Đại học phi lợi nhuận Mỹ có phải là 'cây đũa thần' thay đổi cuộc sống cho con nhà nghèo?

06/06/2016 11:25 AM | Kinh doanh

Trong tổng số 1 tỷ USD mà Yale nhận được năm 2014, chỉ có 170 triệu USD được dành để hỗ trợ học phí cho sinh viên.

Đại học Yale nổi tiếng tại Mỹ trong năm 2014 đã nhận được tổng số tiền hiến tặng lên đến 1 tỷ USD. Và bạn có biết bao nhiêu phần trăm trong số đó được dành cho sinh viên?

Và nếu nhìn từ góc độ khác, những chuyên gia quản lý quỹ của trường Yale hay sinh viên trường được hưởng lợi nhiều hơn từ quỹ hiến tặng này?

Kết quả công bố cuối cùng cho thấy như sau: Yale đã trả 480 triệu USD cho các chuyên gia quản lý quỹ của trường, 137 triệu USD cho phí quản lý hàng năm, 343 triệu USD cho tiền thưởng cho các chuyên gia đó. Quỹ này của Yale quản lý 1/3 số tiền hiến tặng khoảng 8 tỷ USD của trường

Trong tổng số 1 tỷ USD mà Yale nhận được, chỉ có 170 triệu USD được dành để hỗ trợ học phí cho sinh viên, tài trợ nghiên cứu và giải thưởng các loại. Và trường hợp tương tự diễn ra tại 4 trường đại học danh tiếng khác bao gồm Harvard, University of Texas, Stanford và Princeton.

Tiền được đóng vào quỹ hiến tặng được miễn tất cả các loại thuế thu nhập, bởi tiền này được góp với mục đích nâng cao tri thức cộng đồng. Tuy nhiên có một thực tế đang tồn tại ở Mỹ đó là thay cho việc giúp làm giảm học phí cho sinh viên hay tăng ngân sách nghiên cứu thì mục đích hiến tặng lại đang được lạm dụng để hút tiền.

Các tổ chức tư nhân thông thường chịu ràng buộc bởi yêu cầu phải chi số tiền tương đương ít nhất 5% tổng tài sản mỗi năm. Với thực trạng sinh viên không được hưởng lợi nhiều từ các quỹ hiến tặng như hiện nay, đã có nhiều ý kiến cho rằng các quỹ tư nhân nên bị bắt buộc phải chi ra 8% tổng tiền hiến tặng mỗi năm.

Từ sau thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, số tiền hiến tặng cho các quỹ tại trường đại học Mỹ tăng chóng mặt bởi kinh tế phục hồi. Tổng số tiền trong quỹ hiến tặng của Yale hiện nay đã lên mức 24 tỷ USD, tăng hơn 50% từ năm 2009.

Tiền hiến tặng cho các quỹ tại trường đại học thuộc nhóm “quý tộc” của nước Mỹ tăng rất nhanh. Có thể kể đến một loạt những khoản đóng góp cực lớn ví như vào năm 2014, chuyên gia quản lý quỹ Kenneth C. Griffin, đã góp 150 triệu USD cho trường Harvard.

Tháng 5/2014, chủ tịch kiêm đồng sáng lập ra quỹ Blackstone tặng 150 triệu USD cho trường Yale để xây trung tâm sinh viên. Một chuyên gia quản lý quỹ khác, ông John A Paulson, góp 400 triệu USD cho Harvard vào tháng 6/2014.

Với những khoản tiền quyên góp khủng khiếp như trên, không có gì ngạc nhiên khi mà quan hệ giữa các quỹ đầu cơ và quỹ hiến tặng của trường đại học luôn vô cùng “khăng khít”. Quỹ của trường mang khoản tiền nhận được đi đầu tư và hoàn lại cho các nhà quyên góp khoản lợi suất nhất định.

Mối quan hệ này có lợi cho cả hai bên, nhà đầu tư - trường đại học được miễn thuế với lợi nhuận thu về, còn phần lợi nhuận mà họ trả cho nhà quyên góp được hưởng mức thuế cực kỳ ưu đãi. Và tất nhiên cho đến nay chẳng có trường đại học nào công bố mức lợi nhuận mà họ hoàn lại cho các nhà quyên góp là bao nhiêu.

Trong khi số tiền hiến tặng vào Yale tăng chóng mặt từ năm 2009, nhưng đến năm 2014, Yale vẫn thu 291 triệu USD từ sinh viên, con số không hề thấp hơn so với các năm trước đó.

Năm 2012, Harvard chi 242 triệu USD từ tiền hiến tặng để hỗ trợ học phí cho sinh viên. Năm 2014, Harvard chi 362 triệu USD cho cho các chuyên gia quản lý quỹ hiến tặng của trường và gần 1 tỷ USD cho tổng phí quản lý các hoạt động đầu tư. Có nghĩa là tiền dành để hỗ trợ cho sinh viên không thấm vào đâu so với tiền trả cho các nhà quản lý quỹ của trường.

Tại các trường đại học nhỏ, tình hình cũng không khá hơn. Tại trường đại học University of San Diego, trong khi tiền dành để hỗ trợ học phí cho sinh viên là 2 triệu USD vào năm 2012. Năm 2014, tiền phí quản lý trả cho các chuyên gia quản lý quỹ của trường lên đến 5 triệu USD và tổng chi phí quản lý các khoản đầu tư nói chung là 13 triệu USD.

Chuyên gia quản lý các quỹ hiến tặng khẳng định khi họ thu khoản phí cao đồng nghĩa với việc lợi suất đầu tư cao. Trong 20 năm qua, dưới sự quản lý của ông David F. Swensen, quỹ đầu tư của đại học Yale luôn kiếm được lợi suất rất cao.

Dù vậy sẽ là rất thiếu sót nếu khẳng định rằng sinh viên không được lợi gì từ khoản lợi nhuận đầu tư từ các quỹ hiến tặng. Yale đã chi tiêu khá rộng rãi để xây dựng cơ sở hạ tầng, trả lương thuê thêm giáo sư, tăng tiền cho quỹ nghiên cứu. Tuy nhiên mọi chuyện hoàn toàn có thể tốt hơn nếu các quỹ hiến tặng của các trường đại học bị ràng buộc bởi quy định phải chi ra ít nhất khoảng 8% tiền hiến tặng mỗi năm.

Theo đề xuất dự luật giáo dục mới đây, Quốc Hội Mỹ sẽ yêu cầu các trường đại học có khoản hiến tặng từ 100 triệu USD trở lên phải phải chi tiêu ít nhất 8% tổng số tiền hiến tặng mỗi năm. Các trường đại học có thể nhanh chóng né quy định này bằng cách giảm tổng số tiền hiến tặng xuống 99 triệu USD.

Nếu những đề xuất trên được áp dụng, chắc chắn tình trạng học phí tăng đều qua các năm và tình trạng hàng chục nghìn sinh viên phải bỏ học vì nợ học phí sẽ giảm dần.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM