Tại sao ai cũng nghĩ suy thoái sẽ ập tới vào năm 2023?

26/12/2022 12:00 PM | Kinh doanh

Các nhà kinh tế đã đưa ra dự báo về suy thoái trong năm tới nhưng họ vẫn đang tranh luận về mức độ nghiêm trọng và thời điểm xảy ra của cuộc suy thoái tiềm năng ấy.

Tại sao ai cũng nghĩ suy thoái sẽ ập tới vào năm 2023? - Ảnh 1.

Suốt nhiều tháng qua, người ta đã liên tục nói về một cuộc suy thoái kinh tế. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng suy thoái sẽ bắt đầu trong năm tới. Cho dù suy thoái nông hay sâu, kéo dài hay sớm kết thúc vẫn là điều còn đang tranh luận nhưng hầu hết đều đồng ý với quan điểm suy thoái sẽ xảy ra vào năm 2023.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, cho biết: “Trong lịch sử, khi lạm phát cao, FED sẽ tăng lãi suất để dập tắt đà tăng của giá cả. Và điều này dẫn tới suy thoái. Khi một nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, suy thoái là điều không thể tránh khỏi. Nền kinh tế Mỹ khó có thể tránh được ảnh hưởng của chính sách lãi suất cao mà FED áp dụng”.

Tuy nhiên, Zandi lại nằm trong số ít các nhà kinh tế tin rằng FED có thể thực hiện được cú hạ cánh mềm, kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Việc tăng lãi suất ở mức độ “vừa đủ” và kéo dài trong khoảng thời gian hợp lý có thể ngăn được suy thoái kinh tế. Dẫu vậy, không ai biết thế nào là đủ và bao lâu thì hợp lý.

Tại sao ai cũng nghĩ suy thoái sẽ ập tới vào năm 2023? - Ảnh 2.

“Thông thường, khi suy thoái xảy ra, các CEO thường không tin họ đã rơi vào suy thoái. Bây giờ, có vẻ như các CEO đều đang thất vọng và tự họ nói rằng chúng ta đang rơi vào suy thoái. Mọi người trên TV đều nói về suy thoái. Mọi nhà kinh tế đều nói về suy thoái. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như thế”, Zandi nói.

Nếu suy thoái xảy ra, lỗi thuộc về FED

Trớ trêu thay, FED lại đang là tác nhân kéo chậm nền kinh tế sau khi cơ quan này ra tay giải cứu trong 2 cuộc suy thoái gần nhất. Ngân hàng Trung ương của Mỹ đã kích thích nền kinh tế bằng cách đưa lãi suất về 0 và tăng tính thanh khoản của thị trường bằng cách bơm thêm hàng nghìn tỷ USD tài sản vào bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, FED đang hút lại tiền và nhanh chóng tăng lãi suất từ 0% vào tháng 3 lên tới 4,25 đến 4,5% trong tháng 12 này.

Trong 2 cuộc suy thoái gần nhất, các nhà hoạch định chính sách hoàn toàn không phải lo lắng về việc lạm phát cao ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng hay ngân sách doanh nghiệp. Lần này, ngoài những điều đó, lạm phát còn len lỏi vào khắp nền kinh tế thông qua chuỗi cung ứng và tăng lương.

FED hiện đang trong một cuộc chiến cam go với lạm phát. Cơ quan này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên khoảng 5,1% vào đầu tuần tới. Các nhà kinh tế tin rằng lạm phát vẫn được duy trì ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, lãi suất cao gây thiệt hại cho thị trường nhà ở. Doanh số bán nhà đã giảm 35,4% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái và đây là tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Lãi suất vay thế chấp kỳ hạn 30 năm là 7%. Lạm phát tiêu dùng vẫn đang ở mức cao là 7,1% trong tháng trước.

Tại sao ai cũng nghĩ suy thoái sẽ ập tới vào năm 2023? - Ảnh 3.

“Có lẽ, đã đến lúc các bạn cần phải phủi đi lớp bụi trên cuốn sách giáo khoa kinh tế của mình. Với cơ chế đang vận hành hiện nay, chúng ta sẽ bắt đầu thấy lợi nhuận doanh nghiệp bị nén một cách đáng kể. Khi mọi thứ trở nên bất ổn định, các doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm chi phí. Nơi đầu tiên mà chúng ta thấy bị cắt giảm đó là lương cho người lao động. Điều đó có khả năng xảy ra vào cuối năm sau. Đó cũng là lúc tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể và lạm phát cũng sẽ giảm theo”, Tom Simons, chuyên gia kinh tế tại Jefferies, cho biết.

Tình hình có thể tệ đến mức nào?

Suy thoái kinh tế được coi là tình trạng nền kinh tế tụt lùi trong thời gian dài, ảnh hướng tới hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Thông thường, sụt giảm ít nhất 2 quý liên tiếp được coi là suy thoái về mặt danh nghĩa. Mỗi nước sẽ có một cơ quan đưa ra quyết định xem nền kinh tế của họ đã thực sự rơi vào suy thoái hay chưa cũng như đánh giá xem suy thoái nghiêm trọng đến mức nào, lan rộng ra sao và kéo dài trong bao lâu.

Tuy nhiên, chưa có đầy đủ bằng chứng để Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Mỹ nói nền kinh tế số 1 thế giới đã rơi vào suy thoái. Nó khác hoàn toàn so với những gì xảy ra năm 2020. Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế tê liệt một cách đột ngột trên diện rộng và nó được xác định là một cuộc suy thoái dù diễn ra rất ngắn.

Tại sao ai cũng nghĩ suy thoái sẽ ập tới vào năm 2023? - Ảnh 4.

Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, cho biết: “Tin tốt với chúng ta là nếu suy thoái có xảy ra, chúng ta cũng có thể phục hồi nhanh chóng. Ngay sau khi FED hạ lãi suất vì suy thoái, nền kinh tế lại tiếp tục có động lực để tăng trưởng trở lại. Suy thoái do FED gây ra không phải suy thoái bảng cân đối kế toán”.

Trong khi đó, dự báo kinh tế mới nhất của FED cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 0,5% vào năm 2023 và điều đó không phải suy thoái.

FED đảo ngược chính sách

Các nhà hoạch định có thể giữ lãi suất ở mức cao như hiện nay trong bao lâu là điều chưa rõ ràng. Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào việc FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Trong dự báo riêng của mình, Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu từ năm 2014.

Swonk tin rằng FED sẽ phải quay xe ở một thời điểm nào đó do suy thoái kinh tế nhưng Simons dự báo một cuộc suy thoái có thể kéo dài đến cuối năm 2024 trong thời kỳ lãi suất cao.

Simons của Jefferies cho biết: “Thị trường rõ ràng nghĩ rằng FED sẽ đảo ngược chính sách lãi suất khi mọi thứ đi xuống. Điều không được đánh giá cao là FED cần giữ vị thế hiện tại của mình trong thời gian dài để giữ uy tín của họ trong cuộc chiến chống lạm phát”.

Hai cuộc suy thoái gần đây nhất đều xảy ra sau những cú sốc. Simons cho biết suy thoái năm 2008 bắt đầu tự hệ thống tài chính còn năm 2020 là do dịch bệnh. Tuy nhiên, cuộc suy thoái sắp tới sẽ không giống như vậy.

Tham khảo: CNBC

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM