Tại sao các nhà quản lý thích "diễn vở kịch" sa thải nhân viên vào chiều thứ 6?
Khi một nhân viên bị sa thải bởi sự thất bại hay không đạt tới tiêu chuẩn công việc của công ty, cách duy nhất để giải quyết vấn đề là trao đổi trực tiếp.
Hầu hết các nhà quản lý đều thích diễn vở kịch này vào chiều muộn ngày thứ Sáu. Thời điểm đó, hầu hết đồng nghiệp của người bị sa thải đều đã rời văn phòng. Do đó, người bị sa thải sẽ không phải chịu cảnh bị bẽ mặt trước một "khán giả" nào đó.
Hơn nữa, nhân viên đó có thể sử dụng thời gian cuối tuần để thu xếp mọi việc và chuẩn bị tìm kiếm một công việc mới, đăng ký trợ cấp thất nghiệp hoặc làm tất cả những gì cần thiết.
Bất kỳ khoản tiền nào mà họ xứng đáng được hưởng đều nên được thanh toán vào cuối buổi trò chuyện. Việc say mèm đã là quá đủ cho một cơn chấn động tâm lý, việc phân vân không biết khi nào các tấm séc mới được gửi đến càng làm tăng thêm nỗi khốn khổ.
Tiền trợ cấp thôi việc – nếu có trong chính sách của công ty – cũng nên được thanh toán luôn vào thời điểm đó. Các kỳ nghỉ lễ hay nghỉ phép cũng nên được tính luôn vào tiền trợ cấp.
Hãy đặt bạn vào vị trí của người khác. Chắc chắn bạn cũng sẽ cảm thấy việc sa thải là không hoàn toàn công bằng. Trừ khi bạn nhận được tất cả số tiền mà bạn xứng đáng được hưởng, còn nếu không bạn sẽ nghĩ: "Ồ, tôi sẽ thuê một luật sư để lấy lại số tiền mà cái công ty chết giẫm kia nợ tôi".
Hãy loại bỏ ngay tư tưởng đó khỏi đầu những nhân viên bị sa thải bằng cách suy xét trước đến tất cả các vấn đề đó.
Một hành động lịch sự khác mà bạn cần thực hiện là giữ bí mật về việc nhân viên bị sa thải. Tất nhiên, bộ phận nhân sự và kế toán cần phải biết điều này. Nhưng thay vì thảo luận vấn đề với những nhà quản lý cần thiết, bạn nên xử lý vấn đề một cách cẩn thận, kín đáo.
Phân cảnh cuối cùng trong vở kịch sa thải chắc chắn sẽ là giai đoạn ít thoải mái nhất cho bạn – một nhà quản lý. Đó là bởi trong buổi trò chuyện căng thẳng cao độ cuối cùng, bạn sẽ phải đối mặt trực tiếp với nhân viên, do đó bạn sẽ muốn phân cảnh đó qua đi nhanh nhất có thể.
Cách tốt để bắt đầu một cuộc sa thải hay thông báo thôi việc đó là nhìn nhận tổng quát lại những gì đã xảy ra. Không cần phải kéo dài việc này cũng như không cần nói hết những sai lầm của người khác.
Việc này nên diễn ra như sau: "Như anh đã biết trong cuộc trò chuyện trước đây, chúng ta đã đề ra những tiêu chuẩn nhất định trong công việc. Tôi cho rằng chúng ta đã gần tiến đến được những tiêu chuẩn này dựa trên những nền tảng hợp lý và công bằng.
Như tôi đã đề cập với anh rất nhiều lần trong vài tuần trước, công việc của anh không đạt được tiêu chuẩn đề ra. Tôi không cho rằng đó là do sự thiếu nỗ lực từ phía anh.
Tuy nhiên, công việc đã không được hoàn thành và tôi nghĩ rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với anh. Chúng ta cần phải kết thúc công việc của anh tại đây hôm nay. Tôi thật sự lấy làm tiếc về điều đó.
Tôi đã rất hy vọng công việc được hoàn thành ở mức tốt nhất có thể. Nhưng mọi việc không được như mong muốn, và chúng ta buộc phải đối mặt với thực tế.
Đây là phiếu thanh toán tiền cuối cùng, bao gồm trợ cấp thôi việc trong một tháng cộng với tiền nghỉ lễ và nghỉ phép. Số tiền này mang lại cho anh khoản thu nhập trong khoảng thời gian đủ để anh tìm một công việc khác".
Bạn có thể biến đổi trọng tâm tùy theo từng trường hợp, nhưng trên đây là những điều cần phải nói. Không tô vẽ cho những tin xấu đó nhưng cũng không được quá lỗ mãng, thẳng thừng. Bạn sẽ phải tìm ra những câu nói phù hợp với từng tình huống cũng như giúp bạn cảm thấy thoải mái.
May mắn là thời kỳ gửi kèm thông báo sa thải nhân viên vào phong bì lương của họ đã qua. Cách làm đó quả thật rất thiếu nhân văn. Người ta có thể hiểu được sự cần thiết của hành động đó trong một nhà máy mà ở đó hàng nghìn người buộc phải bị sa thải hoặc toàn bộ nhà máy bị đóng cửa và tất cả mọi người đều phải ra đi.
Những tình huống đó hoàn toàn không liên quan gì đến hiệu suất công việc của mỗi cá nhân. Khi một nhân viên bị sa thải bởi sự thất bại hay không đạt tới tiêu chuẩn công việc của công ty, cách duy nhất để giải quyết vấn đề là trao đổi trực tiếp.
Là một nhà quản lý, bạn muốn tránh khỏi cuộc đối đầu trực tiếp này, nhưng đó là một phần trong trách nhiệm công việc và phải được giải quyết một cách thẳng thắn. Tại phần lớn các công ty, cuộc trò chuyện cuối cùng là bước chốt hạ trong quy trình kỷ luật cũng như theo quy định của luật lao động là việc cần thiết và thích đáng để thực hiện.
* Nội dung trích trong cuốn sách: "Lần đầu làm sếp" của LOREN B. BELKER & GARY S. TOPCHIK