Tại sao chứng khoán tăng điểm lại là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang "chết"?
Chuyên gia Paul Krugman cho rằng việc Phố Wall phá vỡ kỷ lục liên tiếp thời gian gần đây không hẳn là một tín hiệu hoàn toàn tích cực cho nền kinh tế Mỹ.
*Bài viết dựa trên bài phân tích của chuyên gia kinh tế Paul Krugman trên tờ New York Times.
Các chuyên gia kinh tế thường không đi sâu phân tích quá về thị trường chứng khoán. Thị trường này thường nhạy cảm hơn những thị trường khác do ảnh hưởng nhiều bởi tin đồn, tâm lý nhà đầu tư hay hiệu ứng đám đông.
Thông thường, giá cổ phiếu không phản ánh đúng hiện trạng của nền kinh tế vĩ mô cũng như viễn cảnh tương lai kinh tế mà nhiều chuyên gia dự đoán.
Như những gì chuyên gia kinh tế Paul Samuelson đã nói, thị trường Phố Wall trong lịch sử thậm chí đã dự đoán 9 cuộc suy thoái nhưng chỉ có 5 cuộc là diễn ra trên thực tế, còn lại chỉ là “tưởng tượng”.
Tuy nhiên, chúng ta không nên hoàn toàn bỏ qua thị trường chứng khoán khi bàn về kinh tế. Đặc biệt là khi chỉ số chứng khoán Mỹ thời gian gần đây đã liên tiếp phá những kỷ lục, chỉ số Dow Jones hiện đã tăng 177% từ mức thấp trong thời kỳ khủng hoảng tháng 3/2009.
Dẫu vậy, đây có phải thực sự là điều đáng vui mừng?
Trên thực tế, chuyên gia Paul Krugman cho rằng đây không hẳn là một tín hiệu hoàn toàn tích cực. Thậm chí đà tăng điểm trên phản ánh những vấn đề tiêu cực trong nền kinh tế Mỹ hơn là những điểm mạnh.
Giáo sư kinh tế học Paul Krugman của trường đại học Princeton-Mỹ
Thực tế người Mỹ không giàu hơn
Chỉ số chứng khoán chỉ phán ánh được lợi nhuận của công ty mà không nói lên hết được thực trạng GDP của toàn nền kinh tế, bao gồm thu nhập của người lao động.
Thông thường chúng ta đo lường hiệu quả một nền kinh tế thông qua mức độ tăng thu nhập cho người dân. Dẫu vậy thị trường chứng khoán không phản ánh tổng GDP của toàn xã hội mà chỉ nói lên phần thu nhập được ghi nhận là lợi nhuận doanh nghiệp. Trong khi phần thu nhập của người lao động lại không được phản ánh rõ.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu tỷ lệ thu nhập của doanh nghiệp trong tổng GDP được giữ ở mức ổn định, nhưng tỷ lệ này lại liên tục thay đổi qua từng thời kỳ. Hiện nay, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp cao hơn rất nhiều so với thời kỳ chứng khoán bùng nổ thập niên 90.
Như vậy, rõ ràng là lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh nhưng nền kinh tế vĩ mô lại không bùng nổ mạnh như vậy sau những đợt suy thoái và khủng hoảng.
Do đó, nguyên nhân duy nhất giải thích lợi nhuận doanh nghiệp tăng khi tổng GDP không tăng mạnh tương ứng là do thu nhập của người lao động Mỹ đang bị xói mòn bởi các doanh nghiệp.
Vì vậy, đà tăng chứng khoán không nói lên rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt hay người dân Mỹ đang giàu lên, nó chỉ phản ánh rằng các doanh nghiệp đang ngày càng bóc lột người lao động nhiều hơn.
Không có nhiều kênh đầu tư lợi nhuận như chứng khoán
Một yếu tố nữa cho thấy chứng khoán tăng điểm chưa chắc đã là tin vui nằm ở yếu tố cơ hội đầu tư trong tương lai.
Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán, thực tế là họ muốn đầu tư cho tương lai với hy vọng cổ phiếu, trái phiếu sẽ tăng giá hoặc đem lại lợi nhuận. Tuy nhiên yếu tố này bị ảnh hưởng rất mạnh bởi các chi phí cơ hội mà những nhà đầu tư này có thể kiếm lợi nhuận nhờ các kênh đầu tư khác.
Thật trớ trêu, lãi suất tại Mỹ đang thấp và lãi suất trái phiếu dài hạn cũng không cao. Thị trường bất động sản mới hồi phục, thị trường hàng hóa và dầu mỏ đang thấp, thị trường tiền tệ thì nhiều biến động. Hệ quả là các nhà đầu tư Mỹ không có nhiều kênh lựa chọn nào khác ngoài chứng khoán.
Đây là một trong những yếu tố khiến dòng tiền ồ ạt chảy vào Phố Wall thời gian gần đây.
Như vậy, rõ ràng chứng khoán tăng điểm không phải do nền kinh tế Mỹ khởi sắc mà là không còn nhiều kênh đầu tư hấp dẫn như chứng khoán. Đây là một tín hiệu không mấy khả quan cho kinh tế Mỹ.
Các công ty ngày càng thích “tiền mặt”
Khi thương mại và kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, kinh tế Trung Quốc giảm tốc thì doanh thu của các công ty Mỹ không thể tăng quá mạnh. Dẫu vậy báo cáo lợi nhuận của nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn rất cao.
Do đó, nguyên nhân khiến báo cáo lợi nhuận của những tập đoàn này cao như vậy không phải do doanh thu mà là do họ giữ lại quá nhiều “tiền mặt” trong bảng cân đối tài chính.
Những ví dụ điển hình là Apple, Google hay Microsoft, họ có nhiều lợi nhuận nhưng do lãi suất thấp khiến các công ty này không có hứng thú đầu tư. Thay vào đó, họ giữ lại tiền mặt và khiến báo cáo lợi nhuận trông đẹp đẽ hơn.
Sức thu hút từ các báo cáo tài chính cùng chính sách mua lại cổ phiếu của nhiều công ty Mỹ đã thu hút nhà đầu tư mua vào, qua đó đẩy các chỉ số tăng điểm mạnh. Hầu như nhà đầu tư nào cũng muốn hưởng lợi từ khối “tiền mặt” khổng lồ mà các tập đoàn giữ lại.
Như vậy, rõ ràng là Phố Wall tăng điểm chưa chắc đã tốt cho nền kinh tế Mỹ và ngược lại, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chưa chắc đã phản ánh hết quá thị trường chứng khoán.