Tại sao chứng khoán Việt Nam chưa “rực ánh hồng”?
Tờ The National nhận định câu chuyện đổi mới của Việt Nam rất thuyết phục và hấp dẫn, tuy nhiên vẫn còn một phân khúc trong nền kinh tế bị tụt lùi lại đằng sau, đó là thị trường vốn.
Năm 2015, kinh tế Việt Nam phát triển xấp xỉ 7%. Tuy nhiên mức tăng trưởng này không phản ánh trên thị trường chứng khoán.
Trong quý đầu năm 2016, diễn biến trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đi ngang thiếu đột biến. Trong khi đó, chỉ số tại Sở giao dịch chứng khoán HCM giảm 3% so với cùng kỳ.
Phải ghi nhận hai sàn đã phục hồi đáng kể từ đáy vài năm về trước, tờ The National nhận định. Tuy nhiên vẫn còn một câu hỏi để ngỏ: Tại sao thị trường chứng khoán của Việt Nam diễn biến kém sắc trong khi bức tranh kinh tế vĩ mô xán lạn bậc nhất khu vực?
Trong năm 2015, lượng cổ phiếu phát hành giảm xuống chỉ còn xấp xỉ một nửa so với năm 2014. Cả hai sàn chỉ ghi nhận một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 49,3 triệu USD trong cả năm, theo số liệu của Thomson Reuters. Năm 2014, hai đợt phát hành lớn thu hút khoản vốn lên tới 156,6 triệu USD.
Chưa kể, đợt IPO kể trên của Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không tạo một cú nổ trên thị trường như kỳ vọng. Công ty chỉ bán đấu giá hơn 77 triệu cổ phần, tương đương 3,47% vốn điều lệ công ty sau khi cổ phần hóa.
Tờ báo cho rằng nguyên nhân chí cốt là do thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu những mã chứng khoán rẻ và có “sức khỏe” tốt.
Một nhà quản lý quỹ tại Việt Nam từng nhận xét “thị trường thiếu các mã chứng khoán tốt. Có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động ì ạch niêm yết trên sàn, còn số doanh nghiệp tư nhân phát triển nổi bật thì lại thiếu”.
Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của quỹ Dragon Capital, cho rằng “tính chất ‘nông’ của thị trường vốn tại Việt Nam cấu thành một gánh nặng đối với cả nền kinh tế”.
Một mặt, chính phủ muốn niêm yết các doanh nghiệp nhà nước để thu hút vốn, giải phóng tài sản, mở rộng quan hệ đối tác. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài khiến giới chức lo ngại về tình trạng bị thâu tóm, mất quyền kiểm soát đối với những doanh nghiệp quốc doanh vốn được xem là xương sống của nền kinh tế.
Nhưng chính phủ Việt Nam đang có nhiều nỗ lực, The National ghi nhận. Nhiều tập đoàn chứng khoán đa quốc gia như Warburg Pincus, CVC Capital Partners và Standard Chartered Private Equity đang tích cực thâm nhập thị trường, thành lập văn phòng và tìm kiếm đối tác.
Các quỹ nước ngoài cũng dồn lực đầu tư vào những tài sản tiềm năng đang được định giá rẻ. Quỹ Advance Frontier Markets Fund đặt tại London, quản lý 129,5 triệu USD tài sản, đang bạo tay rót vốn vào chứng khoán Việt Nam. Tỷ trọng đầu tư vào thị trường này chiếm đến 15,1% danh mục của quỹ, lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Bên cạnh đó là những thay đổi về chính sách. HNX và Trung tâm lưu ký chứng khoán đang làm việc để chuẩn bị ra mắt thị trường phái sinh vào quý IV năm nay.
Ông Adrian Pop, Giám đốc quản lý danh mục tại quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi East Capital ở Hong Kong, cho biết ông “liên tục tìm cách để tăng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hai quỹ đầu tư vào thị trường biên” của công ty.
Cuối cùng, một số doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang nhắm tới phát hành cổ phiếu trên cả sàn nội địa và quốc tế.
Hãng hàng không VietJet Air kỳ vọng huy động 800 triệu USD từ IPO tại Hong Kong hoặc Singapore tính đến cuối quý III, 30% trong số đó đến từ nhà đầu tư ngoại. MobiFone đang lên kế hoạch cho đợt IPO có thể định giá tập đoàn lên tới 4 tỷ USD.