Tại sao các hộp ngũ cốc trẻ em tại siêu thị đều có nhân vật đại diện với đôi mắt to?
Tiếp xúc bằng mắt giúp mọi người xây dựng được lòng tin và gia tăng sự tự tin khi giao tiếp, nhưng liệu điều này có thể áp dụng cho mối quan hệ giữa người tiêu dùng và sản phẩm?
Trong một nghiên cứu gần đây của Đại học Cornell, các chuyên gia đã phân tích hơn 65 loại hộp ngũ cốc khác nhau đang được bán tại 10 siêu thị với hơn 86 nhân vật đại diện thương hiệu. Trong đó, có 57 nhân vật đại diện hướng đến đối tượng chính là trẻ em và 29 nhân vật còn lại dành cho người lớn.
Dựa vào các thuật toán, kết quả cho thấy đa phần các nhân vật trên hộp ngũ cốc cho trẻ em đều có hướng mắt nhìn xuống (-9,67°), trong khi các nhân vật trên hộp ngũ cốc người lớn lại có ánh mắt tương đối ngang (0,43°).
Thêm vào đó, ngũ cốc cho trẻ em thường được đặt ở những tầng thấp hơn so với ngũ cốc cho người lớn. Những kết quả này cho thấy các hãng ngũ cốc đã áp dụng một “chiến thuật” tâm lý đầy tinh vi để cho các nhân vật đại diện thương hiệu của mình được nhìn thẳng vào mắt người tiêu dùng. Nhưng liệu duy trì tiếp xúc bằng mắt với khách hàng có thể đem lại hiệu quả kinh doanh?
Sau khi nhận thấy chiến lược của các công ty ngũ cốc như trên, các chuyên gia của Đại học Cornell đã dùng phần mềm Photoshop để điều chỉnh ánh mắt của các nhân vật tránh khỏi ánh mắt của người tiêu dùng trên một số hộp ngũ cốc nhất định.
Tiếp theo đó, các chuyên gia lựa chọn ngẫu nhiên 63 sinh viên khác nhau của một trường Đại học lớn để đánh giá các loại nhãn hiệu ngũ cốc dựa trên các tiêu chí: Độ tin tưởng, cảm giác kết nối và sự quan tâm. Kết quả một lần nữa cho thấy các hộp ngũ cốc nhìn trực tiếp vào mắt người dùng tạo cảm giác kết nối hơn và người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm này so với các sảm phẩm tương tự.
Nghiên cứu trên cho thấy các nhãn hàng tiêu dùng đã nghiên cứu rất kỹ và áp dụng những kiến thức tâm lý học để thúc đẩy doanh thu và hình ảnh thương hiệu của mình, nhất là đối với những đối tượng dễ bị chi phối tâm lý như trẻ nhỏ.