ví dụ như trường hợp của trường Keiser tại Florida. Vào năm 2011, gia đình Keiser sáng lập ra trường đã bán trường này cho trường phi lợi nhuận Everglades College cũng do chính gia đình này sáng lập và bán đi trước đó.

Trong cương vị chủ tịch của trường Everglades, Arthur Keiser được trả lương đến 856 nghìn USD/năm, cao hơn cả chủ tịch đại học Harvard. Đó là chưa kể đến khoản lợi tức từ số tiền 321 triệu USD mà ông cho lãnh đạo trường mới vay để mua lại trường của ông. Lợi suất từ khoản 321 triệu USD đó được đánh thuế rất thấp vì là khoản cho vay trong lĩnh vực giáo dục.

Ngoài ra là rất nhiều nguồn lợi nhuận khác từ cho thuê cơ sở vật chất của trường. Thành viên trong gia đình ông đồng thời được ưu tiên nhận các hợp đồng lắp đặt hệ thống máy tính cho trường đại học mới.

Với 20 nghìn sinh viên tại 15 khu học xá, Keiser University là một trong những trường đã chuyển đổi thành công sang mô hình phi lợi nhuận mà vẫn kiếm tiền rất ổn.

Việc chuyển đổi mô hình trường đại học từ vì lợi nhuận (for profit) sang phi lợi nhuận (non profit) đồng nghĩa với việc lãnh đạo trường sẽ chịu thêm một số hạn chế trong việc kiếm tiền và mất một phần quyền tự chủ đối với trường.

Tuy nhiên nó lại mang đến một quyền lợi quan trọng: các trường đại học phi lợi nhuận không phải đóng thuế, được nhận nhiều hỗ trợ tài chính từ chính quyền liên bang, được nhận tiền từ chương trình cho vay học phí của chính phủ.

Nhiều tổ chức xã hội và chuyên gia pháp lý đã lên tiếng cảnh báo chính phủ Mỹ về thực trạng nhiều trường chuyển đổi mô hình kinh doanh thực chất để né các quy định của chính phủ Mỹ.

“Có nhiều lý do để lo ngại về việc các trường đại học phi lợi nhuận chuyển đổi mô hình để mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho những người chủ cũ của trường”, hiệu trưởng kiêm giáo sư ngành luật tại trường Notre Dame Law School, ông Lloyd Mayer, nhận xét.

Có lý do để nghi ngờ về động cơ của họ. Ví như trường hợp trường Keiser ở trên, hiệu trưởng của trường đồng thời là nghị sỹ Hạ viện Mỹ, đã từng vận động hành lang kịch liệt để bác bỏ các quy định công khai thông tin tài chính của trường đại học, trong đó một yêu cầu bắt buộc là các trường phải có bằng chứng cho thấy sinh viên có đủ khả năng tài chính để trả hết nợ học phí.

Dù hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, nhưng chính học phí tại các trường này tăng rất nhanh. Tính đến mùa thu năm 2015, học phí và các chi phí học liệu liên quan tại đại học Harvard (không tính tiền phòng ở và nhiều chi phí khác) sẽ tiêu tốn của sinh viên mỗi năm 45.278 USD, tăng gấp 17 lần so với chi phí của những năm 1971 – 1972. Nếu mức tăng học phí của đại học Harvard chỉ tương đương với tỷ lệ lạm phát thì con số đó vào thời điểm mùa thu năm 2015 sẽ chỉ là 15.189 USD.

Và câu chuyện ở đây là không chỉ riêng học phí tại Harvard cao và tăng rất nhanh. Mức học phí và các chi phí khác trung bình tại một số trường tư phi lợi nhuận do New York Times khảo sát đứng trung bình ở mức 31.231 USD/năm, tăng chóng mặt so với con số 1.832 USD/năm vào những năm 1971 và 1972. Thực trạng tương tự diễn ra tại rất nhiều trường đại học phi lợi nhuận khác.

Duy chỉ có tại một số ít trường đại học công phi lợi nhuận, học phí năm 2015 chỉ cao hơn 500 USD so với học phí của năm 1971.

“Nếu bạn nhìn vào xu thế dài hạn, học phí luôn tăng với tốc độ cao hơn khoảng 6% so với tỷ lệ lạm phát. Chính vì vậy người ta không khỏi đặt câu hỏi liệu chất lượng có tăng tương xứng không và tiền hỗ trợ của chính phủ đã đi đâu mà sinh viên vẫn phải trả học phí cao như thế”, giáo sư ngành giáo dục tại đại học University of Massachusetts, Boston nhận xét.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM