Tại sao "Anh quyết rời EU bất chấp tất cả" lại đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản vui mừng?
Một loạt các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nga, Ấn Độ, Nam Phi… sẽ được lợi nếu "Brexit cứng" xảy ra.
Mới đây, Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã được bầu làm lãnh đạo mới của Đảng cầm quyền Bảo thủ, đồng nghĩa sẽ thay thế Thủ tướng Anh Theresa May làm tân lãnh đạo của nền kinh tế này. Câu chuyện chẳng có gì đáng nói nếu nhà chính trị này không có quan điểm cứng rắn muốn Anh nhanh chóng rời Liên minh Châu Âu (Brexit) vào hạn chót cuối tháng 10/2019, dẫn đến nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD kinh tế cho nhiều thị trường.
Việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) bằng bất cứ giá nào trước cuối tháng 10 sẽ khiến nền kinh tế này không đạt được thỏa thuận thương mại nào giữa 2 thị trường, tạo nên sự xáo động và khủng hoảng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang làm việc tại đây. Tệ hơn, việc không có thỏa thuận đồng nghĩa Anh và EU sẽ phải thiết lập lại các quy định về kiểm soát biên giới, nhập cảnh, giao thương, tài chính… những thứ mà 2 nền kinh tế vốn đã gắn bó với nhau nhiều năm nay.
Kẻ khóc người cười
Một kịch bản rời EU không có thỏa thuận, hay còn gọi là Brexit cứng sẽ khiến Anh không có quá trình chuyển tiếp 21 tháng như đã thỏa thuận hôm 19/3 vừa qua, khiến Anh không giữ được quyền tiếp cận thị trường Châu Âu và ngược lại. Nền kinh tế này cũng không kịp đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với những đối tác của EU, vốn từng ký thỏa thuận với cả EU bao gồm Anh.
Đây là một viễn cảnh tệ hại với Anh khi quốc gia này nhập khẩu khá nhiều hàng hóa, lao động cũng như có mối liên kết tài chính chặt chẽ với EU. Số liệu chính thức năm 2017 cho thấy EU chiếm 53% tổng lượng hàng nhập khẩu của Anh và nếu Brexit cứng xảy ra, xuất khẩu từ EU sang Anh có thể giảm 34,5 tỷ USD.
Không riêng gì Châu Âu, hàng loạt nền kinh tế cũng sẽ thiệt hại bởi Anh chiếm đến 3,5% thương mại toàn cầu. Nền kinh tế này đã nhập khẩu 680 tỷ USD hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới năm 2018 và được hưởng lợi lớn từ những thỏa thuận thương mại chung của toàn khối EU với các thị trường khác.
Theo thống kê, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nước chịu thiệt hại lớn nhất khi "Brexit cứng" xảy ra nếu Anh không kịp đàm phán một thỏa thuận mới với họ. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Anh vào khoảng 2,4 tỷ USD. Những nền kinh tế chịu thiệt hại tiếp theo sẽ là Hàn Quốc, Na Uy, Iceland, Campuchia và Thụy Sĩ.
Trái ngược lại, một loạt các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Ấn Độ, Nam Phi… sẽ được lợi nếu "Brexit cứng" xảy ra. Nguyên nhân là hàng hóa xuất khẩu của họ sang Anh sẽ được đánh thuế đồng đều với những nước trước đây được hưởng ưu đãi nhờ hiệp định thương mại. Với lợi thế về giá, hàng nhập khẩu rẻ hơn của các nước này sẽ cạnh tranh hơn.
Báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy Trung Quốc sẽ được hưởng lợi thêm 10,2 tỷ USD nếu Brexit cứng xảy ra, còn Mỹ là 5,3 tỷ USD, Nhật Bản là 4,9 tỷ USD.
Khủng hoảng
Ngoài những số liệu về thiệt hại, việc Anh rời EU không có thỏa thuận sẽ khiến nền kinh tế thứ 5 thế giới gặp khủng hoảng toàn diện về tài chính, việc làm, giao thông, du lịch, công nghệ… Đồng Bảng Anh sẽ mất giá trong khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu do lo sợ bất ổn kinh tế. Trong tháng 7 này, đồng Bảng Anh đã mất giá 2% và nếu tính từ đầu năm là 2,6%.
Không dừng lại ở đó, báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) cho thấy khoảng 612.000 việc làm ở hơn 43 quốc gia sẽ bị mất do ảnh hưởng của "Brexit cứng".
Một đồng Bảng Anh đổi ngày càng ít USD theo tỷ giá 5 năm qua
Về giao thông, Anh và EU sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đàm phán lại thỏa thuận về hàng không cũng như các tuyến đường giao thông. Các hãng hàng không của Anh lẫn EU sẽ mất quyền tự động khai thác các chuyến bay trên vùng trời của nhau.
Về du lịch, hành khách của EU sang Anh sẽ cần giấy tờ mới cũng như nhiều thủ tục hơn trước và ngược lại. Hơn nữa, giá cả khách sạn và sinh hoạt đi lên cũng sẽ khiến du khách mất hứng thú với địa điểm này.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến viễn thông, hệ thống y tế, thương mại điện tử, logistic… cũng sẽ gặp trục trặc do Anh và EU đã gắn kết quá lâu.
Theo nhiều dự báo, nền kinh tế Anh có thể mất 30 tỷ Bảng, tương đương 37,3 tỷ USD do "Brexit cứng". Tệ hơn, hiện tượng khan hiếm hàng thiết yếu như thuốc men có thể diễn ra do gián đoạn giao thông, thương mại.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,3% xuống 3,2% trong năm nay và từ 3,6% xuống 3,5% vào năm 2020. Nguyên chính là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như nguy cơ "Brexit cứng" xảy ra.