Tại sao chúng ta thường nói "tôi đã rất hạnh phúc" nhưng hiếm khi nói “tôi đang rất hạnh phúc"?
Tại sao lại như vậy? Và như vậy thì việc theo đuổi hạnh phúc có ý nghĩa gì?
Lần cuối cùng bạn nghe một người nói “Thực sự bây giờ tôi rất hạnh phúc” là khi nào? Đã lâu lắm rồi đúng không? Hay thậm chí là chưa nghe thấy bao giờ? Nhưng điều chắc chắn là, hầu hết những người bạn biết đều nhớ về những khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong quá khứ. Nhưng tại sao lại như vậy? Và như vậy thì việc theo đuổi hạnh phúc có ý nghĩa gì?
Theo Giáo sư Tâm lý học Frank T. McAndrew từ Đại học Knox, chuyện này bắt nguồn từ thực tế là việc theo đuổi hạnh phúc – một trong những mối bận tâm của nghiên cứu tâm lý học từ thập niên 1990 – là một việc làm không có kết quả. Bạn không nên lúc nào cũng muốn được hạnh phúc. Nhưng tại sao lại như vậy?
Câu trả lời rốt cuộc lại là điều mà cha mẹ bạn vẫn nói với bạn từ khi còn bé: Bạn không thể có tất cả được. Hạnh phúc hóa ra không phải là một điều duy nhất, mà là rất nhiều điều khác nhau và thậm chí mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn, bạn không thể vừa để dành tiền cho cuộc sống an nhàn và sự nghiệp sau này, lại vừa mua sắm tiệc tùng liên tục và đi du lịch hàng tháng. Nhưng cả hai lại đều là các dạng thức của hạnh phúc, và tất nhiên bạn cần phải hy sinh một trong hai thứ.
Và tất cả những điều này đều được tạo dựng trong một bộ não vốn được lập trình để không hạnh phúc. Chúng ta luôn cho rằng quá khứ đẹp đẽ hơn nó vốn có và luôn hình dung tương lai sẽ tốt hơn bây giờ.
Từ quan điểm tiến hóa thì điều này hoàn toàn có lý: mơ mộng về một tương lai tốt đẹp hơn khiến chúng ta không ngừng cố gắng, đấu tranh để sinh tồn, trong khi những ảo tưởng về quá khứ vẫn luôn thôi thúc và bảo ta rằng mọi thứ hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng ngay cả khi quan điểm của chúng ta đã thay đổi đáng kể, thì cuộc sống hiện tại nhìn chung vẫn là những trải nghiệm không hề dễ chịu.
Vì thế đừng nên lúc nào cũng muốn được hạnh phúc. Nhờ vậy, khi hạnh phúc đến, bạn sẽ nhận ra nó và trân trọng nó hơn.