Tại sao AirPods bị cả Internet nhạo báng khi ra mắt lại thành công?
Nếu lịch sử dạy cho chúng ta bất kỳ điều gì thì đó là nếu bạn chế nhạo những người tiên phong, không sớm thì muộn bạn sẽ rơi vào tình cảnh "cười người hôm trước, hôm sau người cười".
Vào năm 1987, khi chiếc xe hơi đầu tiên được bán ra, không ai tin rằng xe hơi sẽ thay thế được ngựa - đến nỗi tốc độ của xe hơi được người ta gọi là "mã lực" để dễ bề so sánh. Ngày nay, có hơn 1 tỷ xe hơi đang lưu thông trên toàn thế giới.
Tương tự, khi những chiếc tai nghe Bluetooth lần đầu xuất hiện vào cuối những năm 1990, chúng được đón nhận không mấy tích cực lắm. Bước đi trên một góc phố với một ngón tay đặt trên tai ư? Bạn trông như một thành viên đặc vụ nào đó, hay có khi là... tâm thần cũng nên. Thế nhưng chỉ 4 năm sau đó, nó đã được tạp chí Time bình chọn là phát minh vĩ đại nhất của năm 2002. Tiếp tục "tua nhanh" đến 15 năm sau nữa, chúng ta có chiếc AirPods - vốn ban đầu bị chế nhạo là trông như một cây bông ngoáy tai cỡ đại - hiện đã trở thành chiếc headphone thực sự không dây bán đắt hàng nhất thế giới.
Và khi Amazon tung ra thiết bị Echo vào 4 năm trước, nếu bạn nghĩ rằng có thể yêu cầu một cuộn giấy vệ sinh thông qua một trợ lý gọi là "Alexa", người ta sẽ tìm cách đưa bạn vào viện tâm thần càng nhanh càng tốt. Thế mà hiện nay, có đến gần 50 triệu thiết bị điều khiển giọng nói đã được bán ra.
Điều gì làm cho công nghệ được ứng dụng hàng loạt như vậy? Tại sao kính Google Glass thất bại, nhưng người tiêu dùng lại háo hức mua hơn 1 triệu tai nghe thực tại ảo? Điều gì biến bạn từ một kẻ bên lề thành một người ủng hộ mạnh mẽ xe máy điện?
Mọi khuynh hướng tiến bộ công nghệ chủ đạo và sản phẩm bạn sử dụng đều từng bị xem là phiên bản kỳ quặc của một thứ bạn chưa từng sử dụng. Từng có thời người ta chẳng bao giờ muốn bước vào xe hơi của người khác (Uber) hay ngủ trong nhà người khác (Airbnb). Tương tự, thanh toán trên các thiết bị di động từng bị xem là chẳng khác gì đại hoạ khi lịch của người Maya chấm dứt.
Điều gì đã thay đổi? Đó là sự chấp nhận của xã hội.
Vào năm 1935, nhà tâm lý học xã hội người Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ Muzafer Sherif đã tiến hành một thử nghiệm nhằm kiểm chứng giả thuyết của mình rằng các yếu tố xã hội sẽ ảnh hưởng lên nhận thức. Để thử nghiệm thuyết của Sherif, các cá nhân trong một căn phòng tối đã được cho xem một chấm sáng có vẻ như di chuyển, nhưng thực ra lại đứng yên một chỗ. Khi những người tham gia được hỏi chấm sáng đã di chuyển xa như thế nào, các nhóm người đã cho thấy sự thống nhất trong phát hiện của họ dựa trên "hành vi xã hội" của những người ngang hàng. Nói cách khác, ông đã chứng minh được rằng khi đối mặt với ảnh hưởng và áp lực của việc ra quyết định trong nhóm, các cá nhân sẽ đưa ra câu trả lời hướng về những người trong nhóm - dù cho chấm sáng chưa bao giờ di chuyển. Tính phổ biến dẫn đến ý thức chung.
Nhiều nhà phân phối tận dụng hiện tượng xã hội này. Ví dụ, Apple cho những người có sức ảnh hưởng sử dụng AirPods. Nhờ đó, khi bạn xem các video mới từ các YouTuber nổi tiếng, bạn sẽ thấy AirPods trên tai họ, và nó đại diện cho một phong cách sống mà bạn muốn học theo. Từ đó, việc bạn muốn sắm một cặp AirPods đã trở thành một ý thức chung.
Khả năng biến các khách hàng thụ động - hay giới phê bình - thành fan cuồng được miêu tả trong một nghiên cứu của Henri Tajfel 50 năm trước. Thuyết của Tajfel là ông có thể tạo ra lòng trung thành "nhân tạo" đối với một nhóm người, đủ để có thể phân biệt với nhóm khác. Đây được gọi là "Thử nghiệm Seminal", trong đó Tajfel cho các cá nhân vào các nhóm dựa trên các câu hỏi họ được hỏi trong quá trình thử nghiệm (như số chấm hiện ra trên tường). Khi lập được nhóm với nhau, các cá nhân đột nhiên trở nên liên kết với nhau nhờ vào lòng trung thành vừa được tạo ra này, đơn giản là dựa trên các câu trả lời nhàm chán mà họ đưa ra.
Thí nghiệm này được sử dụng để lý giải cho hiện tượng hâm mộ Apple trong những năm Steve Jobs còn tại vị. Làm sao mà mọi người có thể trung thành với nhau và với Apple như vậy, trong khi lại có thái độ thù hằn với những người khác?
Thực ra điều này liên quan đến cách hoạt động của não bộ chúng ta - vốn luôn muốn là một phần của một nhóm nào đó. Dựa trên những quyết định của những người tiên phong sử dụng đầu tiên, cả xã hội có thể nhanh chóng cảm thấy họ đang bị tụt lại phía sau, không cần biết công nghệ hay cải tiến đó kỳ quặc như thế nào. Từ Pebble Watch đến bitcoin, những người tiên phong chính là những người dự báo thứ tiếp theo sẽ trở thành trào lưu lớn. Trong nhiều năm tới, chúng ta sẽ trở nên quen thuộc với những thứ mà ngày nay được xem là kỳ lạ, như mạch máu tự in ở nhà, hay giác mạc in 3D để phẫu thuật mắt.